Ngành xuất khẩu chủ lực hấp dẫn hoạt động mua bán - sáp nhập

12:37' - 13/04/2021
BNEWS Trong giai đoạn 2020 - 2021, Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor Internatonal dự báo điểm đầu tư mua bán - sáp nhập (M&A) của Việt Nam đứng thứ 2 và đạt 94,6 điểm, sau Hoa Kỳ là 112,5 điểm.

Xu hướng M&A tiếp tục mạnh hơn khiến nảy sinh nguy cơ doanh nghiệp tiềm năng có quy mô vừa và lớn, chiếm thị phần nhất định hoặc có vai trò dẫn dắt một số ngành trọng điểm, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể bị thâu tóm.

* Nhận diện tiềm lực doanh nghiệp

Thống kê cho thấy, một số ngành trọng điểm, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có cơ hội thị trường lớn và thúc đẩy làn sóng M&A tăng trong thời gian tới như dệt may, da giày, điện tử...; trong đó, ngành dệt may Việt Nam có điểm mạnh là chi phí lao động thấp và Chính phủ cũng định hướng ngành này là một trong số 6 lĩnh vực thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tại Việt Nam.

Tương tự, ngành da giày hiện đã chủ động được hơn 70% nguyên liệu phụ cho các dòng sản phẩm trung bình và 50% nguyên liệu cho dòng sản phẩm trung bình khá.

Điều này đưa Việt Nam trở thành "công xưởng" giày dép trên thế giới. Còn thị trường nội địa Việt Nam vốn là thị trường tiêu thụ lớn với dân số hơn 96 triệu dân.

Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất đồ điện tử của thế giới và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đang tiếp tục đổ vào thị trường trong những năm gầy đây.

Ngành công nghiệp điện tử gắn liền với sự phát triển của các dự án điện tử lõi từ nhiều tập đoàn điện tử lớn như Samsung, LG, Intel...

Bà Trần Phương Lan - Trưởng phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, bên cạnh dư địa phát triển sẵn có, cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương cũng góp phần thúc đẩy các ngành kể trên phát triển; trong đó, có thể kể đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) loại bỏ ngay 42,5% số dòng thuế nhập khẩu cho ngành dệt may; thuế suất giảm dần về 0% đối với ngành da giày khi hiệp định có hiệu lực...

Còn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác.

Tuy nhiên, tiềm lực của doanh nghiệp trong nước chưa đủ lớn và ảnh hưởng từ dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khan hiếm đơn hàng; thậm chí, một số phải đóng cửa, đối diện với nguy cơ phá sản... Cụ thể, thị trường dệt may Việt Nam đạt khoảng 9.000 doanh nghiệp, nhưng đến 70% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Riêng ngành da giày có khoảng 20% doanh nghiệp lớn nhưng lại hầu hết là doanh nghiệp FDI và chiếm tỷ lệ 75% giá trị xuất khẩu. Cùng đó, có 85% doanh nghiệp hạn chế về vốn, kỹ thuật, công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu...

Đối với ngành điện tử thì công nghiệp hỗ trợ cho ngành vẫn chưa phát triển đáp ứng được nhu cầu thị trường, tỷ lệ nội địa hóa thấp, với mức bình quân từ 20-30%. Các công tác nghiên cứu, thiết kế phát triển sản phẩm (R&D) của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu.

* Giải pháp hút vốn hiệu quả

Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam chỉ rõ, khoảng 3 năm trở lại đây có nhiều tín hiệu nở rộ thương vụ M&A trong ngành dệt may, da giày, điện tử...

Năm 2018, Tập đoàn Itochu của Nhật Bản đã chi 47 triệu USD để mua gần 10% cổ phần của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Thương vụ thành công đã giúp nâng tỷ lệ sở hữu của Itochu lên gần 15% và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Vinatex, sau Bộ Công Thương.

Năm 2020, có một số thương vụ M&A đáng chú ý ở ngành da giày như thương vụ giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tae Kwang MTC Việt Nam và Công ty cổ phần Jin Heoung Vina; ngành điện tử là thương vụ giữa Công ty Zenith Electronics LLC (Zenith) và Công ty Luxoft USA,IN...

Mặt khác, doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc liên tục có mặt trong Top 10 thương vụ M&A quy mô lớn tại Việt Nam cũng có xu hướng ưu tiên lựa chọn đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực tiềm năng như dệt may, da giày; tiếp theo là chuyển sang lĩnh vực điện tử và một số ngành nghề, lĩnh vực khác.

Theo chuyên gia kinh tế, bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào khi mua cổ phần của doanh nghiệp nội địa đều thuộc đối tượng quản lý của các nước sở tại.

Ở Nhật Bản, nhà đầu tư nước ngoài muốn mua nhiều hơn 1% cổ phần ở 12 lĩnh vực trọng yếu có trong danh mục sẽ phải thông báo trước với cơ quan quản lý về kế hoạch mua cổ phần của mình.

Còn tại Australia, Chính phủ nước này yêu cầu tất cả khoản đầu tư nước ngoài đều phải chịu sự giám sát cửa Ủy ban Đánh giá đầu tư nước ngoài, bất kể giá trị thỏa thuận là bao nhiêu.

Kinh nghiệm kiểm soát hoạt động M&A tại các nước cho thấy, để hoạt động M&A hiệu quả, đảm bảo lợi ích các bên cần phải kiện toàn hệ thống pháp luật đối với hoạt động này, nhất là vấn đề minh bạch thông tin của những đơn vị tham gia giao dịch.

Về cơ chế chính sách, thiết lập cơ chế tham vấn thường xuyên giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Công Thương để xây dựng cơ sở dữ liệu về M&A trong những ngành trọng tâm, xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử...

Về phía doanh nghiệp chủ động đa dạng giải pháp về mặt kỹ thuật để minh bạch thông tin, xác định mục tiêu thực hiện thương vụ M&A, phân tích đối tác để tránh bị thâu tóm và phòng tránh rủi ro trong quá trình đàm phán.

Đặc biệt, với những thương vụ có yếu tố nước ngoài, doanh nghiệp nên nắm bắt thông tin thị trường, đánh giá đầu tư nước ngoài với bất kể giá trị thỏa thuận là bao nhiêu.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tòng - nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho biết, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, ngành công nghiệp này phải nỗ lực vượt qua thách thức về xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Da giày, túi xách là một trong 5 ngành xuất khẩu chủ lực hàng đầu của Việt Nam nên doanh nghiệp trong ngành phải chủ động liên kết, để cải thiện nội lực, hoặc hợp tác thông qua hoạt động M&A trong ngành để phát triển bền vững.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thuý Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Bộ Công Thương cho hay, tác động của dịch COVID-19 là một "cú sốc" về cung và cầu. Biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của dịch bệnh này đều tính đến đồng thời cả nguồn cung và cầu.

Hiện Chính phủ có chủ trương kiên định mục tiêu kép, nên quản lý kinh tế vĩ mô một cách thận trọng để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường.

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và trong từng ngành nghề, lĩnh vực theo hướng xây dựng nền kinh tế tự chủ, khơi dậy nội lực, nâng cao khả năng thích ứng cũng như sức chống chịu của nền kinh tế sẽ mở rộng, tạo động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp để kéo theo cả nền kinh tế phát triển.

Do đó, doanh nghiệp phải phát huy vai trò đồng hành cùng các bộ, ngành nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, đa dạng thị trường xuất nhập khẩu; nắm bắt cơ hội từ sự chuyển dịch cung cầu thế giới ở những ngành trọng điểm, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục