Nhật Bản sẽ thay đổi chiến lược xuất khẩu hạ tầng theo hướng nào?

06:00' - 24/08/2020
BNEWS Trong bối cảnh thị trường nội địa không thể tăng trưởng do dân số giảm, Chính phủ Nhật Bản đã đi đầu trong việc xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm mang đặc trưng công nghệ của các công ty Nhật Bản.

Theo nhật báo Yomiuri, vào đầu tháng 7/2020, Chính phủ Nhật Bản đã công bố khuôn khổ mới cho chiến lược quốc gia về xuất khẩu cơ sở hạ tầng. 

Chiến lược này, dự kiến sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay, siết chặt các điều kiện cấp vốn hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu nhà máy nhiệt điện chạy than, nhưng khuyến khích hỗ trợ các dự án sử dụng công nghệ kỹ thuật số do các công ty Nhật Bản phát triển.

Trước đó, vào tháng 5/2013, Chính quyền của Thủ tướng Abe đã thông qua chiến lược xuất khẩu cơ sở hạ tầng, trong đó đặt ra mục tiêu tăng số lượng đơn hàng liên quan tới cơ sở hạ tầng cho các công ty Nhật Bản từ 10.000 tỷ yen (93,7 tỷ USD) năm 2010 lên 30.000 tỷ yen (281 tỷ USD) vào năm 2020.

Trong bối cảnh thị trường nội địa không thể tăng trưởng do dân số giảm, Chính phủ Nhật Bản đã đi đầu trong việc xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm mang đặc trưng công nghệ của các công ty Nhật Bản. Mục đích của việc này là nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản.

Vào năm 2018, giá trị các đơn hàng xuất khẩu cơ sở hạ tầng đã tăng lên 25.000 tỷ yen, và mục tiêu mà Chính phủ Nhật Bản đặt ra không còn xa. Trong số các hợp đồng thành công nhất liên quan tới chiến lược này có hợp đồng xây dựng cảng trị giá 9 tỷ yen ở Côte d’Ivoire.

Ban đầu, việc xuất khẩu các nhà máy điện hạt nhân được cho là có tiềm năng. Năm 2013, Thủ tướng Abe đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và đạt được thỏa thuận về việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở nước này. 

Tuy nhiên, các chi phí tăng nhanh đã khiến tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries Ltd. từ bỏ dự án này. Năm 2019, tập đoàn Hitachi Ltd. cũng quyết định hủy bỏ một dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Anh. Kết quả là Nhật Bản chưa xuất khẩu được nhà máy điện hạt nhân nào.

Đối với các dự án nhiệt điện chạy than, Nhật Bản sở hữu các công nghệ phát điện chạy than xuất sắc. Tuy nhiên, việc xuất khẩu các công nghệ này đang gặp khó khăn hơn do sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than. 

Điều này khiến Chính phủ Nhật Bản phải thay đổi chiến lược mới theo hướng chỉ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án sử dụng công nghệ siêu tới hạn (USC) và các nhà máy sử dụng chu trình hỗn hợp kết hợp khí hóa than (IGCC). Đây là hai loại nhà máy nhiệt điện chạy than tạo ra ít khí thải CO2 hơn. 

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu các nhà máy loại này sang các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á và một số khu vực khác, vốn đang phụ thuộc vào các nguồn than giá rẻ để phát điện.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ phía Trung Quốc trong việc xuất khẩu các nhà máy nhiệt điện chạy than đang gia tăng. Một quốc gia đối tác đã quyết định trao gói thầu xây dựng một dự án cơ sở hạ tầng cho một công ty sau khi đánh giá toàn diện giá cả, năng lực công nghệ và các yếu tố khác trong quá trình đấu thầu. 

Theo ông Shozo Kaneko, chuyên gia cố vấn tại Viện Khoa học Công nghiệp của Đại học Tokyo, Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu bằng cách giảm chi phí nhưng vẫn sử dụng công nghệ USC mà Nhật Bản cung cấp.

Ông Kaneko cho biết trong một số trường hợp, Trung Quốc có thể đặt thầu với giá chỉ bằng nửa so với giá chào thầu của các công ty Nhật Bản. Vì vậy, trong tương lai, Nhật Bản cần phải tìm cách thắng thầu bằng cách tập trung vào các công nghệ USC và IGCC mà Trung Quốc không thể cung cấp.

Ba Lan là một quốc gia phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện chạy than khi các nhà máy cung cấp tới 80% nguồn cung điện năng ở nước này. Vì vậy, Ba Lan cần có các nhà máy nhiệt điện sử dụng hiệu quả nhiên liệu để giảm thiểu lượng khí thải CO2. 

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã bày tỏ sự sẵn sàng mua công nghệ IGCC của Nhật Bản. Vì vậy, Ba Lan có thể tạo ra chỗ đứng vững chắc để Nhật Bản thúc đẩy công nghệ nhiệt điện chạy than.

Đối với các dự án đường sắt, hoạt động xuất khẩu đường sắt đã đạt được kết quả vững chắc khi một số dự án đã được triển khai ở các quốc gia, trong đó có Indonesia và Thái Lan, trong khi một tuyến đường sắt cao tốc Shinkansen đã đi vào hoạt động ở vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2007. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang gặp phải một số vấn đề. 

Triển vọng xuất khẩu vẫn chưa rõ ràng đối với các dự án xây dựng đã được lên kế hoạch như tuyến đường sắt siêu nhanh ở phía Đông nước Mỹ. Tuyến đường sắt này dự kiến sẽ nối thủ đô Washington D.C. với Baltimore và New York. 

Một quan chức của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) nói: “Các hoạt động thăm dò địa chất đã bắt đầu, và Nhật Bản đã chi tiền cho các hoạt động này, nhưng tiến triển của dự án này vẫn trong giai đoạn đầu”.

Hitachi là một trong những công ty lớn nhất ở Nhật Bản trong các dự án đường sắt nội địa nhưng doanh thu của tập đoàn này cũng chỉ bằng 1/2 hoặc 1/4 so với các đối thủ đến từ Trung Quốc và châu Âu. Nếu Nhật Bản muốn tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, Chính phủ Nhật Bản cần xem xét tăng cường hỗ trợ cùng với việc kết hợp nhiều công ty liên quan tới ngành đường sắt để tăng doanh thu.

Trong lĩnh vực xuất khẩu các công nghệ ngành nước như điều hành các dịch vụ cấp thoát nước, vốn đang có nhu cầu gia tăng trên khắp thế giới, các công ty Nhật Bản đang phải vật lộn do chính quyền các địa phương sở hữu các công nghệ này không muốn tham gia vào thị trường. 

Chuyên gia Shinichiro Adachi, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Khu vực của Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ), nói: “Chính quyền thủ đô Tokyo, tỉnh Osaka và một số địa phương khác có kinh nghiệm lớn trong lĩnh vực này, nhưng các cơ quan quản lý và người dân vẫn hỗ trợ rất ít cho các chính quyền địa phương tham gia vào các dự án ở nước ngoài… Chúng ta cần phải đưa ra các biện pháp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này như hợp tác công-tư để thiết lập một công ty”.

Trong bối cảnh đó, ông Susumu Takahashi, Chủ tịch Danh dự của Viện Nghiên cứu Nhật Bản (JRI), người đứng đầu nhóm chuyên gia cố vấn về xuất khẩu cơ sở hạ tầng cho Chính phủ, nói Nhật Bản cần thay đổi cách tiếp cận. 

Ông nói: “Nhật Bản không thể chỉ xuất khẩu cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Việc đưa ra các đề xuất bao gồm vận hành, quản lý và duy tu các cơ sở hạ tầng này sau khi xây dựng là cực kỳ quan trọng. Chúng ta cần phải đưa ra các hợp đồng trọn gói, kết hợp các yếu tố vô hình và hữu hình, nhằm giúp giải quyết các vấn đề của quốc gia đối tác”.

Ông Takahashi tin tưởng rằng các lĩnh vực xuất khẩu tiềm năng gồm “thành phố thông minh” sử dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa cơ sở hạ tầng và “di chuyển như một dịch vụ” (MaaS), nghĩa là tích hợp tàu điện, taxi, các phương tiện tự lái và các phương tiện giao thông khác thành một dịch vụ di chuyển thống nhất. Ông cho rằng Nhật Bản cần phải tìm ra các giải pháp thông qua việc thu thập dữ liệu và tiến hành các thử nghiệm ở quốc gia đối tác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục