Những thách thức của Thụy Sỹ trong năm 2021

05:30' - 06/01/2021
BNEWS Đại dịch COVID-19 với các biện pháp như đóng cửa, làm việc tại nhà, hạn chế đi lại... đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế đất nước.

Thụy Sỹ được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2021, ngay cả khi quốc gia này có thể vượt qua cuộc khủng hoảng y tế một cách tương đối bình yên. Tương lai của Thụy Sỹ - một địa điểm cho các hoạt động kinh doanh, làm việc và nghiên cứu - sẽ ra sao trong năm 2021?

* Dịch chuyển toàn cầu

Theo truyền thống, mở đầu năm kinh tế Thụy Sỹ sẽ bắt đầu bằng một sự kiện toàn cầu vào tháng Một với cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos.

Năm 2020, WEF vẫn đang là tâm điểm chú ý trên thế giới với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, bước sang năm 2021 không còn như vậy, WEF đã quyết định tổ chức hội nghị thường niên tại Singapore vào năm nay.

Các khách sạn, nhà hàng và cửa hàng của Thụy Sỹ đang tính toán chi phí bị mất cho sự kiện hàng đầu của WEF diễn ra tại Singapore vào năm 2021. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Thụy Sỹ sẽ mất hàng triệu CHF và hàng trăm việc làm, nhưng không chỉ có vậy. 

Hiệu ứng biểu tượng của sự kiện thế giới này được chuyển đến Singapore phản ánh sự cạnh tranh ngày càng tăng từ châu Á như một địa điểm kinh doanh toàn cầu.

Singapore đã trở thành một đối thủ nặng ký, đặc biệt là đối với các ngân hàng Thụy Sỹ. Kể từ khi bí mật ngành ngân hàng Thụy Sỹ sụp đổ, dòng tiền từ Thụy Sỹ sang Singapore cũng đã tăng lên đáng kể.

Châu Á nói chung đang ở vị thế mạnh mẽ hơn nhờ hiệp định thương mại lớn nhất thế giới trong lịch sử. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm các nền kinh tế nặng ký như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Indonesia.

Các thỏa thuận như vậy như vậy ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực hàng hóa vốn được neo chặt ở Thụy Sỹ.

* Tác động chọn lọc

Triển vọng của nền kinh tế Thụy Sỹ trong năm 2021 là trái chiều với các dự đoán chỉ có xu hướng tăng trong nửa cuối năm. Thụy Sỹ sẽ phụ thuộc nhiều hơn bao giờ hết vào các công ty dược phẩm đa quốc gia của mình.

Lĩnh vực đang phát triển nhanh này, hiện chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của Thụy Sỹ về giá trị và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng tầm quan trọng và sớm vượt trên 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thụy Sỹ.

Các lĩnh vực xuất khẩu khác của Thụy Sỹ cũng phụ thuộc vào ngành dược phẩm để vực dậy doanh nghiệp của họ và giữ việc làm ở Thụy Sỹ. Tất cả đều đang nóng lòng chờ đợi kết quả chiến dịch tiêm chủng của Thụy Sỹ được bắt đầu vào cuối tháng 12/2020.

Điều này đặc biệt đúng với ngành sản xuất đồng hồ, một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Xuất khẩu đồng hồ Thụy Sỹ giảm gần 1/4 trong năm 2020 - mức giảm mạnh nhất trong một năm kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Mặc dù các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ khá hài lòng với sự tăng trưởng đạt được ở thị trường Trung Quốc trong những tháng gần đây, nhưng họ đang hy vọng lượng khách du lịch quay trở lại nhanh chóng và việc mở cửa trở lại các cửa hàng ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.

Ngành máy móc, thiết bị và kim loại (MEM) cũng đối mặt với một tương lai rất bất định. Mặc dù MEM ít được nổi tiếng như ngành công nghiệp đồng hồ, nhưng quan trọng hơn nhiều về mặt xuất khẩu và việc làm của Thụy Sỹ (khoảng 320.000 việc làm).

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất máy công cụ cho ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ, hàng không vũ trụ và ô tô cũng đặc biệt bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Những ngành này có thể sẽ là những khu vực cuối cùng có được dấu hiệu phục hồi bền vững.

Khi du lịch và cơ hội tụ tập bị hạn chế vào năm 2020, người dân ở Thụy Sỹ đã đổ xô lên vùng núi và tìm đến thiên nhiên để có một lối thoát giãn cách xã hội.

Những kế hoạch cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn trên núi như tuyến cáp treo tốc hành đến một trong những địa điểm được ghé thăm nhiều nhất trên dãy Alps, Jungfraujoch vẫn được tiếp tục bất chấp đại dịch. 

Nhưng tất cả những hoạt động này của con người ảnh hưởng như thế nào đến sự đa dạng sinh học tinh tế và cốt yếu ở dãy núi lớn nhất châu Âu này. Liệu nhiều sông băng của Thụy Sỹ, nơi được mệnh danh là "tháp nước" của lục địa này, sẽ ra sao trong 50 năm nữa.

* Tương lai công nghệ

Đại dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cách thức mua bán, chế biến và sử dụng thực phẩm.

Nhà sản xuất thực phẩm Nestle có trụ sở tại Thụy Sỹ báo cáo rằng nhu cầu về thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật - chẳng hạn như thịt và các loại sữa thay thế - tăng cao khi mọi người cố gắng ăn uống lành mạnh hơn khi ở nhà và dịch COVID-19 bùng phát tại các cơ sở sản xuất thịt.

Đại dịch COVID-19 cũng đã đẩy nhanh quá trình tự động hóa các nhiệm vụ nhất định thông qua robot và trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhưng làm thế nào để có thể xây dựng niềm tin vào những công nghệ này, xác định tiềm năng của chúng và đảm bảo chúng không rơi vào tay kẻ xấu? Thụy Sỹ, một trung tâm robot và AI toàn cầu, đang cố gắng tìm câu trả lời cho những câu hỏi này.

Xét từ khía cạnh khác, theo tiêu chuẩn toàn cầu, Thụy Sỹ bị cho là khá lạc hậu về số hóa và kết nối viễn thông. Nhiều công ty trong lĩnh vực dịch vụ quan trọng buộc phải thực hiện bước tiến trong năm 2020, điều này sẽ khiến họ cạnh tranh hơn trong dài hạn.

Nhưng hiện vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp liên quan đến làm việc tại nhà, chẳng hạn như các vấn đề pháp lý và bảo mật dữ liệu.

Số hóa cũng sẽ được đề cao trong chương trình nghị sự vào năm 2021. Làm việc từ xa và ngoại giao điện tử đã được đưa ra trong thời kỳ đại dịch không phải là không có trục trặc, nhưng cũng mang lại tiềm năng tiết kiệm chi phí rất lớn.

Các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ, cũng sẽ cố gắng thiết lập trung tâm hoạch định chính sách kỹ thuật số, đạo đức kỹ thuật số, quản lý dữ liệu và an ninh mạng trong năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục