Nhiều doanh nghiệp “hiến kế” và cam kết con số phát triển nhà ở xã hội
Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 6/3, được tổ chức tại Hà Nội và trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các địa phương trên cả nước với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, Hiệp hội Bất động sản, ngân hàng cùng nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trên cả nước.
Tại hội nghị quan trọng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vừa qua, một số vướng mắc về thể chế đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn. Do đó, các đại biểu cần góp ý cụ thể về vướng mắc pháp lý để đề xuất tháo gỡ ngay tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Nhiều doanh nghiệp lớn đã tham gia đóng góp ý kiến vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nhằm thực hiện hiệu quả đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Ông Đậu Minh Thanh – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho biết, với vai trò là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, HUD xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và đã dành một phần nguồn lực quan trọng để chủ động triển khai đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước.
Tính đến thời điểm hiện nay, HUD đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng khoảng 3.500 căn hộ. Từ nay đến năm 2026, Tổng công ty triển khai các dự án nhà ở xã hội với 2.800 căn hộ và hướng tới mục tiêu 17.500 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 góp phần hiện thực hoá Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Từ thực tế phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, HUD phản ánh về một số khó khăn như: có những dự án nhà ở xã hội khi hoàn thiện hạ tầng bên trong nội khu lại thiếu, chậm được kết nối với hạ tầng khu vực. Hay khi sử dụng nguồn vốn địa phương để hỗ trợ về chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đấu nối hạ tầng kỹ thuật chưa có hướng dẫn cụ thể, có nguy cơ bị coi là dự án đầu tư công và phải thực hiện theo Luật Đầu tư công thì sẽ rất khó triển khai. Điều này cũng khiến một số địa phương vướng mắc và lúng túng khi thực thi, thậm chí dừng cơ chế hỗ trợ để rà soát các văn bản pháp luật khác có liên quan…
HUD đề nghị cho phép áp dụng quy định về miễn tiền sử dụng đất tại Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở 2023 đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày hai luật này có hiệu lực. Cùng đó, về phần lợi nhuận bù đắp từ phần 20% đất thương mại sang giá bán, HUD cho rằng, trong trường hợp địa phương chưa xác định được tiền sử dụng đất tại dự án theo quy định thì nên cho phép nhà đầu tư chủ động tính toán và tạm so sánh với giá trị tiền sử dụng đất tạm tính theo bảng giá đất công bố của địa phương ở thời điểm tính toán làm cơ sở để chấp thuận giá bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án.
Khi đó, chủ đầu tư có thể cam kết trong trường hợp khi quyết toán dự án, nếu lợi nhuận từ phần 20% đất thương mại thấp hơn so với giá trị tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định thì nhà đầu tư sẽ chịu phần tổn thất chi phí này - ông Thanh phân tích.
Mặt khác, hiện nay, quy định về trình tự thủ tục, thời gian để phát triển 1 dự án nhà ở xã hội là khá lớn nên HUD kiến nghị Chính phủ xem xét, xây dựng các quy định, cơ chế ưu tiên cho phát triển các dự án nhà ở xã hội thông qua việc rút ngắn các trình tự thủ tục, thời gian thực hiện các trình tự thủ tục ở các bước.
Cụ thể như lựa chọn nhà đầu tư thì áp dụng phương thức chỉ định thầu đối với các dự án đã có nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ điều kiện (có thể theo xếp hạng các nhà đầu tư theo thang điểm thông qua việc đánh giá hồ sơ năng lực, kinh nghiệm ở bước mời quan tâm hoặc theo quy mô các dự án nhà ở xã hội) hoặc rút ngắn quy trình đấu thầu bằng cách nâng cao năng lực, trách nhiệm bên mời thầu nhằm giảm bớt các thủ tục, thời gian không cần thiết như: sửa đổi, làm rõ, gia hạn hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu.
Liên quan đến quỹ đất, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty HUD cho biết, hiện nay, tại một số địa phương có quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội rất lớn thuộc diện bàn giao lại cho địa phương thực hiện theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển khu đô thị, khu nhà ở. Nhưng nhiều địa phương còn hạn chế về nguồn lực cũng như vướng mắc thủ tục đầu tư nên việc đưa quỹ đất trên vào sử dụng rất chậm, gây lãng phí nguồn lực.
Trong khi chính doanh nghiệp phát triển khu nhà ở, khu đô thị có quỹ đất đó hoàn toàn có đủ năng lực và mong muốn tham gia đầu tư nhà ở xã hội. HUD kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương rà soát quỹ đất thuộc diện bàn giao để xây dựng nhà ở xã hội; xem xét nếu chủ đầu tư khu đô thị, khu nhà ở có quỹ đất đủ năng lực và có nguyện vọng đầu tư nhà ở xã hội thì tổ chức điều chỉnh để giao cho chủ đầu tư đó triển khai đầu tư nhà ở xã hội, nhằm nhanh chóng khai thác quỹ đất hiện có.
Đặc biệt, triển khai cơ chế để cụ thể hoá Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư ngày 24/5/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; trong đó có nội dung nghiên cứu thành lập, thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội, HUD kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành cơ chế đặc thù lựa chọn, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nhà nước có đủ uy tín, năng lực kinh nghiệm chủ động sử dụng nguồn vốn và đề xuất thực hiện đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại các địa bàn có nhu cầu cao để đẩy mạnh nguồn cung – ông Thanh nêu vấn đề.
Cũng là một trong những doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu và tiên phong phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, Tổng công ty Viglacera đề xuất giao thẳng cho đơn vị đủ năng lực để triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc Viglacera cho biết, hiện doanh nghiệp này đang thực hiện 10 dự án nhà ở xã hội với số căn hộ là 17.200, đã bàn giao cho Hà Nội 5.500 căn đi vào sử dụng. Viglacera cam kết về khả năng cung cấp những sản phẩm đồng bộ để vừa thi công nhanh, vừa giảm giá thành đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo Tổng giám đốc Viglacera Nguyễn Anh Tuấn, doanh nghiệp sẵn sàng phối hợp với các tổ chức triển khai biện pháp khoa học công nghệ để sản xuất ra những bộ sản phẩm sẵn chỉ việc đưa vào lắp. Như vậy, sẽ giảm được thời gian hỏng hóc trong quá trình thi công và chất lượng được đảm bảo. Nhờ đó, đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đại diện Viglacera đề xuất, giao thẳng các dự án nhà ở xã hội cho đơn vị đủ năng lực để làm cho nhanh vì thủ tục này tốn rất nhiều thời gian. Bởi khi làm theo thiết kế, giá đã được phê duyệt, khách hàng cũng được phê duyệt rồi thì không cần đấu thầu nữa.
Hiện vướng mắc của Viglacera là thực tế khi triển khai các dự án nhà ở xã hội tại khu công nghiệp, bản thân chủ khu công nghiệp mong muốn thuê các tòa nhà, sau đó lắp đặt nội thất và cho công nhân vào ở miễn phí. Nhu vậy, người lao động sẽ được vào ở các tòa nhà mà chủ khu công nghiệp thuê lại từ các chủ đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, điều này đang vướng quy định vì đối tượng chủ khu công nghiệp không được thuê nhà ở xã hội. Viglacera rất mong sớm được tháo gỡ vấn đề này – ông Tuấn nêu.
Đại diện Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp – TNHH MTV (Becamex IDC Bình Dương) Nguyễn Hồng Hải - Kiến trúc sư trưởng Công ty Đầu tư - Phát triển công nghiệp của IDC cho rằng, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính quyền và doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương với nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, giao tiến độ thực hiện. Cần sớm xây dựng quỹ nhà ở quốc gia gắn với cơ sở dữ liệu về dân số, thu nhập, từ đó chúng ta có sự chuẩn bị về kế hoạch xây dựng, phát triển, tránh sự bị động. Phải làm sao thủ tục pháp lý đơn giản nhất với cơ chế "một cửa".
Khi chuẩn hóa, sử dụng công nghệ mới, thiết kế mẫu, sẽ giúp giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian thi công rất nhiều. biệt, cần gắn toàn bộ dự án nhà ở xã hội trong quy hoạch phát triển chung của quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng để thiết lập hệ thống giao thông công cộng, đường sắt đô thị. Từ đó, giảm lưu lượng giao thông bình thường, hình thành những khu đô thi vệ tinh… Như vậy, sẽ giải quyết được bài toán có tính chất tổng thể hơn, tránh phát triển manh mún – đại diện Becamex Bình Dương IDC “hiến kế”.
Thêm một ghi nhận tại hội nghị là rất nhiều doanh nghiệp bất động sản tham gia nhập cuộc với những mốc mục tiêu rất rõ rang. Điển hình như Tập đoàn Vingroup đã đăng ký từ nay đến năm 2030 xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội. Ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup cho biết, Tập đoàn này sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao trong lĩnh vực nhà ở xã hội.
Đồng tình với một trong những nội dung được nhiều doanh nghiệp đề xuất, Vin Group kiến nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư trong thực hiện nhà ở xã hội. Cùng đó, cho phép rút ngắn thủ tục hoặc cho làm song song. Ví dụ như cùng lúc có thể vừa làm quy hoạch, vừa làm thủ tục đầu tư xây dựng… thì sẽ rút ngắn nhiều thời gian. Cứ nếu làm xong quy hoạch rồi mới lần lượt tiếp đến các khâu đầu tư, tài chính… sẽ tạo ra nhiều thủ tục hành chính – ông Lê Khắc Hiệp nêu vấn đề.
Tại hội nghị, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân cho biết, doanh nghiệp này đã đăng ký thực hiện 50.000 sản phẩm căn hộ nhà ở xã hội từ năm 2022 đến năm 2030 để đồng hành cùng với mục tiêu của Chính phủ. Tính đến nay, công ty đã triển khai xây dựng chuỗi 24 dự án nhà ở xã hội với hơn 35.000 căn.
Đồng quan điểm với nhiều doanh nghiệp dự hội nghị, ông Trương Anh Tuấn đề xuất, nên chỉ định thầu cho các dự án nhà ở xã hội dưới 2.000 tỷ đồng, còn các dự án lớn hơn thì thực hiện đấu thầu; cần có Ban chỉ đạo quốc gia về nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp. Cùng đó, các bộ, ngành liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng cần có Ban chỉ đạo về nhà ở xã hội tại bộ để xử lý, giải quyết những vướng mắc cụ thể.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần chủ trì liên tục phối hợp các ngân hàng để giải ngân cho các dự án nhà ở xã hội. Cùng đó, cần có số hoá dữ liệu để dễ dàng tìm kiếm, phân loại được đối tượng có nhà ở xã hội.
Tin liên quan
-
Bất động sản
Đề xuất xây dựng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nhà ở xã hội
17:36' - 06/03/2025
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, chủ trì xây dựng Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nhà ở xã hội.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
16:59' - 06/03/2025
Chiều 6/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
-
Bất động sản
Đưa 1.104 căn hộ nhà ở xã hội Thăng Long Green City về đích trước 5 tháng
12:59' - 03/03/2025
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Liên danh nhà thầu Handico - Viglacera bố trí thiết bị, nhân lực, vật lực đưa dự án nhà ở xã hội CT3 về đích sớm 5 tháng so với kế hoạch.
Tin cùng chuyên mục
-
Bất động sản
Giao đất ở cho hộ dân khó khăn không qua đấu giá
11:19' - 24/04/2025
Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các địa phương cần rà soát ưu tiên bố trí đất ở đối với hộ có khó khăn về đất ở theo hình thức giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
-
Bất động sản
CMC Telecom ký hợp tác chiến lược cùng CBRE Việt Nam
10:44' - 24/04/2025
Việc ký kết hợp tác chiến lược giữa CMC Telecom và CBRE Việt Nam thể hiện sự đồng thuận của hai bên trong việc nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách hàng trong lĩnh vực bất động sản.
-
Bất động sản
Sonasea Sparkling: Căn hộ biển cao tầng đầu tiên tại Sonasea Vân Đồn Harbor City
20:08' - 23/04/2025
Tập đoàn CEO vừa giới thiệu ra thị trường Sonasea Sparkling – dòng căn hộ biển cao tầng đầu tiên mang phong cách sống thời thượng tại Sonasea Vân Đồn Harbor City, Quảng Ninh.
-
Bất động sản
49/63 địa phương kết nối, liên thông nghĩa vụ tài chính về đất đai
10:52' - 23/04/2025
Các văn bản pháp lý được ban hành kịp thời chính là căn cứ pháp lý đồng bộ, quan trọng cho việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
-
Bất động sản
Vinaconex rót 3.900 tỷ đồng xây Tổ hợp cao cấp Capital One tại Hà Nội
12:08' - 22/04/2025
Dự án Capital One - Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ dịch vụ và khách sạn tiêu chuẩn quốc tế, tái định hình chuẩn mực sống mới.
-
Bất động sản
Hà Nội ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư
19:55' - 21/04/2025
Ngày 21/4, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức ban hành Quyết định số 33/2025/QĐ-UBND về khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn thành phố.
-
Bất động sản
Có đến 89% môi giới bất động sản chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc đã hết hiệu lực
19:32' - 21/04/2025
Theo VARS IRE, có đến 89% lực lượng môi giới bất động sản hiện nay chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ đã hết hiệu lực.
-
Bất động sản
Hợp tác để chuẩn hóa đội ngũ môi giới bất động sản
19:03' - 21/04/2025
Chiều 21/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (VARS IRE) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với 3 doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực bất động sản.
-
Bất động sản
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp nghiên cứu về Quỹ phát triển nhà ở quốc gia
18:05' - 21/04/2025
Chiều 21/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia.