Pháp rời khỏi khu vực đồng euro: Được hay mất? (Phần 1)

05:30' - 01/05/2017
BNEWS Việc Pháp từ bỏ đồng euro có thực sự đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế lớn thứ 2 Liên minh châu Âu này như lập trường của ứng cử viên Tổng thống Marine Le Pen.
Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen. Ảnh: THX/ TTXVN

Việc Pháp từ bỏ đồng euro và ra khỏi Eurozone không phải là phép lạ đem lại tăng trưởng kinh tế, cũng không giúp giải quyết bài toán thất nghiệp và không hẳn có lợi cho xuất khẩu. Đó là nhận định của Phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế của Pháp – CEPII, bà Anne-Laure Delatte.

Trong vòng một của cuộc bầu cử tổng thống Pháp, ứng viên của đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (FN) Marine Le Pen đã về nhì trong cuộc chạy đua vào điện Elysée. Bà Le Pen được cho là có lập trường bài châu Âu rõ rệt, với chủ trương từ bỏ đồng euro để quay lại với đơn vị tiền tệ cũ của Pháp là đồng franc.

Với nữ ứng cử viên Tổng thống này, ra khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)  là liều thuốc diệu kỳ, khi đó, đồng tiền Pháp sẽ được phá giá và là bàn đạp cho lĩnh vực xuất khẩu. Paris lại có thể thanh toán nợ công cho nước ngoài bằng đồng franc.

Căn cứ vào nghiên cứu mới nhất của CEPII, chuyên gia kinh tế Anne-Laure Delatte cho rằng không nên vơ đũa cả nắm khi kết luật rằng từ bỏ đồng euro có lợi cho cán cân thương mại của Pháp.

Để hiểu rõ hậu quả của việc Pháp từ bỏ đồng euro và quay trở lại với một đơn vị tiền tệ cũ là đồng franc, CEPII đặt câu hỏi: nếu như ra khỏi Eurozone thì đồng tiền của Pháp có bị phá giá hay không?

Đây là lập luận chính của phe đòi Frexit, thuật ngữ ám chỉ khả năng Pháp rời Eurozone. Nghiên cứu của CEPII cho thấy trong trường hợp Paris từ bỏ đồng euro, đơn vị tiền tệ sắp tới của Pháp sẽ mất giá so với bốn nước, gồm Đức, Ai Len, Hà Lan và Luxembourg. Ngược lại với 14 đối tác còn lại trong khu vực Eurozone, đồng tiền Pháp lại tăng giá.

Ngoài ra CEPII cũng dựa trên giả thuyết là nếu Pháp từ bỏ đồng tiền chung châu Âu, thì Eurozone sẽ tan rã, nghĩa là sẽ có những nước khác theo chân Pháp ra khỏi liên minh tiền tệ này.

Từ điểm khởi đầu đó và giả thuyết khu vực đồng euro tan rã, nghiên cứu của CEPII cho phép đưa ra những kết luận như sau.

Pháp rời khỏi khu vực đồng euro: Được hay mất? Ảnh: Reuters

Thứ nhất, trong trường hợp Frexit, đơn vị tiền tệ của Pháp tăng giá so với 14 nước còn lại trong Eurozone như Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… mà đó lại là những thị trường mua vào hàng hóa của Pháp. Điều này có nghĩa là hàng Pháp bán sang các thị trường này sẽ đắt hơn. Từ bỏ đồng euro gây thiệt hại về xuất khẩu cho Pháp đối với những quốc gia này.

Ngược lại, so với Đức, Hà Lan hay Ai Len và Luxembourg, tiền Pháp lại mất giá. Cán cân thương mại giữa Pháp và Đức cho thấy Pháp nhập hàng của Đức nhiều hơn là xuất khẩu sang nước này. Đồng tiền mất giá, có nghĩa là người Pháp phải mua hàng của Đức với giá đắt hơn. Tóm lại về mặt trao đổi mậu dịch, không hẳn là cứ từ bỏ đồng euro là có lợi cho cán cân thương mại của Pháp.

Thứ hai, xét đến ngành du lịch, với những quốc gia nào mà đồng tiền Pháp bị mất giá, khách du lịch của khu vực đó sẽ có xu hướng chọn Pháp làm điểm đến nhiều hơn. Thống kê cũng cho thấy khách châu  u sang Pháp đông nhất là Đức, Hà Lan. Nói cách khác, các dịch vụ du lịch, nhà hàng hay khách sạn ở Pháp sẽ dễ dàng thu hút khách tham quan đến từ các nước “phía Bắc”.

Tuy nhiên, từ khi 18 và rồi 19 nước trong EU sử dụng chung một đồng tiền, đi lại trong Eurozone không còn gặp khó khăn để đổi tiền, đó cũng là một yếu tố khuyến khích du lịch. Không sử dụng đồng euro nữa, lợi thế đó sẽ không còn.

Điểm thứ ba, theo CEPII, việc từ bỏ đồng euro sẽ tạo ra bất lợi cho nông dân Pháp. Một phần lớn sản lượng nông phẩm làm ra là để xuất khẩu sang các nước châu Âu. Pháp đặc biệt xuất khẩu các mặt hàng này sang Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha hơn là sang Đức hay Luxembourg.

Xem thêm:

>> Pháp rời khỏi khu vực đồng euro: Được hay mất? (Phần 2)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục