Ngành ngân hàng châu Âu bên bờ khủng hoảng (Phần I)

07:03' - 23/10/2016
BNEWS Việc Deutsche Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất Đức rơi vào khó khăn đã làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính lớn tại châu Âu.
Ngành ngân hàng châu Âu bên bờ khủng hoảng. Ảnh: The New York Times
Lại một lần nữa châu Âu run rẩy vì các ngân hàng và sự ổn định tài chính của mình. Những khó khăn của Deutsche Bank, gã khổng lồ trong lĩnh vực này, đã khiến cho mối quan ngại về một cú sốc ngân hàng mới lại nổi lên. Deutsche Bank hiện suy yếu về các vấn đề mang tính cơ cấu và bị đe dọa bởi khoản tiền phạt khổng lồ 12,5 tỷ euro bởi chính phủ Mỹ do bị quy trách nhiệm trong vụ bê bối vay nợ thế chấp dưới chuẩn (subprimes) năm 2007, nguồn gốc gây ra vụ khủng hoảng 2008.

Khiếm khuyết của ngân hàng Eurozone

Deutsche Bank có bản kê tài sản quản lý trên sổ sách tương đương GDP của Italy, gần 10% GDP của toàn bộ khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mọi thăng trầm của đế chế này chắc chắn gây ra hệ lụy không nhỏ và theo hiệu ứng domino, đẩy nền kinh tế yếu đuối mới đang hồi phục và ngân sách công của nhiều nước trước sức ép rất lớn.

Deutsche Bank thành lập từ năm 1870 để tài trợ cho sự phát triển công nghiệp Đức, trong một thời gian dài đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước này. Nhưng nay, nó đang bị coi là một quả bom nổ chậm.

Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế trong bản báo cáo đưa ra tháng 6 vừa qua, đoá hoa của nền kinh tế Đức đã biến thành một trong những tổ hợp tài chính nhiều rủi ro nhất thế giới, do mối liên hệ nhằng nhịt của nó với phần của lại của khu vực ngân hàng toàn cầu.

Không chỉ có vậy, nó còn nắm giữ một bản kết toán tài sản có rủi ro cao khổng lồ liên quan đến sản phẩm tài chính phái sinh, một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính 2007. Tình trạng dễ bị bùng nổ này từ lâu không còn là một bí mật của Deutsche Bank trên thị trường tài chính thế giới và chắc chắn nó cũng đã được các nhà quản lý nhận diện, cũng như nhiều vấn đề có tính chất cơ cấu khác, như sức cạnh tranh suy giảm trước các đối thủ Mỹ, tiền thưởng cao, mô hình hoạt động lỗi thời.

Mối đe dọa khoản tiền phạt kỷ lục 14 tỷ USD (12,5 tỷ euro) mà Mỹ áp đặt do vai trò của Deutsche Bank trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, mới được công bố ngày 16/9, chỉ là một tia lửa, đặt ngân hàng này trước sự chú ý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Dù vẫn có giá trị vốn hóa khá vững chắc và nắm trong tay 230 tỷ euro tiền mặt cộng với các tỷ suất vốn khá tích cực, ngân hàng vẫn có thể sa vào tình trạng thiếu vốn chủ sở hữu.

Các án phạt đang "bủa vây" Deutsche Bank. Ảnh: Bloomberg

Từ đầu năm 2016, giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán của nó đã mất một nửa, tức 15 tỷ euro bốc hơi. Nhiều khả năng ECB sẽ yêu cầu ngân hàng phải tái vốn hóa ngay lập tức để tái lập niềm tin.

Trong những tháng gần đây, theo sáng kiến của ECB và các cơ quan tương tự của các nước thành viên, các nhà lãnh đạo châu Âu đã làm rất nhiều việc để tăng vốn cho các ngân hàng và củng cố khả năng chống đỡ của họ đối với các cú sốc kinh tế có thể xảy ra trong tương lai. Nhưng vẫn còn nhiều điểm yếu trong khu vực đồng tiền chung, mà điển hình là Italy và Bồ Đào Nha.

Không được truyền thông chú ý như vụ Deutsche Bank, nhưng các nhà kinh tế nhận định trường hợp Italy và Bồ Đào Nha trầm trọng hơn và khó xử lý hơn. Các nước này có nguy cơ bùng nổ cao hơn nếu vấn đề của họ không nhanh chóng được xử lý.

Italy từ năm 2009 đến nay chưa biết đến mùi vị tăng trưởng, lĩnh vực ngân hàng bị tác động tiêu cực bởi các khoản nợ xấu, phổ biến là không được bảo lãnh.

Ông Patrick Artus, giám đốc nghiên cứu của ngân hàng Natixis, Pháp, đánh giá: “Cần phải tái cấp vốn cho các ngân hàng Italy từ 80-100 tỷ euro để họ có thể đối phó với lượng nợ xấu khổng lồ không có bảo lãnh. Đồng thời, phải làm sạch lĩnh vực này. Đây là một chủ đề chính trị quan trọng không chỉ đối với Italy, mà cả của châu Âu”.

Còn tại Bồ Đào Nha, mặc dù đã tiếp nhận kế hoạch cứu trợ của Liên minh châu Âu và Quỹ tiền tệ thế giới năm 2012, lĩnh vực ngân hàng vẫn gượng dậy một cách khó khăn sau khủng hoảng và có khả năng bùng nổ bởi các khoản nợ khó đòi. Hệ thống ngân hàng nước này lo ngại chi phí đi vay của họ sẽ tăng lên nếu như bị hạ bậc xếp hạng tín dụng trong đợt xem xét vào tháng 10 tới.

Xem tiếp phần II

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục