Người lao động Australia vẫn gặp khó trong tìm kiếm công việc

05:30' - 11/12/2023
BNEWS Số liệu của Bộ Ngân khố Australia cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Australia hiện ở mức thấp nhất trong 50 năm qua (3,6%), và tỷ lệ thất nghiệp dài hạn cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Tuy nhiên, bản tổng kết về tình trạng việc làm mới nhất mà Anglicare - cơ quan dịch vụ cộng đồng bảo trợ quốc gia - đưa ra đã vẽ nên một bức tranh phức tạp hơn.

Tổng Giám đốc điều hành của Anglicare, bà Kasy Chambers, cho biết dù nền kinh tế hiện mạnh mẽ đến đâu và con số thất nghiệp được báo cáo thấp đến mức nào, vẫn có một nhóm người Australia đang bị bỏ lại phía sau.

Họ phải đối mặt với rất nhiều rào cản để có thể tham gia vào lực lượng lao động, và họ không nhận được đủ sự trợ giúp trong vấn đề này.

Theo bà Chambers, tình trạng thất nghiệp dài hạn thường kéo theo tình trạng nghèo đói vì phúc lợi của Centrelink - một cơ quan của Chính phủ Australia cung ứng một loạt dịch vụ cho cộng đồng, gồm các khoản trợ cấp và các dịch vụ an sinh xã hội - chỉ được coi là một biện pháp hỗ trợ tạm thời.

Mức lương hiện tại của người tìm việc quá thấp, chỉ 346 AUD/tuần (228 USD/tuần). Số tiền đó quá thấp không thể giúp họ trang trải tiền thuê nhà, mua thực phẩm bổ dưỡng và phục vụ các nhu cầu cơ bản.

Họ càng rời khỏi lực lượng lao động lâu, khả năng tìm được việc làm của họ càng thấp. Và những tác động không chỉ là tài chính mà còn liên quan đến khả năng cũng như cơ hội để họ đóng góp và hòa nhập với xã hội.

 

Bà Catherine Scarth - Giám đốc điều hành của AMES Australia, một tổ chức tập trung vào việc giúp đỡ những người mới đến Australia định cư, học tiếng Anh và tìm việc làm - cho biết, di dân thường phải đối mặt với những thách thức cụ thể liên quan đến ngôn ngữ cũng như việc có các kỹ năng và kinh nghiệm trước đây được công nhận ở Australia.

Nhiều người mới đến có nhiều kinh nghiệm làm việc nhưng không phải ở Australia, và đó là một rào cản cụ thể. Nhìn chung, việc thiếu mạng lưới các mối quan hệ xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều người thất nghiệp dài hạn.

Đặc biệt, cộng đồng di dân và người tị nạn không có mạng lưới giống như nhiều người sinh ra ở đây. Bản thân điều đó là một rào cản vì công việc thường không được quảng cáo, mà là thông qua mạng lưới những người họ quen biết.

Ngoài việc AMES giúp đỡ những người mới đến với các kỹ năng thực tế như viết sơ yếu lý lịch, tổ chức này còn làm việc với các nhà tuyển dụng để kết nối họ với người tìm việc thông qua các chương trình cố vấn và triển lãm.

Bà Scarth cho rằng điều quan trọng là các nhà tuyển dụng phải hiểu cách làm cho quy trình tuyển dụng của họ trở nên dễ tiếp cận hơn.

Các nhà tuyển dụng thường chỉ tuyển dụng trực tuyến, và rõ ràng là những người có trình độ tiếng Anh thấp hơn - hoặc không quen với những cách tìm việc đó - sẽ gặp khó khăn, vì vậy họ bị mất đi cơ hội trước khi có dịp thể hiện kỹ năng hoặc kinh nghiệm của họ.

Do đó, khi làm việc với nhà tuyển dụng, đặc biệt là trong một thị trường lao động eo hẹp, AMES khuyến khích họ nghĩ ra những cách khác trong việc quảng cáo, kết nối với cộng đồng và thu hút người tìm việc.

Bà Scarth cũng mong muốn thấy được sự phát triển liên tục các kỹ năng thông qua giáo dục, đào tạo nghề và bố trí việc làm, để người tìm việc có thể có được những công việc tốt hơn, bước lên bậc thang nơi có sự phát triển nghề nghiệp tốt và những công việc tốt hơn với mức lương cao hơn, chứ không chỉ bó buộc với những công việc lương thấp, tay nghề thấp.

Trong khi đó, bà Kasy Chambers cho rằng chính phủ cần tăng cường hỗ trợ thu nhập để giúp đỡ người dân khi họ thất nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục