“Nỗi ám ảnh” làm gián đoạn ngành công nghiệp xe điện
Theo tờ JoongAng Daily (Hàn Quốc) ngày 29/10, "nỗi ám ảnh" về sự thống trị của xe điện Trung Quốc trên các thị trường châu Âu và Mỹ đang tạo ra lực cản đối với quỹ đạo phát triển của ngành công nghiệp này và là tín hiệu đáng lo ngại đối với kinh tế Hàn Quốc.
* Những diễn biến bất lợiVương quốc Anh đã quyết định đình chỉ lệnh cấm ô tô sử dụng động cơ đốt trong (ICE) thêm 5 năm cho tới năm 2035. Sau thời điểm này, người tiêu dùng vẫn được phép mua bán ô tô đã qua sử dụng chạy bằng động cơ xăng và diesel. Hồi đầu tháng 10, Liên minh châu Âu (EU) đã mở cuộc điều tra chính thức về các khoản trợ cấp cho xe điện của Chính phủ Trung Quốc, với cáo buộc những khoản trợ cấp này đang gây ra thiệt hại rõ ràng đối với ngành công nghiệp xe điện châu Âu.Tại Mỹ, Nghiệp đoàn Công nhân Ô tô Mỹ (UAW) đã tiến hành đình công trong hơn một tháng nhằm chống lại ba “gã khổng lồ” xe hơi Mỹ (nhóm Big Three), gồm Ford, General Motors và Stellantis (trước đây là Fiat Chrysler). 30.000 trong tổng số 146.000 người (tương đương 1/5 số thành viên của liên đoàn) vẫn đang tiếp tục tổ chức biểu tình để đòi quyền lợi việc làm và tăng lương. Cuộc đình công của UAW sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án xe điện của "Big Three", vì có thể khiến nhóm này ngừng đầu tư vào xe điện.Những diễn biến gần đây ở Anh, EU và Mỹ đều tác động tiêu cực đến quá trình mở rộng thị trường xe điện. EU đã thông qua kiến nghị loại bỏ tất cả các phương tiện sử dụng ICE trước năm 2035 trên cơ sở đánh giá các ưu và nhược điểm của quá trình chuyển đổi. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố các tiêu chuẩn phát thải mới, yêu cầu 2/3 số xe mới bán ra phải là xe điện cho đến năm 2032.Tính đến năm 2022, tỷ trọng xe điện trên tổng doanh số ô tô mới bán ra ở Mỹ và châu Âu lần lượt là 24% và 6%. Những gì xảy ra ở cả hai châu lục báo hiệu khúc dạo đầu thuận lợi cho một thị trường xe điện khổng lồ.Tuy nhiên, bức tranh tổng thể sau đó lại trở nên kém sáng. “Mây đen” bao phủ cả Mỹ và châu Âu do vấn đề “chính trị hóa xe điện”. Nói cách khác, xe điện đã trở thành một vấn đề chính trị lớn.Các thành viên của UAW tổ chức một cuộc biểu tình ở trung tâm thành phố Detroi hôm 15/9 để yêu cầu tăng lương. Không chỉ vậy, cuộc biểu tình này cũng phần nào cho thấy nỗi lo mất việc làm nếu xe động cơ đốt trong được thay thế bằng xe điện.Tầng lớp lao động khó tiếp cận xe điện do mức giá cao. Trong khi đó, những khoản trợ cấp chính phủ khổng lồ dùng tiền thuế của người dân cho xe điện cũng khiến tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động tức giận.Các chính trị gia phát hiện ra rằng lập trường chống xe điện giúp họ nhận được nhiều phiếu bầu hơn. Các phương tiện truyền thông phương Tây nhận định rằng quyết định của Thủ tướng Anh Rishi Sunak về việc trì hoãn lệnh cấm các phương tiện ICE xuất phát từ động cơ chính trị trong nước.Một lý do khác khiến xe điện bị chính trị hóa là những tác động đối với vấn đề việc làm. Sản xuất xe điện không cần nhiều công nhân như xe ICE, vì xe điện sử dụng ít bộ phận hơn, khả năng tự động hóa cũng dễ dàng hơn nhiều. Ngành công nghiệp ô tô rất quan trọng đối với EU vì ngành này cung cấp khoảng 13 triệu việc làm, chiếm 7% quy mô nền kinh tế. Các nước thành viên EU quan ngại sâu sắc về vấn đề mất việc làm. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Italy Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu, gọi lệnh cấm của EU đối với ICE là “hành động điên rồ có thể phá hủy hàng nghìn việc làm của người lao động Italy”.Nhìn bề ngoài, vấn đề gây tranh cãi nhất trong cuộc đình công của UAW dường như là yêu cầu tăng lương. Liên đoàn muốn tăng 40% lương trong 4 năm tới, trong khi "Big Three" chỉ đề nghị mức tăng thậm chí còn dưới 30%. Chênh lệnh giữa đề xuất của hai bên là rất lớn. Ba nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ đầu tư mạnh vào việc chuyển đổi sang xe điện nhưng vẫn chưa thu được thành quả.Lấy ví dụ, Ford dự kiến sẽ lỗ 4,5 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay. Nếu đáp ứng toàn bộ yêu cầu của công đoàn, chi phí nhân sự của Ford sẽ tăng lên gấp đôi so với Tesla. Điều này sẽ làm suy yếu không chỉ khả năng đầu tư vào xe điện của Ford mà còn cả khả năng cạnh tranh của hãng.Tuy nhiên, một vấn đề phức tạp hơn là an ninh việc làm. Tờ New York Times cho biết: “Đối với người lao động, mối lo ngại lớn nhất là xe điện có ít bộ phận hơn nhiều so với xe chạy xăng và sẽ khiến nhiều công việc trở nên không còn cần thiết”. Các nhà máy sản xuất xe ICE đã bắt đầu đóng cửa cùng với việc tái cơ cấu nhanh chóng các nhà máy sản xuất xe điện và pin thứ cấp. Một lượng đáng kể công nhân sẽ được chuyển đến các nhà máy mới, nhưng cùng với đó là rất nhiều việc làm có thể bị cắt giảm trong quá trình này.Đây là một hiện tượng điển hình xảy ra trong quá trình chuyển đổi công nghiệp. UAW biểu tình chống lại chủ sử dụng lao động để đảm bảo việc làm khi các nhà sản xuất ô tô thành lập nhà máy xe điện hoặc liên doanh sản xuất pin cho xe điện.Xe điện đã trở thành vấn đề quan trọng ở Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo. Cựu Tổng thống Donald Trump chỉ trích chính sách xe điện của chính quyền Tổng thống Joe Biden, cho rằng việc từ bỏ động cơ đốt trong sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp và lạm phát không có hồi kết.Ông Trump không đơn độc trong chiến dịch chống lại xe điện. Các ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa như Thống đốc bang Florida Ron DeSantis và cựu Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố rằng việc chuyển đổi sang xe điện đã trao việc làm và an ninh quốc gia cho Trung Quốc, quốc gia kiểm soát việc sản xuất pin và các khoáng sản liên quan.Tuy nhiên, nếu quá trình chuyển đổi bị trì hoãn, điều đó sẽ khiến triển vọng của ngành công nghiệp ô tô Mỹ trở nên xấu đi. Đó là sự cạnh tranh giữa công việc hiện tại và công việc tương lai. Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Biden Kevin Munoz cho rằng nếu đi theo con đường của Tổng thống Trump, công việc trong tương lai sẽ chuyển sang Trung Quốc.Điều gây ra phản ứng dữ dội đối với xe điện là “nỗi ám ảnh Trung Quốc”, đặc biệt là ở châu Âu. Thị phần xe điện của Trung Quốc chỉ là 0,5% vào năm 2019, nhưng đã tăng lên 8,2% vào năm 2022. Ủy ban châu Âu dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên 15% vào năm 2025. Các thành viên EU cảm thấy đây sẽ là một cuộc khủng hoảng và nếu không can thiệp, Trung Quốc sẽ gặt hái thành quả từ chính nỗ lực phát triển xe điện của EU, điển hình là việc loại bỏ các phương tiện ICE vào năm 2035, cho đến kịch bản ngành xe điện châu Âu sụp đổ.Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của xe điện Trung Quốc là giá rẻ. EU lo ngại các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể giảm giá bán khoảng 20% ở châu Âu nhờ khoản trợ cấp hào phóng từ chính phủ. Không rõ liệu cuộc điều tra của EU về cáo buộc Trung Quốc trợ cấp xe điện có thể dẫn đến mức thuế “trừng phạt” đối với xe điện Trung Quốc hay không. Các thành viên EU không chỉ phải lưu ý đến các biện pháp trả đũa của Trung Quốc mà còn các mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc. Ví dụ, Pháp cứng rắn với Trung Quốc, nhưng Đức thì không. Đối với Đức, Trung Quốc không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn của các hãng xe Đức mà còn là quốc gia nơi Mercedes-Benz và BMW đang vận hành các nhà máy xe điện chung với các đối tác Trung Quốc.Trên cơ sở những phân tích nêu trên, có thể thấy sản xuất xe điện đang rơi vào tình trạng “treo” đối với các nhà sản xuất lớn. Tuy nhiên, việc thay thế xe ICE bằng xe điện là không thể tránh khỏi để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.Chưa hết, kết quả của các cuộc bầu cử, môi trường chính trị không đồng nhất giữa các nước và cuộc chiến bá chủ toàn cầu về xe điện có thể gây ra những tác động dữ dội lên thị trường trong ngắn hạn. Như Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ cho thấy, các rào cản thương mại rất có thể sẽ được dỡ bỏ hơn nữa.Những diễn biến nói trên phát đi tín hiệu đáng quan ngại đối với kinh tế Hàn Quốc, vì chắc chắn sẽ giáng một đòn chí mạng không chỉ vào các nhà sản xuất xe điện như Hyundai và Kia, mà còn cả các doanh nghiệp sản xuất pin thứ cấp. Giá cổ phiếu các hãng pin chao đảo phản ánh những dấu hiệu ảm đạm. Do đó, Hàn Quốc cần theo dõi chặt chẽ tình hình chính trị hóa xe điện toàn cầu trước khi quá muộn.*" Gã khổng lồ" xe điện Trung Quốc
Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới sau khi đánh bại Nhật Bản và Đức. Xuất khẩu xe điện của Trung Quốc, bao gồm cả xe hybrid, chiếm 52% tổng lượng ô tô xuất khẩu của nước này trong nửa đầu năm ngoái.Bản thân Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), 6,8 triệu xe điện đã được bán ở nước này trong năm 2022. Ngược lại, con số xe điện do Mỹ bán ra ở thị trường trong nước là 800.000 chiếc. Vậy bí quyết giúp Trung Quốc vươn lên vị trí thống trị thị trường xe điện là gì?Theo MIT Technology Review, bước ngoặt là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2009, Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất ô tô lớn nhất nhưng sức cạnh tranh của các hãng ô tô Trung Quốc không thể so sánh với các đối thủ như Mỹ, Đức và Nhật Bản. Trung Quốc chuyển sang sử dụng xe điện khi mà các cường quốc ô tô khi đó không để mắt đến. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng kỳ vọng quá trình chuyển đổi này sẽ giúp hạn chế ô nhiễm không khí nghiêm trọng và giảm lượng xăng dầu nhập khẩu.Sau khi chính phủ đưa ra quyết định, Trung Quốc triển khai chính sách cắt giảm thuế và dành trợ cấp lớn cho lĩnh vực xe điện. Nước này đã chi tới 29 tỷ USD để trợ cấp và giảm thuế cho các nhà sản xuất xe điện từ năm 2009-2022. Chính phủ cũng giúp hình thành thị trường ban đầu bằng cách đưa xe điện vào hệ thống giao thông công cộng, bao gồm cả xe bus và xe taxi.Trung Quốc cũng trợ cấp cho các công ty xe điện nước ngoài. Chính sách này đóng vai trò là “chất xúc tác” để các “gã khổng lồ” xe điện nước ngoài thành lập cơ sở sản xuất quy mô lớn ở Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc thiết lập được hệ sinh thái xe điện khổng lồ ở trong nước, khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất xe điện nước này theo đó cũng được nâng cao đáng kể.Một lợi thế khác là Trung Quốc là sở hữu các công ty hàng đầu về pin thứ cấp, trong đó có CATL, cùng với sự thống trị các khoáng sản quan trọng như cobalt và lithium hydroxit, những thành phần thiết yếu để sản xuất pin.Do đó, nước này đã hoàn tất quy trình kết hợp theo chiều dọc giữa nguyên liệu thô, pin và xe điện từ rất sớm./.Tin liên quan
-
Chuyển động DN
Tập đoàn BP dành 100 triệu USD mua bộ sạc xe điện của Tesla
07:39' - 30/10/2023
Tập đoàn sẽ mua các bộ sạc nhanh công suất 250 kW, một dạng thường được gọi là "sạc siêu nhanh" của Tesla.
-
Ô tô xe máy
Thợ máy của hãng xe điện Tesla đình công
08:54' - 29/10/2023
IF Metall - tổ chức công đoàn ngành kim khí tại Thụy Điển cho biết các thợ máy của Tesla đã tiến hành đình công nhằm phản đối việc nhà sản xuất ô tô điện này từ chối ký thỏa thuận tiền lương tập thể.
-
Ô tô xe máy
Thái Lan muốn thu hút 28 tỷ USD và vào top các nhà sản xuất xe điện châu Á
07:57' - 28/10/2023
Thái Lan muốn lọt vào top các nhà sản xuất xe điện (EV) ở châu Á như một phần trong mục tiêu thu hút 1.000 tỷ baht (28 tỷ USD) đầu tư nước ngoài trong 4 năm tới.
-
Ô tô xe máy
Stellantis đầu tư 1,58 tỷ USD vào công ty sản xuất xe điện của Trung Quốc
09:50' - 27/10/2023
Tập đoàn sản xuất ô tô đa quốc gia Stellantis đã ký hợp tác chiến lược với công ty sản xuất ô tô điện Leapmotor của Trung Quốc, với khoản đầu tư 1,5 tỷ euro (1,58 tỷ USD) để mua khoảng 20% cổ phần.
-
Ô tô xe máy
Honda, GM sẽ ngừng hợp tác phát triển xe điện giá phải chăng
08:48' - 27/10/2023
Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Honda và “gã khổng lồ” General Motors (GM) của Mỹ hôm 26/10 thông báo sẽ ngừng quan hệ hợp tác sản xuất xe điện “giá cả phải chăng” từ năm 2027.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Tương lai thị trường tài chính Mỹ: Lợi ích đi kèm rủi ro
06:30' - 29/11/2024
Do cách tiếp cận chính trị và kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump rất phi truyền thống, thị trường đang cố hấp thụ những khả năng có thể xảy ra từ quá trình chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng.
-
Phân tích - Dự báo
"Trận cuồng phong" đang đến với ngành ô tô Đức
05:30' - 29/11/2024
Chỉ trong vòng một năm, tình hình ngành công nghiệp ô tô Đức đã quay ngoắt 180 độ, từ tâm lý lạc quan với lợi nhuận cao sang tới sự bi quan về triển vọng ảm đạm phía trước.
-
Phân tích - Dự báo
Giải mã việc đề cử ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
06:30' - 28/11/2024
Bộ trưởng Tài chính tương lai của Mỹ là cố vấn thân cận nhất của ông Donald Trump, nhờ việc bổ sung chiều sâu cho các đề xuất kinh tế và bảo vệ chính sách thương mại bảo hộ hơn của Tổng thống đắc cử.
-
Phân tích - Dự báo
Ngành hóa dầu Hàn Quốc bên bờ khủng hoảng
05:30' - 28/11/2024
Cạnh tranh từ Trung Quốc và Trung Đông đang khiến ngành hóa dầu Hàn Quốc lâm vào "thế khó", thể hiện qua hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hóa dầu lớn và giá cổ phiếu sụt giảm.
-
Phân tích - Dự báo
Những thách thức kinh tế đối với châu Âu
06:30' - 27/11/2024
Lạm phát của châu Âu vẫn ở mức cao, chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng vọt. Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị cũng góp phần cản đà phục hồi tăng trưởng của khu vực.
-
Phân tích - Dự báo
Kỷ nguyên vàng của bitcoin đã bắt đầu?
05:30' - 27/11/2024
Giá bitcoin, vốn bắt đầu năm 2024 ở mức 38.000 USD, hiện đang tiệm cận ngưỡng 100.000 USD. Đồng bitcoin đã tăng vọt trong những tuần gần đây phần lớn nhờ "hiệu ứng Donald Trump".
-
Phân tích - Dự báo
Các nhà máy ô tô Mexico lo ngại chính sách thuế mới của Mỹ
06:30' - 26/11/2024
Theo tờ The New York Times bằng tiếng Tây Ban Nha, chính sách thuế quan trong nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai của ông Donald Trump có thể giáng đòn mạnh vào các nhà máy sản xuất ô tô tại Mexico.
-
Phân tích - Dự báo
Chuyển đổi năng lượng - “thế khó” cuả Nhật Bản
05:30' - 26/11/2024
Nhật Bản đang cân nhắc đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn năng lượng lớn nhất của đất nước vào năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2040.
-
Phân tích - Dự báo
Vàng sẽ tìm lại đỉnh cao?
15:26' - 25/11/2024
Giới phân tích dự đoán giá vàng sẽ phục hồi vào năm tới, do vàng vẫn giữ được sức hấp dẫn như một tài sản trú ẩn an toàn.