Ngành nông nghiệp cơ bản hoàn thành cơ chế một cửa quốc gia

15:42' - 26/10/2016
BNEWS Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản hoàn thành kết nối, vận hành chính thức 9/9 thủ tục hành chính thí điểm tại 7 đơn vị thuộc Bộ trên hệ thống một cửa quốc gia đảm bảo yêu cầu quy định
Ngành nông nghiệp cơ bản hoàn thành cơ chế một cửa quốc gia. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tại hội nghị Sơ kết thí điểm triển khai cơ chế một cửa quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 26/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá, hiện Bộ đã cơ bản hoàn thành kết nối, vận hành chính thức 9/9 thủ tục hành chính thí điểm tại 7 đơn vị thuộc Bộ trên hệ thống một cửa quốc gia đảm bảo yêu cầu quy định.

Tính đến ngày 20/10, có 7 đơn vị gồm 5 Cục (Chăn nuôi, Thú y, Bảo vệ thực vật, Trồng trọt, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) và 2 Tổng cục (Thủy sản và Lâm nghiệp) đã tiếp nhận, xử lý giải quyết 32.833 hồ sơ cấp phép điện tử qua cổng một cửa quốc gia; xử lý, giải quyết và cấp phép/Giấy chứng nhận điện tử 26.279 hồ sơ và đang tiếp tục xử lý 6.554 hồ sơ.

Nhiều đơn vị đã tiếp nhận và xử lý gần 100% hồ sơ như Cục Chăn nuôi Trạm kiểm dịch thực vật Nội Bài (Cục Bảo vệ thực vật)… Một số đơn vị như Cục Chăn nuôi, Trung tâm 3K (Tổng cục Thủy sản), Trạm kiểm dịch thực vật Nội Bài (Cục Bảo vệ thực vật), Cơ quan Thú y vùng II Hải Phòng (Cục Thú y) đến nay đã cơ bản không tiếp nhận việc xử lý, giải quyết hồ sơ giấy.

Theo ông Ngô Hồng Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thường trực Ban chỉ đạo cơ chế một cửa quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ chế một cửa quốc gia tại Bộ và các đơn vị trong thời gian qua đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đơn giản hóa hồ sơ thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa…) góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP.

Tuy nhiên, đây là việc làm mới, còn gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu triển khai áp dụng. Do vậy, cần có sự phối hợp tích cực từ phía doanh nghiệp và các đơn vị liên quan, cùng với cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ để từng bước sớm hoàn thiện và thực hiện hiệu quả.

Qua quá trình triển khai, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận thấy, vấn đề quan trọng nhất là tập huấn cho các cán bộ trực tiếp thực hiện vì liên quan đến nhiều đơn vị, nhiều doanh nghiệp.

Ngoài những khó khăn như Cục Chăn nuôi gặp phải, đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, dù đã được Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tích cực hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhưng vẫn còn nhiều trục trặc phát sinh. Bởi vậy, vẫn còn 190/582 hồ sơ đăng ký không cấp được chứng thư trên hệ thống và các Trung tâm Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản vùng đã phải thực hiện qua hồ sơ giấy.

Ông Hoàng Thanh Vân cũng cho rằng, hạ tầng còn yếu nên khi thực hiện vẫn gặp lỗi. Điều này dễ gây chán nản cho doanh nghiệp, do vậy cần có sự đầu tư hạ tầng riêng cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người dân đòi hỏi những cấp độ cao hơn như có sự liên thông với các đơn vị khác của Bộ để có thể hoàn thiện hồ sơ mang tính liên ngành.

Đại diện Trạm kiểm dịch thực vật Nội Bài cho rằng, phần mềm vẫn chưa có chức năng thống kê, báo cáo; việc trao đổi thông tin còn hạn chế. Do vậy, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cần tiếp tục cải thiện phần mềm.

Để tháo gỡ khó khăn này cho doanh nghiệp, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, đối với những thủ tục mang tính liên ngành, Bộ nên tập trung một đầu mối; cần tạo cơ chế liên ngành trong Bộ thông thoáng, thuận lợi để rút ngắn thủ tục. Đối với những tổ chức thực hiện thành nhiều cấp cũng cần có cách thức để rút ngắn thủ tục.

Đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu các thủ tục hành chính của Bộ thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia được thu phí, lệ phí bằng hình thức điện tử 100% và được thực hiện dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thành triển khai mở rộng trên toàn quốc đối với 9 thủ tục hành chính thí điểm trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai mới 26 thủ tục hành chính thực hiện tại 4 cục là Thú y, Chăn nuôi, Bảo vệ thực vật, Trồng trọt và Tổng cục Thủy sản.

Bên cạnh đó là các thủ tục làm mới kết nối cảng biển, hàng không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục