Nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến ngành bán lẻ Việt Nam

09:52' - 28/02/2017
BNEWS Hãng H&M của Thụy Điển sẽ mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên ở Việt Nam trong năm 2017, cho thấy xu hướng quan tâm tới thị trường bán lẻ Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang lên kế hoạch xâm nhập ngành bán lẻ Việt Nam. Ảnh: H&M

Theo nhận định hôm 27/2 của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn The Economist (Anh), các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng quan tâm đến khu vực bán lẻ của Việt Nam mà quyết định mở cửa hàng của hãng Hennes & Mauritz (H&M) là một ví dụ mới nhất.

EIU cũng dự báo các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Cách đây ít ngày, hãng H&M của Thụy Điển đã khẳng định thông tin nói rằng họ sẽ mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên ở Việt Nam trong năm 2017. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong hàng loạt những động thái của giới đầu tư nước ngoài tìm cách đổ vốn vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Trước đó, hồi tháng 7/2016, hãng Zara của Tây Ban Nha đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, trong khi hãng Gap của Mỹ và Mango của Tây Ban Nha cũng có mặt trên thị trường. Cửa hàng đầu tiên của H&M sẽ tọa lạc ở thủ đô Hà Nội trên một diện tích rộng khoảng 2.000 m2. Hiện hãng này đang tiến hành tuyển dụng nhân sự mà dự kiến lên đến 100 người.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng thể hiện sự quan tâm rõ rệt đối với những đối tác nội địa. Tập đoàn kinh doanh siêu thị Aeon của Nhật Bản gần đây đã quyết định trở thành cổ đông chiến lược của chuỗi siêu thị Fivimart và chuỗi siêu thị Citimart.

Hai chuỗi siêu thị này hiện đang vận hàng nhiều cửa hàng, siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như thủ đô Hà Nội. Vừa qua, tập đoàn Takashimaya của Nhật Bản đã khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh trong khi tập đoàn Lotte của Hàn Quốc lên kế hoạch mở 60 siêu thị mới tại Việt Nam từ nay đến năm 2020.

Mức độ quan tâm ngày càng tăng của giới đầu tư nước ngoài đối với thị trường bán lẻ Việt Nam không phải là điều bất ngờ. Khu vực bán lẻ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2012-2016. Đây là tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng.

Theo dự báo, mức chi của người tiêu dùng có thể sẽ tăng mạnh trong vòng 5 năm tới (2017-2021) nhờ vào những điều kiện thuận lợi về dân số và nhân khẩu học. Dân số Việt Nam hiện có khoảng 94 triệu người và 1/3 trong số đó là ở độ tuổi dưới 35. Bên cạnh đó, triển vọng tích cực về thu nhập của người dân cũng là một yếu tố quan trọng, hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài.

EIU dự báo mức chi tiêu tính theo đầu người sẽ tăng từ 1.450 USD năm 2016 lên 1.840 USD vào năm 2021. Tuy nhiên, EIU cho rằng thu nhập của người lao động vẫn chưa đồng đều, còn tập trung nhiều vào khu vực thành thị.

Ví dụ, thu nhập hàng tháng của người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh luôn cao hơn 25% so với mức bình quân của cả nước. Vì vậy, cơ hội để phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ cũng có thể bị giới hạn ở khu vực thành thị.

>>> Thời trang hàng hiệu đổ bộ vào thị trường Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục