Nhật Bản: Tỷ lệ phá sản trong lĩnh vực nhà hàng hướng tới mức cao nhất từ trước tới nay

06:31' - 14/12/2020
BNEWS Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11/2020, tỷ lệ phá sản của những công ty có nợ trên 10 triệu yen ở mức 792 trường hợp, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả một cuộc khảo sát của cơ quan nghiên cứu Tokyo Shoko Research cho thấy số lượng các vụ phá sản trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng của Nhật Bản có thể sẽ đạt mức cao nhất từ trước tới nay vào năm 2020, giữa bối cảnh nhiều cơ sở đang phải vật lộn với những khó khăn về dòng tiền khi đại dịch COVID-19 diễn ra.

Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11/2020, tỷ lệ phá sản của những công ty có nợ trên 10 triệu yen ở mức 792 trường hợp, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, với việc Tokyo và một số chính quyền địa phương khác một lần nữa yêu cầu các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống phải rút ngắn giờ làm việc vì dịch bệnh bùng phát trở lại, con số này gần như chắc chắn sẽ vượt qua ngưỡng kỷ lục hàng năm được thiết lập trước đó vào năm 2011 là 800 trường hợp.

Tại Nhật Bản, các nhà hàng chuyên về một món ăn cụ thể chiếm phần lớn trong số các vụ phá sản với 192 vụ. Tiếp theo là các nhà hàng ăn uống kiểu gia đình, với 184 vụ và các quán rượu izakaya với 162 vụ.

Trong khi đó, nếu tính theo quận thì Osaka là nơi có nhiều nhà hàng phá sản nhất, với 146 trường hợp, tiếp theo là Tokyo và Aichia với lần lượt 129 và 76 trường hợp.

Trong một dấu hiệu cho thấy đại dịch COVID-19 cũng đang “len lỏi” vào các cơ sở kinh doanh nhỏ hơn, tổng số vụ phá sản trong lĩnh vực nhà hàng đã tăng vọt lên con số khoảng 2.400 vụ nếu tính cả những doanh nghiệp đã tự nguyện đóng cửa hoặc phá sản với khoản nợ dưới 10 triệu yen.

Một quan chức của Tokyo Shoko Research cho biết: “Ngay cả khi các công ty sở hữu nguồn vốn dồi dào nhờ các dịch vụ cho vay với lãi suất bằng 0, họ dường như vẫn không thể trang trải tiền lương và các chi phí khác nếu doanh số bán hàng không phục hồi”.

Trong quá khứ, ngành công nghiệp ăn uống của Nhật Bản đã bị ảnh hưởng nặng nề vào năm 2011 sau khi trận đại thảm họa động đất và sóng thần gây ra suy thoái kinh tế và tình trạng hạn chế chi tiêu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục