Những tín hiệu trái chiều về nền kinh tế Canada

07:25' - 03/03/2018
BNEWS Trái ngược với sự lạc quan về kinh tế của Chính phủ Canada, nhiều chuyên gia cho rằng Ottawa nên có những bước đi thận trọng hơn.
Quá trình tài đàm phán NAFTA hiện đang gặp nhiều tiến bộ. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau lạc quan cho rằng trong năm qua nền kinh tế Canada đã có sự phát triển tích cực, đặc biệt là ở tầng lớp trung lưu, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất vòng trong 40 năm qua. Tuy nhiên, trái với lạc quan của Bộ trưởng Morneau, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ nên có những bước đi thận trọng.

Các nhà kinh tế mong muốn chính phủ đảm bảo rằng đã sẵn sàng cho những tác động tiềm ẩn của việc tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có khả năng thất bại và việc Mỹ tiến hành cắt giảm thuế doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Montreal (BMO) Doug Porter nhận định “đây chắc chắn là hai vấn đề lớn có tác động tiêu cực không nhỏ tới môi trường đầu tư kinh doanh ở Canada”. 

Những nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi hôm 20/2, Trưởng đàm phán NAFTA của Canada, ông Steve Verheul, nói rằng cho đến nay các cuộc thương thảo giữa các nhóm đàm phán Canada, Mỹ và Mexico chỉ đạt được những tiến bộ hạn chế.

Trong khi đó, vòng đàm phán thứ bảy của NAFTA, bắt đầu từ ngày 25/2 đến 5/3 tại Mexico City, được đánh giá là ít có đột phá. NAFTA, có hiệu lực từ năm 1994, hiện chiếm 40% GDP toàn cầu. Trao đổi thương mại nội khối đạt trên 1.200 tỷ USD trong năm 2017, trong đó Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả Mexico và Canada.

Ba đối tác NAFTA vẫn có những ý kiến khác nhau về các khía cạnh chính của thỏa thuận, bao gồm các quy định cho ngành ô tô, ý tưởng bổ sung “điều khoản hoàng hôn” và các đề xuất thay đổi cơ chế giải quyết tranh chấp nhà đầu tư.

Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho rằng vòng 7 tái đàm phán NAFTA là một vòng đàm phán đầy khó khăn khi các bên thảo luận về những vấn đề phức tạp và còn nhiều bất đồng như quy định xuất xứ đối với ngành công nghiệp ô tô, cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và điều khoản tự động hết hạn sau 5 năm mà phía Mỹ đưa ra. 

 

Trong suốt quá trình tái đàm phán NAFTA, phía Mỹ vẫn giữ quan điểm cứng rắn về việc nâng tỷ lệ nội địa khu vực đối với ô tô từ 62,5% hiện nay lên 85%, trong đó ít nhất 50% tỷ lệ nội địa Mỹ. Tại vòng 6 tái đàm phán NAFTA tại Montreal, Canada, phía Mỹ đã bác bỏ các đề xuất của Canada trong việc đánh giá lại tỷ lệ nội địa ô tô, trong đó tính thêm các chi phí về kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển.

 

Tháng trước, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã đề cập đến những tác động tiêu cực ngày càng gia tăng do tương lai không chắc chắn của NAFTA. BoC không chỉ nhấn mạnh đến những ảnh hưởng tiềm ẩn đối với thương mại mà còn chỉ ra những thiệt hại tiềm ẩn đối với đầu tư kinh doanh do chính những điều không chắc chắn gây ra.

BoC ước tính sự không chắc chắn về thương mại sẽ hạ thấp đầu tư đến 2% vào cuối năm 2019, đồng thời cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài mới vào Canada đã giảm từ giữa năm 2016 - hậu quả có thể xẩy ra của những điều chưa biết về thương mại.

BoC cũng cảnh báo rằng chính sách thuế doanh nghiệp thấp ở Mỹ có thể khuyến khích các công ty chuyển hướng một số đầu tư kinh doanh từ Canada sang Mỹ. Các hiệp hội doanh nghiệp Canada lo sợ những thay đổi về thuế của Mỹ có thể sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Canada hơn là việc chấm dứt NAFTA.

Để trấn an dư luận, Văn phòng Bộ trưởng Morneau đã lập luận rằng Canada có lợi thế về lực lượng lao động có trình độ và vẫn có thuế suất cạnh tranh giữa các quốc gia G7, ngay cả sau khi Mỹ tiến hành cải cách thuế. Chính phủ Canada đang đánh giá cẩn trọng những thay đổi về thuế của Mỹ và sẽ cần thêm thời gian để hiểu rõ hơn những tác động tiềm ẩn.

Ngân sách liên bang Canada cho năm tài chính 2018-2019 được đánh giá là tiếp tục tập trung vào tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người dân Canada xác định không thuộc tầng lớp này. Theo thăm dò dư luận gần đây của Ekos Research, chưa đến 50% số người Canada hiện nay xác định là thuộc tầng lớp trung lưu, giảm mạnh so với con số gần 70% trong năm 2002.

Theo Chủ tịch Ekos, ông Frank Graves, con số này cho thấy sự thay đổi lớn trong tầng lớp trung lưu ở Canada. Ông cho rằng việc tầng lớp trung lưu Canada ngày càng thu hẹp là do bất bình đẳng trong thu nhập cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm hơn.

Theo Sara Mayo - chuyên gia hoạch định xã hội tại Hội đồng Kế hoạch và Nghiên cứu Xã hội Hamilton - giá nhà đất tăng cao ở một số thành phố lớn của Canada cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Canada tụt khỏi tầng lớp trung lưu.

“Người dân cần nhiều tiền hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà đất ngày càng gia tăng ở các thành phố lớn nhất của Canada”, bà Mayo nhận xét. Bà nhận định một trong những giải pháp có thể giải quyết vấn đề tầng lớp trung lưu ngày càng bị thu hẹp của Canada là Chính phủ liên bang cần rót thêm vốn cho Chiến lược Nhà ở Quốc gia, sáng kiến kéo dài 10 năm với trị giá 40 tỷ đôla Canada để cung cấp nhà ở giá rẻ cho các gia đình có thu nhập thấp./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục