OECD: 50% tổng số vốn từ IPO trên toàn thế giới "chảy" vào Châu Á

14:27' - 08/12/2019
BNEWS Theo OECD, một nửa số vốn được huy động thông qua các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đều “chảy” vào các công ty châu Á vào năm 2018.

Alibaba hy vọng sẽ huy động được 10-15 tỷ USD từ đợt IPO tại thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: TTXVN

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 8/12 cho thấy khu vực châu Á đang phát triển nhanh khi hơn một nửa số vốn được huy động thông qua các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đều “chảy” vào các công ty châu Á vào năm 2018.

Trong bản báo cáo có tên “Đánh giá thị trường vốn châu Á 2019”, OECD cho biết các hộ gia đình bên ngoài châu Á đã tăng đầu tư vào các công ty tại khu vực này thông qua các quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ cùng những kênh trung gian khác.

OECD cũng lưu ý các công ty quy mô nhỏ ở châu Á đang sử dụng thị trường vốn để huy động được dòng tiền lớn hơn so với các công ty có quy mô tương đương từ phần còn lại của thế giới.

Theo số liệu của bản báo cáo, các công ty phi tài chính châu Á đã gọi vốn được trung bình 67 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ qua, vượt qua tổng số vốn mà các công ty từ châu Âu và Mỹ kêu gọi được vào cùng thời kỳ.

OECD cho rằng sự phát triển nhanh chóng của thị trường vốn ở châu Á chủ yếu là nhờ số lượng các công ty Trung Quốc chọn cách kêu gọi vốn thông qua IPO tăng mạnh.

Kết quả là chỉ tính trong năm 2018, đã có thêm khoảng 748 công ty châu Á tham gia thị trường vốn, tương đương 60% tổng số công ty niêm yết mới trên toàn thế giới.

Trung Quốc là nước có số lượng các công ty IPO dẫn đầu châu Á. Tuy nhiên, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng được xếp hạng trong 10 nền kinh tế hàng đầu khi nói đến số lượng công ty mới niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Nhìn sâu hơn, một số nền kinh tế mới nổi của châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đều có xếp hạng về số lượng IPO cao hơn hầu hết các nền kinh tế phát triển ở khu vực khác.

Báo cáo cho biết với hoạt động IPO tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và sự gia tăng ảnh hưởng của các công ty châu Á trên thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ càng giúp mở rộng quy mô các khoản đầu tư từ nước ngoài vào khu vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục