Nhiều doanh nghiệp chưa triển khai chính sách liêm chính trong kinh doanh

14:00' - 29/12/2015
BNEWS Mặc dù có hơn 92% doanh nghiệp hiểu biết về quy tắc ứng xử trong kinh doanh nhưng chỉ có 29% doanh nghiệp cho biết họ đã triển khai chính sách về liêm chính.

"Hiện mới chỉ có 29% doanh nghiệp đã triển khai các chính sách về liêm chính" là kết quả được công bố tại Hội thảo công bố kết quả báo cáo khảo sát “Hiện trạng Thực hành liêm chính trong Kinh doanh và Nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 29/12, tại Hà Nội.

Theo báo cáo từ VCCI, đơn vị này đã tiến hành khảo sát 180 doanh nghiệp ở 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh gồm các doanh nghiệp ngành chế biến lương thực, thực phẩm, da giày, dệt may, công nghiệp lắp ráp, điện- điện tử, ngân hàng.

Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện chính sách liêm chính trong kinh doanh. Ảnh: TTXVN

Kết quả cho thấy 55% doanh nghiệp có nhận thức, hiểu rõ về liêm chính và đồng ý cho rằng liêm chính tạo ra rào cản với nạn tham nhũng.

Tuy nhiên, mặc dù có hơn 92% doanh nghiệp hiểu biết về quy tắc ứng xử trong kinh doanh nhưng chỉ có 29% doanh nghiệp cho biết họ đã triển khai chính sách về liêm chính.

Công bố báo cáo khảo sát, Bà Trần Thị Kim Thu, chuyên gia thống kê, Công ty tư vấn quản lý OCD cho biết, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với 100% vốn là khối doanh nghiệp ít quan tâm tới liêm chính trong kinh doanh nhất nhưng cũng là nhóm có nhu cầu về đào tạo, hỗ trợ liêm chính thấp nhất.

Cụ thể, việc triển khai các biện pháp kiểm soát gian lận nội bộ ở nhóm này như cơ chế điều tra và ngăn chặn hành vi sai trái của nhân viên, các tiêu chuẩn ứng xử, kiểm soát chi tiêu… đều chỉ đạt dưới 38% - 48% nhưng nhu cầu về đào tạo chỉ đạt trung bình khoảng 20%.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư kí VCCI, doanh nghiệp Việt nhận thức đầy đủ về liêm chính nhưng thực tế vẫn phải đi cửa sau để thuận lợi trong kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại trong việc lên tiếng nói về tham nhũng.

Ông Vinh cho rằng, một số lý do dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực hiện và thực hiện chưa thành công chương trình liêm chính trong doanh nghiệp so với các công ty đa quốc gia là do họ chưa đủ khả năng kiểm soát hết các quy định về hoạt động của doanh nghiệp, thiếu nhân lực, khó khăn trong việc xác định giá trị cốt lõi, chưa có đồng thuận cao của doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố dẫn đến thành công trong thực hiện liêm chính như sự đồng thuận và cam kết cao, tăng cường vai trò của các nhà lãnh đạo và trách nhiệm trong kinh doanh; tính nhất quán, tuân thủ phải là một công việc có tính bắt buộc.

“Để hội nhập, doanh nghiệp không nên chỉ dừng ở những cơ hội săn tìm lợi nhuận trong "vùng nước đục", đó là cách làm cũ và ngắn hạn. Cơ hội thực sự chỉ dành cho doanh nghiệp có cái nhìn dài hạn theo đuổi giá trị bền vững. Liêm chính và minh bạch là lõi của quản trị kinh doanh, chi phối quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin, tạo nền tảng trong giá trị kinh doanh”. - Ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định.

Ông Floian Beranek, chuyên gia cao cấp về trách nhiệm xã hội – Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) cho biết, nguyên tắc liêm chính không còn giới hạn trong phạm vi tuân thủ phổ biến hiện nay mà thuộc về văn hóa doanh nghiệp trong xây dựng các giá trị. Liêm chính là yếu tố phải có đối với doanh nghiệp muốn tăng bị thế trong chuỗi sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục