Nguy cơ đe dọa mục tiêu dẫn đầu thế giới về công nghệ của Trung Quốc

05:30' - 24/06/2021
BNEWS Trung Quốc trong thời gian gần đây đã thắt chặt quản lý đối với lĩnh vực công nghệ, nhưng sự mạnh tay này có thể là “con dao hai lưỡi” đối với nền kinh tế nước này.

Trong vài tháng gần đây, nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc đã bị điều tra vì những cáo buộc về hành vi độc quyền hay vi phạm quyền người tiêu dùng.

Chiến dịch điều tra mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho là cần thiết để duy trì “sự ổn định xã hội” này đã dẫn đến các khoản phạt cao kỷ lục đối với nhiều “ông lớn” công nghệ. Giá trị của nhiều cổ phiếu công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã giảm hơn 600 tỷ USD chỉ trong vài tháng qua.

Giữa “cơn bão” này, một số doanh nhân thành công nhất của Trung Quốc cũng đã từ bỏ các vị trí cấp cao. Zhang Yiming, người sáng lập công ty ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng “đình đám” thế giới TikTok, gần đây tuyên bố sẽ rút khỏi vị trí Giám đốc điều hành khi chỉ mới 38 tuổi để lui về đảm nhiệm một vai trò kém nổi bật hơn trong công ty này.

Và Colin Huang, 41 tuổi, hồi tháng Ba vừa qua cũng cho biết sẽ từ chức Chủ tịch Pinduoduo, một công ty thương mại điện tử mới nổi đang cạnh tranh với những “lão làng” như Alibaba. Trong khi đó, người sáng lập Alibaba, Jack Ma, doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, đã gần như mất hút khỏi tầm mắt của dư luận.

Cả ông Zhang và ông Huang đều nói rằng họ ra đi để thử sức với những điều mới mẻ, nhưng khó có thể tách rời sự ra đi của họ với sự thắt chặt quản lý của chính phủtrong lĩnh vực này. Trước đó, ông Jack Ma cũng từng quyết định “lui về hậu trường” sau khi có những phát ngôn chỉ trích hệ thống ngân hàng do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát.

Và không chỉ Jack Ma mà cả những công ty mà ông gây dựng cũng không tránh khỏi tầmảnh hưởng của “bão”. Trong khi đó, Alibaba phải chịu một khoản phạt cao kỷ lục hồi tháng Tư do các vấn đề độc quyền.

Ông Nicholas Lardy, một chuyên gia cấp cao chuyên nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), cho rằng chính phủ nước này thắt chặt quản lý với lĩnh vực công nghệ một phần vì muốn giảm nguy cơ tài chính, như trong trường hợp của công ty tài chính Ant Group.

Thời điểm này năm ngoái, Ant Group đang nắm giữ số khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng trị giá khoảng 2.150 tỷ nhân dân tệ (333 tỷ USD).

Bên cạnh đó, Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc trường đại học University of London, cho rằng những người rơi vào “tầm ngắm” của chính phủ thời gian vừa qua là lãnh đạo của những công ty có tầm ảnh hưởng lớn. Có lẽ vì vậy, dường như họ muốn đảm bảo rằng họ không phải là một mối đe dọa bằng cách chuyển giao quyền lãnh đạo công ty cho người khác.

Sự phát triển nhanh chóng và thần kỳ đã giúp Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu về công nghệ trong thời gian qua xuất phát từ quyết định của Bắc Kinh vào cuối những năm 1970 trong việc giảm điều khiển nền kinh tế và áp dụng phương pháp thị trường tự do ở nhiều lĩnh vực.

Chẳng hạn như ngành công nghệ của Trung Quốc đã được tự do huy động vốn nước ngoài. Các khoản đầu tư của tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) vào Alibaba hay của Naspers (Nam Phi) vào Tencent khoảng 20 năm trước đã đem lại “quả ngọt” cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, việc phục hồi mức độ kiểm soát cao của nhà nước có thể làm giảm sự tựdo, vốn là yếu tố giúp các công ty tư nhân này có thể đổi mới và bắt kịp với các đối thủ lớn trên toàn cầu.

Sonja Opper, Giáo sư chuyên nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc của Đại học Bocconi ở Italy, cho rằng giới đầu tư có thể mất động lực “bơm” tiền vào các công ty tư nhân của Trung Quốc với lo ngại về “sự can thiệp không mong muốn của chính phủ”, đặc biệt khi nhiều dự án công nghệ phải mất một thời gian dài để gây dựng.

Hiện có nhiều minh chứng cho thấy điều này vẫn đang diễn ra. Alibaba đã mất hơn 240 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường kể từ khi thương vụ IPO của Ant Group thất bại hồi tháng 11 năm ngoái. Tencent đã chứng kiến 173 tỷ USD giá trị thị trường của mình bị “bốc hơi” kể từ khi đạt “đỉnh” vào tháng Một.

Trong khi đó, các công ty thương mại điện tử Pinduoduo, JD.com, và “ông lớn” trong lĩnh vực dịch vụ giao đồ ăn Meituan mất tổng cộng 231 tỷ USD kể từ tháng Hai.

Khu vực tư nhân hiện đóng góp gần 2/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này và tạo việc làm cho 80% người lao động Trung Quốc.

Ông Nicholas Lardy, chuyên gia cấp cao của PIIE, nhận định rằng để thực hiện được tham vọng đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành nước dẫn đầu đổi mới từ nay đến năm 2035 và một cường quốc công nghệ trên toàn cầu vào năm 2050, Trung Quốc vẫn cần phải dựa vào các công ty tư nhân nhiều hơn nữa.

Những năm gần đây, chính phủ nước này đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm phụ thuộc vào các nước phương Tây về công nghệ, đặc biệt khi Washington hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ của các công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, yếu tố thúc đẩy đổi mới và phát triển ở Trung Quốc không chỉ là các doanh nghiệp nhà nước, mà là các công ty tư nhân.Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc, tập đoàn công nghệ Huawei và Alibaba đã chi cho nghiên cứu và phát triển nhiều hơn bất cứ công ty nào khác ở Trung Quốc.

Các doanh nghiệp nhà nước lâu nay được cho là hoạt động thiếu hiệu quả cả trong việc phân bổ nguồn lực và cạnh tranh với các công ty tư nhân. Khu vực nhà nước tạo ít việc làm hơn, nhưng chiếm đến 70% nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc, không tính lĩnh vực tài chính. Điều này đặt ra một nguy cơ lớn đối với sựổn định tài chính và tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục