Nhiều cửa hàng cao cấp trên thế giới đối mặt nguy cơ bị đóng cửa

05:30' - 06/03/2024
BNEWS Trong bối cảnh kinh tế đi xuống và lãi suất tín dụng cao, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng cao cấp đang đối mặt với thách thức tồn tại hay không tồn tại?
Tạp chí Le Nouvel Economiste (Pháp) mới đây cảnh báo nếu không có hệ thống tín dụng hỗ trợ, nhiều cửa hàng cao cấp sẽ buộc phải đóng cửa vì khó khăn. Trong bối cảnh kinh tế đi xuống và lãi suất tín dụng cao, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng cao cấp đang đối mặt với thách thức tồn tại hay không tồn tại?

Mô hình kinh doanh này, vốn là niềm kiêu hãnh của các ngành hàng xa xỉ, giờ đang rơi vào suy thoái do chi phí quá cao, hàng hóa ngày càng "ế ẩm" vì quá đắt, trong khi những khách hàng giàu có và sẵn sàng chi những khoản tiền lớn cho thú vui mua sắm lại ngày một giảm.

Zurich, một thành phố nổi tiếng về sự giàu có ở Thụy Sỹ, có hai cửa hàng cao cấp trong giới thượng lưu. Đó là Jelmoli và Globus. Được khánh thành vào năm 1899, Jelmoli sẽ đóng cửa trong năm nay, trước khi được cải tạo thành một tòa nhà hỗn hợp với diện tích dành cho thương mại nhỏ hơn. Chủ cửa hàng, công ty Swiss Prime Site, đã tuyên bố điều này vào đầu năm 2024 khi kết luận rằng việc bán hàng xa xỉ cho người tiêu dùng giàu có trong một “cung điện thủy tinh” rộng lớn ở trung tâm thành phố không còn hiệu quả về mặt kinh tế nữa.

Chỉ còn lại Globus, “người hàng xóm” của Jelmoli. Tuy nhiên, cửa hàng này cũng đối mặt với một số khó khăn nhất định. Mặc dù ban quản lý đã có nhiều nỗ lực nhưng từ trước đại dịch, Globus đã ghi nhận doanh số bán hàng sụt giảm. Vào tháng 11/2023, một trong những đối tác đồng sở hữu Globus, tập đoàn Signa của René Benko, đã sụp đổ. Có nhiều lý do dẫn đến khó khăn như sự thiếu đòn bẩy kinh tế, những biến động của thị trường thế giới và tính ít hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, cũng như sự áp đặt của ông chủ René Benko trong ban quản lý. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất, đó là tập đoàn này đã đặt cược vào các cửa hàng cao cấp quá nhiều, mà lợi nhuận thu lại không được như kỳ vọng.

Không chỉ mua lại những địa điểm đã nổi tiếng như Globus, tập đoàn Signa còn mua lại các cửa hàng đã tồn tại lâu đời và có uy tín ở trung tâm thành phố và đầu tư rất nhiều vào đó để dựng lên những lâu đài mới xa xỉ quá mức, biến chúng thành những trung tâm thương mại cao cấp với những cửa hàng chuyên bán sản phẩm hạng sang, những bộ đồ lót rẻ tiền được thay thế bằng những mặt hàng ren cao cấp của Pháp, những lát pizza giá rẻ phải nhường chỗ cho hàu Gillardeau thượng hạng.

Bãi đỗ xe biến thành khách sạn sang trọng trong tương lai vì giá trị của bất động sản đã liên tục tăng lên. Sở hữu khối bất động sản “siêu cao cấp”, Signa muốn cho thấy lĩnh vực bán lẻ có thể đang gặp khó khăn, nhưng đó không phải là vấn đề của tập đoàn vốn hướng tới hàng hóa cao cấp và phân khúc khách hàng đẳng cấp thượng lưu.

Không chỉ hai cửa hàng xa xỉ bậc nhất ở Zurich đối mặt với sự “lao đao”, một trong những thành phố giàu có nhất thế giới cũng đang gặp khó khăn với mô hình kinh doanh xa xỉ phẩm. Tồn tại từ 116 năm nay ở Berlin, KaDeWe được biết đến như một cửa hàng cao cấp nhất trong ngành bán lẻ Đức, với không gian bán lẻ dành riêng cho hàng xa xỉ tương đương với tám sân bóng đá.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 1/2024 vừa qua, cửa hàng này đã nộp đơn xin mở thủ tục phá sản. KaDeWe cũng được Signa đồng sở hữu, cùng với tập đoàn Central Group của Thái Lan. Theo đại diện Tập đoàn Central Group, công ty vận hành KaDeWe đã phải yêu cầu mở quy trình phá sản một phần là do Signa tính giá thuê quá cao cho tòa nhà của mình. Theo các nhà quan sát, nếu nhìn vào hoàn cảnh của Globus và Jelmoli, KaDeWe cũng khó có thể kéo dài tình trạng hiện nay.

Có vẻ như Signa, với mô hình kinh doanh quyết liệt của mình, càng làm tăng tốc độ sụp đổ mà nhiều cửa hàng lớn đang phải đối mặt. Signa và Central Group cũng là đồng sở hữu của một cửa hàng lớn khác, được biết đến trên toàn thế giới như Selfridges của London, thông qua công ty mẹ Cambridge Retail Group. Cửa hàng này cũng đã ghi nhận thâm hụt tài chính trong năm 2023.

Một nhà báo của tờ The Financial Times, Adrienne Klasa, đã nghiên cứu về sự khác biệt trong sự phát triển của các phân khúc thị trường xa xỉ. Bà cho rằng các thương hiệu lớn, với những đôi giày thể thao giá 800 euro và những chiếc túi xách giá 8.000 euro, sẽ vẫn tiếp tục tồn tại để phục vụ đối tượng khách hàng hạng sang.

Tuy nhiên, việc khôi phục lại các cửa hàng cao cấp bán hàng xa xỉ, thương hiệu lớn như trước kia là khó do giá cả luôn cao hơn so với trên Internet và lựa chọn hàng hóa luôn ít hơn so với các cửa hàng có đa dạng thương hiệu hiên nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục