Nhân tố chính giúp kinh tế Italy phục hồi từ đại dịch

07:54' - 30/09/2021
BNEWS Ngày 29/9, Thủ tướng Italy Mario Draghi tuyên bố rằng chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 là nhân tố chính đằng sau sự phục hồi kinh tế của nước này từ đại dịch.

Phát biểu với báo giới sau khi ký Tài liệu kinh tế và tài chính (DEF), đặt ra các mục tiêu kinh tế và tài chính công mới cho giai đoạn 2021-2024, Thủ tướng Draghi đã gọi tiêm chủng là “một thành phần hỗ trợ sự phục hồi này của nền kinh tế Italy”.

Theo ông, “thực tế rằng mọi người có thể làm việc bình thường tại một doanh nghiệp, có thể đi du lịch khắp nơi, trẻ em và học sinh đã trở lại trường học… là những yếu tố cơ bản cho tăng trưởng mà chúng ta phải bảo vệ. Bất kỳ biện pháp mới nào được chính phủ thực hiện đều phải đóng góp vào tăng trưởng công bằng, bền vững và lâu dài”.

Italy đã tiêm chủng cho 78,4% dân số đủ điều kiện từ 12 tuổi trở lên. Bắt đầu từ ngày 15/10, mọi người sẽ phải có thẻ xanh COVID-19, chứng chỉ giấy hoặc kỹ thuật số cho thấy người sở hữu đã được tiêm phòng, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc hồi phục từ dịch COVID-19 trong vòng 6 tháng, mới được vào nơi làm việc.

Trước đó, thẻ xanh là bắt buộc để người dân có thể tham gia các hoạt động giải trí trong nhà như vào nhà hát, viện bảo tàng và tiệm ăn, cũng như cho các chuyến du lịch đường dài trong nước.

Phát biểu sau cuộc họp chính phủ ngày 29/9, Bộ trưởng Kinh tế Italy Daniele Franco cũng nói với các phóng viên rằng chính phủ đã nâng mức dự báo kinh tế năm 2021 lên 6%, tăng so với dự báo 4,5% được đưa ra vào tháng 4/2021, nhờ xuất khẩu mạnh, tác động của các biện pháp hỗ trợ kinh tế của chính phủ, sự cải thiện niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như việc giảm mạnh số ca mắc COVID-19 mới.

Xu hướng tăng trưởng dường như sẽ tiếp tục, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến sẽ tăng 4,2% vào năm 2022.

Mục tiêu thâm hụt ngân sách năm nay của Italy là 9,5%, giảm mạnh so với ước tính 11,8% trước đó.

Mức thâm hụt thấp hơn sẽ khiến tỷ lệ nợ công/GDP của Italy được dự báo sẽ giảm xuống còn 153,5% GDP trong năm 2021, từ mức 155,6% của năm 2020, xác nhận điều mà những gì các ngân hàng trung ương đã tranh luận từ lâu rằng tăng trưởng là cách chủ chốt để ứng phó với tình trạng nợ công cao. DEF sẽ hình thành khuôn khổ cho ngân sách năm 2022, sẽ được Chính phủ Italy trình bày vào giữa tháng 10/2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục