Nhu cầu lao động nhập cư gia tăng khi toàn cầu hóa suy giảm

05:30' - 26/03/2023
BNEWS Chừng nào Italy còn là một quốc gia thuộc “thế giới thứ nhất” thì chúng ta còn phải chấp nhận thực tế luôn có nhiều người đến Italy bằng thị thực du lịch rồi quyết định ở lại.

 

Bài viết của tác giả Alberto Mingardi, đăng trên mạng Corriere della Sera (Italy), phân tích nghịch lý giữa nguy cơ suy giảm của toàn cầu hóa với xu hướng gia tăng nhu cầu lao động nhập cư ở Italy và nhiều nước phương Tây. Nội dung cụ thể như sau:

 
Rất khó có một cuộc tranh luận rõ ràng về vấn đề nhập cư. Trong nhiều năm, vấn đề nhập cư đã trở nên nóng bỏng, thậm chí hơn cả chủ đề tội phạm. Tại nhiều đô thị ở Italy, đảm bảo an ninh là yêu cầu cấp bách nhưng không thể được giải quyết chỉ bằng các tuyên bố về biên giới lãnh thổ.
Một vấn đề căn bản khó lảng tránh được, đó là quốc gia có thể tồn tại mà không cần đến nhiều thứ khác, song nhất thiết phải có dân cư. Với tỷ lệ sinh liên tiếp lập kỷ lục âm qua mỗi năm, Chính phủ Italy hiện đang cố gắng khuyến khích người dân sinh con. Tuy nhiên, những biện pháp khuyến khích tài chính nhằm giúp tăng quy mô các hộ gia đình vẫn chưa phát huy hiệu quả rõ ràng.
Trong một công trình nghiên cứu, nhà kinh tế Lant Pritchett đã đặt câu hỏi về các yếu tố quyết định quy mô trung bình của các hộ gia đình. Kết quả cho thấy quy mô gia đình phụ thuộc nhiều vào quan niệm chủ quan của mỗi người (muốn có con không? bao nhiêu con?) hơn là vào các yếu tố “khách quan”.
Mặt khác, như nhận định của một số nhà nghiên cứu bảo thủ, ngay cả nếu đúng là các biện pháp khuyến khích kinh tế đã phát huy tác dụng khi giúp nâng cao nhận thức về gia đình đông con trong xã hội, thì những tác động đó cũng khó thể hiện được ngay lập tức. Trong ngắn hạn, nền kinh tế Italy vẫn cần người nhập cư.
Một số ước tính cho thấy nhu cầu lao động nhập cư của Italy là khoảng 200.000 người/năm (như số liệu do Thị trưởng thành phố Bergamo Giorgio Gori đưa ra). Trong khi đó, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) dự báo Italy nên đón nhận dòng nhập cư trung bình 213.000 người/năm trong giai đoạn 2020-2070. Do đó, hạn nghạch của Chính phủ Italy chỉ cho phép 100.000 người nước ngoài nhập cư trong năm 2023 (đã tăng so với những năm gần đây) dường như là chưa thỏa đáng.
Sự đóng góp của lao động nhập cư cho thị trường việc làm và nhu cầu của các doanh nghiệp Italy không thể diễn ra một cách chóng vánh. Nhu cầu của doanh nghiệp không thường xuyên biểu hiện qua các văn bản pháp lý nên rất khó đảm bảo được sự trùng khớp hoàn hảo giữa nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lao động được cấp phép nhập cư.
Sẽ là cần thiết nếu nhà nước có thể thiết lập được sự cân xứng mang tính quốc tế cho các trung tâm tuyển dụng, với khả năng thu hút một cách chính xác lực lượng lao động từ Bắc Phi hoặc những nơi khác mà các ngành sản xuất trong nước đang cần đến.
Chừng nào Italy còn là một quốc gia thuộc “thế giới thứ nhất” thì chúng ta còn phải chấp nhận thực tế luôn có nhiều người đến Italy bằng thị thực du lịch rồi quyết định ở lại. Điều quan trọng là phải can ngăn họ tránh xa nền kinh tế bất hợp pháp.
Chính phủ trung hữu cầm quyền tại Italy đang thực hiện chính sách thực dụng và cần chờ xem hiệu quả thực tế trên lĩnh vực nhập cư, trong đó cả đảng Anh em Italy (Fdi) và đảng Liên đoàn (Lega) đang cùng thể hiện sự đồng thuận.
Nỗi sợ hãi đối với vấn đề nhập cư còn xuất phát từ những đánh giá thái quá về hiện tượng này. Một khảo sát của tác giả bài viết thực hiện gần đây, liên quan suy nghĩ của sinh viên về tỷ lệ dân số thế giới đang sống ở nơi không phải là quê hương của họ. Một số sinh viên cho rằng tỷ lệ đó là 40%, số khác nhận định là 20% hay vừa phải hơn, là 10%. Trong khi, tỷ lệ thực tế chỉ là 3,6%.
Nghịch lý thay, nếu thực sự muốn hạn chế các dòng di cư thì chiến lược tốt nhất lại chính là làm hoàn toàn trái ngược với những gì mà giới tinh hoa phương Tây dự tính trong nghị trình đang có. Mục tiêu của các nhà lãnh đạo phương Tây hiện nay là rà soát, hạn chế và khoanh vùng toàn cầu hóa. Con người không phải là hàng hóa. Việc ngăn cấm lưu thông, dịch chuyển có thể thực hiện đối với hàng hóa nhưng đối với con người thì không.
Khẩu hiệu “Giúp họ ở nhà” trước hết là cần trao đổi với các nước mới nổi, không phải bằng cách bơm đầy viện trợ phát triển, mà thu hút những nước này tham gia các quan hệ kinh tế cùng có lợi. Từ đó, các sản phẩm dịch chuyển nhưng con người vẫn có thể ổn định. Việc "nhập khẩu" con người chỉ để làm ra những thứ nhất định sẽ được thay thế bằng chính những sản phẩm nhập khẩu đó.
Tuy nhiên, các tầng lớp chính trị phương Tây, trước hết là tại Mỹ, đang nói một cách ám ảnh đến việc hồi hương hoạt động sản xuất (reshoring) và di chuyển sản xuất đến các quốc gia thân thiện (friendshoring). Nhưng "friendshoring" nghĩa là sẽ bó hẹp quan hệ thương mại trong những nền kinh tế ít nhiều đã đạt đến mức độ phát triển tương tự, hoặc có xu hướng giới hạn trong một số loại hình sản xuất nào đó.
Bản thân những điều chỉnh này đã trở thành nguồn cơn hoàn hảo thổi bùng lạm phát, đẩy giá hàng tiêu dùng lên cao. Không ngẫu nhiên khi các công ty tư nhân, vốn luôn cố gắng nâng cao hiệu quả sản phẩm của họ, lại phản đối xu hướng này. Tuy nhiên, cứ giả sử lời khẩn cầu "friendshoring" của Mỹ và châu Âu được đón nhận, sẽ cần thêm nhiều người sẵn sàng thực hiện những công việc mà trong nhiều năm các nước này đã phó mặc cho các quốc gia khác.
Liệu có chắc chắn Italy sẽ tìm được lực lượng thay thế từ giới trẻ, ở các trường đại học trong nước? Đặc biệt, ngành nông nghiệp Italy hiện đang phải huy động đến 25% lao động là người nhập cư. Thật khó hình dung về khả năng Italy tìm được trong giới trẻ nguồn lao động sẵn sàng gánh vác những công việc chân tay, vốn ngày càng hao mòn ở các nền kinh tế kém phát triển.
Thay vì nhu cầu giảm bớt, một thế giới bó hẹp và phi toàn cầu hóa hơn sẽ ngày càng cần thêm lao động nhập cư. Việc đóng cửa đối với hàng hóa hoặc con người từ các nước là thực tế có thể diễn ra, song không thể đóng cửa đồng thời với cả hai yếu tố này nếu không muốn làm trầm trọng thêm sự bần cùng hóa hàng loạt, nhanh chóng và đầy bất hạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục