Những thách thức trong thu hút FDI và chính sách nhập cư của Nhật Bản

05:30' - 01/11/2019
BNEWS Thống kê cho thấy FDI vào Nhật Bản vẫn đang duy trì mức cao kỷ lục của bốn năm liên tiếp, đạt 28,6 tỷ yen (tương đương 270 tỷ USD) vào cuối năm 2017.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết đăng trên trang mạng Diễn đàn Đông Á của Giáo sư Akinori Tomohara thuộc trường Đại học Gakuin Aoyama, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực giải quyết thách thức trong việc thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)  như một phần trong chính sách Abenomics của Tokyo.

Thống kê cho thấy FDI vào Nhật Bản vẫn đang duy trì mức cao kỷ lục của bốn năm liên tiếp, đạt 28,6 tỷ yen (tương đương 270 tỷ USD) vào cuối năm 2017.

Trong đó, vốn FDI từ châu Á đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2000. Nhưng tỷ lệ nguồn vốn FDI "chảy" vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại quốc gia này vẫn còn rất thấp, ở ngưỡng 5,2% so với con số 54,5% tại Liên minh châu Âu (EU) và 36,2% tại Mỹ.

Do phải đối mặt với một xã hội già hóa, việc thúc đẩy thu hút FDI hướng nội trở thành mối quan tâm cấp bách ở Nhật Bản. Nền kinh tế lớn thứ hai châu Á đang có tỷ lệ già hóa cao nhất (28,1%) trên thế giới. Dân số già đi tạo ra rất nhiều vấn đề về kinh tế.

Tỷ lệ tiết kiệm giảm sút khi người cao tuổi Nhật Bản rút tiền tiết kiệm để tiêu dùng và kết quả là nguồn đầu tư trong nước sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

Sự thiếu hụt lao động cũng là một vấn đề khác. Già hóa sẽ làm giảm quy mô dân số trong độ tuổi lao động, vốn đã luôn tăng trong những năm sau chiến tranh và đạt đỉnh vào năm 1995. Những vấn đề như vậy cản trở tăng trưởng kinh tế bền vững của Nhật Bản.

Dòng vốn FDI chảy vào thị trường nội địa thắp lên những hy vọng rằng nó có thể bù đắp cho sự thiếu hụt các nguồn vốn đầu tư đang giảm dần và mở ra cơ hội kinh doanh mới – điều mà các công ty Nhật Bản đã không kịp thực hiện. FDI hướng nội cũng mang tới sự phát triển công nghệ, có khả năng làm thay đổi bản chất của công việc.

Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực rất nhiều, thông qua Hội đồng Xúc tiến Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Nhật Bản, từ năm 2014. Để thu hút nguồn lực toàn cầu, Chính phủ Nhật Bản cố gắng cải thiện điều kiện sống cho người nước ngoài, xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, tăng cường các cơ hội giáo dục cho trẻ em nước ngoài và cải thiện kết nối Internet.

Nhật Bản cũng đã bãi bỏ quy định và đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp, bao gồm đơn xin thị thực và thủ tục nhập khẩu. Nhưng những nỗ lực này không tạo ra hiệu quả thực sự, vốn FDI "chảy" vào trong nước vẫn không tăng như mong đợi.

Nhưng vẫn có một giải pháp khả thi cho vấn đề. Nghiên cứu gần đây cho thấy lực lượng lao động nước ngoài đã thúc đẩy FDI vào Nhật Bản nhờ mạng lưới nhân khẩu ngoài quốc gia, còn được gọi là hiệu ứng di dân hay hiệu ứng mạng lưới dân di cư, giúp cho việc kinh doanh xuyên biên giới trở nên dễ dàng hơn.

FDI đòi hỏi phải có kiến thức về các quy định luật pháp địa phương, thực tiễn kinh doanh và chiến lược tiếp thị - người bản xứ có thể hội tụ các điều kiện này dễ dàng, nhưng người nước ngoài thì không.

Những di dân đa ngôn ngữ và đa văn hóa giúp giảm chi phí giao dịch liên quan đến các thông tin như vậy. Những chính sách thúc đẩy FDI hướng nội và nhập cư có liên quan tới nhau. Cả hai đều nhằm mục đích đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Vốn FDI vào Nhật Bản cũng được thúc đẩy thông qua lĩnh vực du lịch. Nghiên cứu cho thấy có sự tương tác giữa FDI hướng nội và du lịch quốc tế.

Du lịch quốc tế có tác động tích cực đến không chỉ là FDI trong các ngành công nghiệp như khách sạn, nhà hàng, giao thông vận tải, mà còn làm tăng khối lượng tổng thể của FDI hướng nội.

Điều này là do sự hồi sinh trong các lĩnh vực có liên quan đến du lịch, tác động lan tỏa đến các hoạt động kinh tế ở các ngành công nghiệp khác – có thể bao gồm cả tài chính và bảo hiểm.

Tự do hóa chính sách nhập cư là chìa khóa để thúc đẩy FDI vào Nhật Bản. Kể từ khi Luật Kiểm soát Nhập cư và Công nhận Người Tị nạn sửa đổi có hiệu lực vào tháng 4/2019, Nhật Bản đã mở rộng cửa chấp thuận cho lao động nước ngoài vào làm việc.

Luật mới cho phép 345.000 lao động nước ngoài được làm việc tại 14 lĩnh vực công nghiệp trong vòng 5 năm tới.

Các lĩnh vực mục tiêu bao gồm nhân viên chăm sóc, nhà hàng, xây dựng, nhân viên vệ sinh, nông nghiệp, nhà ở và ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống. Hiện tại, tất cả các ngành công nghiệp này đều đang gặp phải tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

Mặc dù vậy, những giải pháp này không đủ để giải quyết toàn bộ các thách thức FDI vào Nhật Bản. Số dân nhập cư Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng dân số, thấp hơn so với 10,7% của EU và 14,5% của Mỹ. Nhật Bản luôn cẩn trọng trong việc tiếp nhận người nước ngoài.

Tuy nhiên, để duy trì tính cạnh tranh và theo đuổi tăng trưởng kinh tế, nền kinh tế này phải xoa dịu nỗi sợ hãi và sự thù địch đối với cải cách nhập cư. Nhật Bản sẽ đạt được nhiều mục tiêu bằng cách khôi phục nền kinh tế của mình thông qua các tương tác như vậy. Do đó, Nhật Bản cần hành động ngay bây giờ khi vẫn còn có hy vọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục