Nỗ lực thoát bẫy thu nhập trung bình của Malaysia gặp khó

05:30' - 11/10/2020
BNEWS Theo Fitch Solution, bẫy thu nhập trung bình tiếp tục là vấn đề lớn đối với Malaysia trong 10 năm tới, khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế bình quân của quốc gia Đông Nam Á dự báo giảm mạnh.

Tham vọng bước vào hàng ngũ các quốc gia có mức thu nhập cao của Malaysia đã trở nên khó khăn hơn do những bất ổn về chính trị, tình trạng dân số già hóa và khả năng chi tiêu của chính phủ ngày càng giảm.

Theo Fitch Solution, bẫy thu nhập trung bình tiếp tục là vấn đề lớn đối với Malaysia trong 10 năm tới, khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế bình quân của quốc gia Đông Nam Á dự báo giảm mạnh.

Trong một báo cáo gần đây, tổ chức nghiên cứu này dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á là 3,4% trong thập kỷ tới, so với mức trung bình 6,4% của 10 năm trước.

Fitch Solution nhận định nguyên nhân dẫn tới tốc độ tăng trưởng chậm hơn là bất ổn chính trị kéo dài trong quá trình Malaysia khiến cho đà cải cách bị đình trệ, thậm chí là đi lùi.

Ngoài ra, tổ chức nghiên cứu uy tín này cũng đánh giá tình hình nhân khẩu học ít thuận lợi và sự hạn chế về các công cụ tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng đã tác động mạnh mẽ tới triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.

Fitch Solution nhìn nhận tình trạng cạn kiệt các con đường tăng trưởng bắt nguồn từ tình trạng công nghiệp hóa ở mức độ thấp hơn đòi hỏi Malaysia phải nâng cấp nền kinh tế của mình để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Tổ chức nghiên cứu có trụ sở chính tại New York, Mỹ, đã chỉ ra rằng bất ổn chính trị hiện nay tại Malaysia có thể nhận được phản ứng tiêu cực từ phía giới đầu tư, thậm chí điều này còn khiến Malaysia bắt đầu trở nên lép vế trước các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, trong cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bản báo cáo cho rằng những bất ổn chính trị xảy ra trong thời điểm tồi tệ bởi các doanh nghiệp và quốc gia trên thế giới đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển ít nhất một phần hoạt động ra khỏi Trung Quốc nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng đa dạng và linh hoạt hơn, như phương án giải quyết tình trạng quá phụ thuộc vào Trung Quốc bị phơi bày bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ năm 2018 và sự bùng phát của dịch COVID-19 từ đầu năm 2020.

Đáng chú ý, ngày 23/9, lãnh đạo phe đối lập tại Hạ viện ông Anwar Ibrahim đã tuyên bố Chính phủ Quốc gia (PN) hiện tại sẽ bị lật đổ khi chính trị gia này đảm bảo được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ để thành lập chính phủ tiếp theo. Tuy nhiên, Chủ tịch đảng Công lý Nhân dân đã không tiết lộ con số cụ thể.

Một chuyên gia kinh tế đã chia sẻ với tờ StarBiz rằng sự bất ổn chính trị nghiêm trọng đã tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia này cũng lưu ý mặc dù quốc gia Đông Nam Á chứng kiến hai lần thay đổi chính quyền liên bang trong vòng hai năm qua, nhưng phần lớn định hướng chính vẫn tương tự. Ông cho rằng đây là nhân tố quan trọng nhất.

Ông nói: “Mặc dù việc triển khai có thể khác nhau, nhưng định hướng chính sách có sự thay đổi đáng kể. Một định hướng chính sách ổn định và có tầm nhìn xa sẽ giúp giữ được tình cảm của nhà đầu tư ngay cả khi các chính phủ thay đổi".

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Malaysia (SERC) Lee Heng Guie nhận định sự ổn định kinh tế vĩ mô và chính trị là điều cần thiết để đảm bảo lộ trình mở rộng kinh tế bền vững.

Theo ông, sự liên tục về chính sách và những cải cách quan trọng nên được ưu tiên để củng cố lòng tin và sự bền vững kinh tế.

Chuyên gia này nhấn mạnh ý thức tốt và ý chí chính trị mạnh cần phải giữ vai trò chủ đạo nhằm thiết lập lại chương trình nghị sự phát triển của Malaysia, dựa trên nhu cầu và không có sự phân biệt chủng tộc, đồng thời ưu tiên bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Giám đốc SERC chỉ ra những nỗ lực cải cách thường bị cản trở bởi lợi ích cá nhân phổ biến và khuyến cáo: “Nếu trong trường hợp chỉ có khủng hoảng mới kích thích cải cách, thì bây giờ là thời điểm để (người dân Malaysia) mong đợi một điều gì đó khác biệt và những lợi ích cá nhân phải được gạt bỏ.”

Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của Malaysia, ông Lee nhấn mạnh Chính phủ nước này phải xem xét các cơ hội tận dụng thế mạnh và lợi thế so sánh quốc gia.

Chuyên gia đứng đầu SERC khuyến nghị: “Có những thách thức và vấn đề đang diễn ra cũng như các khía cạnh mới (do ảnh hưởng của dịch COVID-19) đòi hỏi giới hoạch định chính sách phải triển khai các cải cách táo bạo và thực hiện các hành động nhanh chóng để đảm bảo mở rộng kinh tế bền vững và bao trùm với mục tiêu tăng trưởng trung bình từ 4% đến 5% mỗi năm trong trung hạn"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục