Pháp đánh giá về kỹ thuật và y tế liên quan đến triển khai công nghệ 5G

06:00' - 25/10/2020
BNEWS Mới đây, các cơ quan chức năng của Pháp đã công bố bản báo cáo đánh giá về các phương diện kỹ thuật và y tế khi triển khai công nghệ 5G tại Pháp cũng như trên thế giới.

Nội dung báo cáo nêu tóm tắt các đặc điểm chính của 5G, đánh giá vị thế của Pháp so với quốc tế khi triển khai công nghệ này, đồng thời đưa ra các phân tích so sánh của các cơ quan y tế về tác động của 5G đối với vấn đề sức khỏe con người...

Về những đặc tính của công nghệ 5G, đây là một phần của quá trình cải tiến công nghệ liên tục kể từ công nghệ 1G vào những năm 1980. Sự ra đời của 5G là nhằm cải thiện hiệu suất (tốc độ, khả năng đáp ứng, mật độ đối tượng kết nối) so với 4G.

Công nghệ 5G kèm theo việc gia tăng tiêu thụ dữ liệu và sự xuất hiện của các ứng dụng mới cho các cá nhân và doanh nghiệp. Về cơ bản, công nghệ 5G không khác 4G, nhưng 5G cải thiện các tham biến dựa trên một mạng lõi đã được cách mạng hóa cuối cùng và đi kèm với việc triển khai các loại ăng-ten mới (ăng-ten chủ động).

Cùng tồn tại song song với các thế hệ điện thoại di động trước đây, cụ thể là 4G, 5G ban đầu sẽ sử dụng các dải tần mà 4G sử dụng cũng như dải tần khoảng 3,5 GHz. Trong bước thứ hai, 5G sẽ được triển khai ở băng tần khoảng 26 GHz. Để đáp ứng với việc gia tăng tốc độ và các mục đích sử dụng mới, 5G đòi hỏi đầu tư đáng kể từ các nhà khai thác viễn thông và đổi mới các thiết bị đầu cuối.

Về việc triển khai công nghệ 5G trên thế giới, báo cáo cho biết Pháp đi sau tương đối trong số các nước phát triển. Trên thực tế, 5G được triển khai từ tháng 6/2018 với việc Hàn Quốc phân bổ các tần số ở băng tần 3,5 GHz và 28 GHz.

Đến nay, trong số 26 quốc gia có trình độ khoa học ngang nhau nghiên cứu 5G, 21 quốc gia đã bắt đầu triển khai thương mại mạng viễn thông này. Như vậy, ngoài Pháp, còn lại Bỉ, Brazil, Singapore, Israel và Estonia trong số các nước nghiên cứu ứng dụng 5G là chưa đạt đến giai đoạn này. Tất cả các quốc gia trên đều sử dụng tham vấn kỹ thuật, nhưng không tổ chức một cuộc tham vấn công dân quốc gia về 5G.

Về mức độ phơi nhiễm tần số vô tuyến và 5G, theo báo cáo trên, các giá trị giới hạn đối với việc tiếp xúc với sóng điện từ từng là chủ đề nghiên cứu của Ủy ban Quốc tế về bảo vệ bức xạ không Ion hóa (ICNIRP), một tổ chức phi chính phủ quốc tế từ năm 1998.

ICNIRP thiết lập các giá trị giới hạn phơi nhiễm này trên cơ sở các tác động có hại duy nhất đã được chứng minh ngày nay: Đó là tác động nhiệt lên các mô, đối với phơi nhiễm xa (ăng-ten) cũng như phơi nhiễm gần (thiết bị đầu cuối).

ICNIRP suy ra các giá trị giới hạn phơi nhiễm của một đơn vị khối lượng mô sinh học đối với công suất điện từ bằng cách áp dụng các hệ số giảm nhằm đảm bảo biên độ an toàn, sau đó đặt các mức tham chiếu của trường điện từ có thể được đo tại chỗ.

Các kết quả nghiên cứu của ICNIRP (được xem xét lại vào 3/2020) là tài liệu tham khảo cho WHO, Liên minh châu Âu (EU) và phần lớn các quốc gia, bao gồm cả Pháp để xây dựng thành các quy định.

Ngoài ra, Pháp còn giới thiệu một loạt các thiết bị bổ sung để hạn chế hơn nữa sự phơi nhiễm nơi công cộng ngoài nghĩa vụ tuân thủ các giá trị giới hạn phơi nhiễm. Pháp cũng đã đưa ra các biện pháp để giám sát và kiểm soát mức độ phơi nhiễm ở những nơi dân cư và phát sóng từ các trạm.

Ở Pháp, các phép đo phơi nhiễm hiện tại thấp hơn nhiều so với giá trị giới hạn do các quy định đặt ra và giá trị trung bình giới hạn phơi nhiễm thay đổi rất ít trong những năm gần đây.

Tổng cộng, dưới 1% phép đo phơi nhiễm do cơ quan tần số quốc gia (ANFR) thực hiện vượt quá mức được sử dụng cho cái gọi là "điểm không điển hình", nghĩa là chịu trường lớn hơn 6 V/m, giá trị thấp hơn mười lần so với mức tham chiếu của ICNIRP tương ứng với các băng tần tương lai của 5G.

Tuy nhiên, rất khó để đo lường mức độ tiếp xúc liên quan đến việc sử dụng (có nghĩa là tiếp xúc với thiết bị đầu cuối). Ngoài ra, ANFR còn thực hiện giám sát việc tuân thủ các quy định đối với các loại điện thoại được bán trên thị trường.

Cơ quan chức năng Pháp thừa nhận việc đánh giá sự phát triển mức độ phơi nhiễm của 5G là rất phức tạp.

Các yếu tố có sẵn ngày nay cho phép đánh giá việc đưa 5G ở băng tần 3,5 GHz với các ăng-ten hoạt động sẽ không tạo ra sự gián đoạn về khả năng phơi nhiễm ở các khu vực thành thị, so với những thay đổi được quan sát thấy với các mạng hiện có, nhưng có thể góp phần làm tăng số lượng các điểm không điển hình nên cần được đặc biệt chú ý.

Việc sử dụng lại băng tần xung quanh 26 GHz sẽ dẫn đến các hiệu ứng mới vẫn còn được ghi nhận.

Liên quan đến ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe của tần số vô tuyến và 5G, báo cáo cho rằng không có các tác động tiêu cực được phát hiện trong thời gian ngắn đối với công chúng cũng như đối với những người lao động, tức là các tác động nhiệt có hại lên các mô, dưới giá trị giới hạn phơi nhiễm được ICNIRP khuyến nghị.

Các tác động lâu dài có thể có như gây ung thư hay không thì phần lớn chưa được chứng minh. Đây cũng là quan điểm của nhiều nghiên cứu được công bố từ những năm 1950 ở Pháp và trên thế giới về ảnh hưởng của tần số vô tuyến đối với sức khỏe con người.

Tuy nhiên, giới khoa học vẫn tiếp tục các cuộc tranh luận về tác động của 5G đối với vấn đề sức khỏe con người, đặc biệt là về những ảnh hưởng lâu dài.

Báo cáo cũng khẳng định cho đến nay cũng chưa chứng minh được tác động nào đối với trẻ em, trong đó có cả ảnh hưởng đến nhận thức. Hơn nữa, mối liên hệ nhân quả giữa sóng điện từ và chứng quá mẫn cảm với điện từ ở người chưa được chứng minh.

Các cơ quan kiểm soát và y tế cũng đồng tình khi không có tác động sức khỏe cụ thể của 5G dưới các giá trị giới hạn phơi nhiễm. Tuy nhiên, một số cơ quan nghiên cứu của Đức, Hà Lan hay Thụy Sỹ lại cho rằng công nghệ 5G khác biệt hoàn toàn so với các công nghệ trước đây để nó trở nên cần thiết, đối với tần số khoảng 26 GHz, vượt xa các nghiên cứu đã thực hiện thế hệ trước.

Trong mọi trường hợp, hầu hết các cơ quan đều khớp những phát hiện của họ với những khuyến nghị về nghiên cứu và thông tin.

Rõ ràng những đánh giá trên của các cơ quan chức năng Pháp tuy không chi tiết và cụ thể, nhưng có ý nghĩa khuyến nghị chung trong lĩnh vực thông tin và phòng ngừa, nghiên cứu và giám sát phơi nhiễm.

Báo cáo củng cố các thông điệp dành cho công chúng nói chung, đặc biệt là giới trẻ, về việc sử dụng đúng thiết bị đầu cuối và đo lường tác động của 5G; hài hòa nội dung của các thông tin trên mạng về "tiếp xúc với tần số vô tuyến và sức khỏe".

Báo cáo cũng củng cố các kết quả nghiên cứu và đánh giá của các cơ quan nghiên cứu về ảnh hưởng đối với sức khỏe của sóng điện từ, đặc biệt là trên các dải tần khoảng 26 GHz và các giao thức đo mức độ phơi nhiễm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục