Nội các Anh sẽ thảo luận mô hình hải quan thứ ba sau Brexit vào ngày 6/7 tới

18:51' - 02/07/2018
BNEWS Các quan chức Chính phủ Anh đang đứng trước việc phải đưa ra một lựa chọn, hợp tác theo kiểu Na Uy hay một thỏa thuận thương mại theo kiểu Canada.

Phố Downing đã thảo ra mô hình thứ ba về thỏa thuận hải quan giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rời liên minh này, còn gọi là Brexit, và nội dung này dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Nội các Anh ở dinh thự của Thủ tướng Theresa May vào ngày 6/7 tới.

Vào thời điểm không có nhiều hy vọng Anh sẽ đạt được một thỏa thuận kiểu “đo ni đóng giày” với EU, các quan chức Chính phủ Anh đang đứng trước việc phải đưa ra một lựa chọn, hợp tác theo kiểu Na Uy hay một thỏa thuận thương mại theo kiểu Canada.

Bộ trưởng phụ trách Brexit, ông David Davis, và Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Boris Johnson, phản đối kịch liệt ý tưởng đi theo mô hình Na Uy mà họ e rằng Anh sẽ vẫn phải tuân thủ một số quy định của EU sau khi Brexit. Trong những ngày gần đây, Bộ trưởng Davis, người ủng hộ mô hình “Canada cộng cộng cộng”, đã có nhiều cuộc gặp với Thủ tướng May.

Các thông tin chi tiết liên quan đến mô hình thứ ba này chưa được công bố, nhưng nó sẽ có sự khác biệt so với hai mô hình được đề cập trước đó. Giải pháp hợp tác hải quan, trong đó Anh đưa ra đề xuất thu thuế hộ EU, được Brussels đánh giá không khả thi cũng như vấp phải sự phản đối của những người ủng hộ Brexit, trong khi giải pháp thứ hai lại phụ thuộc quá nhiều vào các giải pháp công nghệ không chắc chắn và phức tạp.

Có thể nói, giải pháp thứ ba nói trên nằm trong nỗ lực của Thủ tướng Theresa May nhằm phá vỡ phần nào thế bế tắc trong tiến trình đàm phán Brexit khi Nội các họp bàn tại dinh thự của Thủ tướng Anh ở Buckinghamshire, cũng như mở ra một tầm nhìn cho quan hệ hợp tác trong tương lai giữa Anh và EU, trước khi “Sách Trắng” dự kiến được công bố trong tuần tới.

Ngày 2/7, nghị sĩ Jacob Rees-Mogg, người đi đầu chủ trương Brexit, ra lời cảnh báo rằng Thủ tướng Theresa May phải thực hiện cam kết về Brexit như bà đã đưa ra, nếu không bà May có thể sẽ phải đối diện với sự phản đối của các nghị sỹ nổi loạn trong chính đảng Bảo thủ.

Căng thẳng trong Nội các Anh gia tăng trong những ngày gần đây, giữa những đồn đoán về việc các tên tuổi hàng đầu trong chính phủ đang lên kế hoạch cho việc thay thế bà May trong trường hợp bà bị buộc phải rời nhiệm sở.

Thủ tướng May ngày 2/7 cũng có cuộc gặp với các nghị sĩ Hạ viện để thông báo về kết quả cuộc họp với Hội đồng châu Âu hồi tuần trước liên quan đến vấn đề đàm phán Brexit.

>>> Đại diện các doanh nghiệp thúc giục tiến triển trong đàm phán Brexit

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục