Những trọng điểm trong chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris

20:00' - 18/08/2021
BNEWS Bà Harris sẽ là Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài thứ hai, sau chuyến đi kéo dài hai ngày của bà đến Guatemala và Mexico hồi tháng Sáu.
Bà Kamala Harris phát biểu tại Wilmington, bang Delaware, ngày 7/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong bài bình luận đăng trên chuyên mục Tiêu điểm châu Á của tờ Bangkok Post ngày 16/8, nhà báo Nareerat Wiriyapong nhận định chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Đông Nam Á vào cuối tháng này sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối với chiến lược chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Theo bài báo, bên cạnh việc giúp thúc đẩy sự can dự sâu rộng hơn của Washington ở khu vực châu Á, điều vốn đã bị thu hẹp dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, chuyến đi của bà Harris về mặt chiến lược nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn cầu.

Văn phòng của bà Harris cho biết trong một tuyên bố rằng bà sẽ "chia sẻ tầm nhìn của chính quyền Tổng thống Biden về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" khi bà đến thăm Singapore và Việt Nam từ 22-26/8. Trong cuộc hội đàm với các quan chức, bà sẽ nêu lên các vấn đề thương mại và an ninh, bao gồm cả vấn đề Biển Đông và thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Ông Biden đã tuyên bố rằng "Nước Mỹ đã trở lại" kể từ khi nhậm chức cách đây 7 tháng. Giờ đây, ông bắt đầu hậu thuẫn cho khẩu hiệu đó. 

Mặc dù Tổng thống Biden vẫn chưa công du tới khu vực ASEAN, song Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là hai nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đã gặp ông trực tiếp tại Nhà Trắng, nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa Mỹ và khu vực.

Bà Harris sẽ là Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài thứ hai, sau chuyến đi kéo dài hai ngày của bà đến Guatemala và Mexico hồi tháng Sáu để giải quyết những thách thức của việc gia tăng di cư sang Mỹ.

Chuyến đi của bà Harris diễn ra tiếp sau các chuyến công du gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Nhật Bản và Hàn Quốc, và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, người đã đến Singapore, Việt Nam và Philippines.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng đã đến Indonesia, Thái Lan và Campuchia vào tháng Năm và đầu tháng Sáu. Tháng trước, bà đã đến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ trước khi tới Trung Quốc để tham dự các cuộc đàm phán cấp cao. 

Ông Blinken đã tham dự một cuộc họp trực tuyến với các Ngoại trưởng khu vực vào ngày 14/7 cũng như tham dự một cuộc họp của ASEAN vào ngày 4/8. Vào ngày 6/8, ông đã tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN trực tuyến cùng sự tham dự của các đại diện từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Liên minh châu Âu (EU).

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Đông Nam Á đã trở thành mặt trận mới nhất, thúc đẩy các cuộc họp quan trọng trực tuyến. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận trực tuyến thiếu sức nặng của ngoại giao truyền thống.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết đại dịch, tiêm chủng và chất lượng vaccine sẽ là ưu tiên hàng đầu của bà Harris. Tháng trước, Washington đã chuyển 3 triệu liều vaccine Moderna ngừa COVID-19 đến Việt Nam, nâng tổng số vaccine viện trợ cho Việt Nam lên 5 triệu liều.

Tuy nhiên, điều đáng nói là cả ông Austin và bà Harris đều nhắm đến cùng những quốc gia ASEAN giống nhau. Các cường quốc trong khu vực như Indonesia và Thái Lan, vốn đã được ưu tiên trước đây, đã bị gạt ra ngoài mặc dù thực tế họ là những quốc gia dẫn đầu trong nhiều quyết định quan trọng của khối. 

Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các thành viên ASEAN khó tìm được điểm chung, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là khối này không thể có được thỏa hiệp và hợp tác từ cả hai phía. Không có gì tốt đẹp đến từ một cuộc xung đột, và ASEAN cũng như các đồng minh khác của Mỹ cần phải giữ gìn mối quan hệ của họ với cả hai cường quốc.

Trở ngại chính là sự đồng thuận mà ASEAN cần có để thúc đẩy những lợi ích của khối. Đối với cá nhân tác giả bài báo, lựa chọn về những điểm đến của bà Harris có thể gây thất vọng vì phần lớn đều tập trung vào lợi ích chiến lược của từng quốc gia đối với Mỹ. 

Ít nhất, có một điều đã rõ ràng đó là Washington đang muốn làm sâu sắc hơn những cam kết của họ trong ASEAN, và tiếp theo sẽ có nhiều sự can dự chiến lược hơn./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục