Ngành ô tô Trung Quốc – Bài cuối: Triển vọng chiếm lĩnh thị trường thế giới

05:30' - 03/09/2024
BNEWS Các nhà sản xuất Trung Quốc đang nhắm đến Mexico để tránh mức thuế nhập khẩu 100% của Mỹ, vốn đã được Tổng thống Joe Biden công bố vào tháng 5/2024.

Các nhà sản xuất xe điện và xe lai hybrid (chạy bằng cả xăng và điện) của Trung Quốc đã chiếm gần một nửa tổng số xe bán ra trên thị trường nội địa của nước này và vừa ghi nhận thị phần kỷ lục ở châu Âu. Nhưng bản thân các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn gặp phải nhiều thách thức. Công ty tư vấn ô tô AlixPartners có trụ sở tại Thượng Hải dự đoán chỉ có 19 nhà sản xuất xe điện thu được lợi nhuận vào cuối thập kỷ này, phần lớn là do cuộc chiến giá cả ở thị trường nội địa.           

Giám đốc Văn phòng Trung Quốc của công ty tư vấn nghiên cứu ô tô toàn cầu SBD Automotive, Victor Zhang, chia sẻ Trung Quốc có quá nhiều thương hiệu để mang lại lợi nhuận xứng đáng cho các nhà đầu tư. Thường các doanh nghiệp ô tô phương Tây mất tới 4 năm để phát triển một mẫu xe mới và đưa chúng ra thị trường, nhưng chu kỳ này là quá dài tại thị trường Trung Quốc đang thay đổi liên tục.

Ví dụ, chiếc xe ô tô điện mới nhất do hãng công nghệ Xiaomi phát triển có thời gian chuẩn bị, xây dựng và đưa ra thị trường trong ba năm. Điều này về cơ bản đã "trở thành tiêu chuẩn ở Trung Quốc… thị trường hiện nay quá cạnh tranh", ông Zhang nói. Một số thương hiệu sẽ sớm bị loại bỏ khỏi một thị trường có nhịp độ nhanh như vậy. Do đó, cần có một quá trình hợp nhất nhất định để có thể có 25 hoặc 26 hãng sản xuất lớn.

Khó khăn tiếp theo là rào cản thuế quan mà các nước phương Tây đang dựng lên. Với lý do được nhận tài trợ nhà nước dẫn đến lợi thế về giá, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định áp thuế quan bổ sung đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, lên tới 38%.

Nhưng vẫn có những quốc gia đang chào đón các nhà sản xuất Trung Quốc. Italy thậm chí còn cung cấp hai thương hiệu nổi tiếng là Innocenti và Autobianchi cho doanh nghiệp Trung Quốc nếu họ đồng ý sản xuất ô tô dưới những thương hiệu đó ở Italy. BYD, thương hiệu nội địa hàng đầu của Trung Quốc, đang xây dựng một nhà máy ở Hungary, đồng nghĩa với việc ô tô Trung Quốc sẽ ra khỏi dây chuyền sản xuất ở Tây Ban Nha và Ba Lan.  

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang nhắm đến Mexico để tránh mức thuế nhập khẩu 100% của Mỹ, vốn đã được Tổng thống Joe Biden công bố vào tháng 5/2024. Hơn nữa, ứng cử viên cuộc đua Tổng thống Mỹ năm 2024 của đảng Cộng hòa, ông Donald Trump đã tuyên bố, nếu chiến thắng, ông sẽ không cho phép nhập khẩu xe điện Trung Quốc ngay cả khi chúng được sản xuất tại một quốc gia thuộc Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, công ty dữ liệu AlixPartners dự đoán rằng đến cuối năm 2030, các thương hiệu ô tô Trung Quốc sẽ nắm giữ 33% thị trường ô tô toàn cầu, tăng từ mức ước tính 21% hiện nay (nhiều ô tô sản xuất tại Trung Quốc đại diện cho các nhà sản xuất không phải của Trung Quốc). Hơn nữa, các thương hiệu Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chiếm 45% doanh số bán xe “năng lượng mới”, bao gồm xe điện và xe lai (plug-in hybrid).

Các ngành công nghiệp phương Tây lo sợ về sự đổ bộ của ô tô Trung Quốc. Họ viện dẫn về câu chuyện thất bại của ngành công nghiệp năng lượng Mặt trời hay tua-bin gió khi gặp phải sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Ngoài ra, những lo ngại về quyền riêng tư cũng đã được đặt ra, khi những chiếc xe đang trở nên ngày một thông minh với hàng loạt công nghệ lắp đặt bên trong xe.

Ô tô Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Australia như thế nào? Sự đổ bộ của các nhà sản xuất Trung Quốc vào hầu hết các ngách của thị trường ô tô Australia có thể sẽ tăng lên rõ rệt. Hiện đã có gần 40 mẫu xe Trung Quốc được bán ở Australia. Những chiếc xe này được sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu vào Australia. Chúng bao gồm các thương hiệu có trụ sở tại Trung Quốc như MG, GWM (nhà sản xuất các mẫu Haval và Ora), BYD và LDV, cùng với cả các hãng xe phương Tây sản xuất tại Trung Quốc, như Tesla và một số xe BMW, Volvo và Minis...

Có tới 10 thương hiệu ô tô mới của Trung Quốc đang lên kế hoạch hoặc đang nghiên cứu việc ra mắt tại Australia. Theo số liệu của Phòng Thương mại ngành công nghiệp ô tô Australia (VFACTS), khoảng 110.000 ô tô do Trung Quốc sản xuất đã được bán tại Australia, bao gồm cả xe xăng, hybrid và xe điện (EV) tính đến thời điểm hiện tại, trong đó thương hiệu xe điện hàng đầu của Trung Quốc là BYD đạt doanh số 11.334 chiếc và dẫn đầu về tổng thể là MG với 28.684 chiếc.

Để so sánh, Pháp – quốc gia từng thiết lập nhà máy sản xuất ô tô tại Australia - chỉ bán được khoảng 2.986 chiếc ô tô cho người tiêu dùng nước này. Tương tự, các mẫu xe hạng sang của Đức như Volkswagen và Opel cũng rất dễ bị tổn thương khi đối mặt với sự cạnh tranh về giá và có lẽ là tiên tiến hơn về mặt kỹ thuật từ xe Trung Quốc./.

                                 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục