Phát triển kinh tế hướng biển trên nền tăng trưởng xanh

15:13' - 08/06/2019
BNEWS Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển tại Việt Nam.
Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh - điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN

Quảng Ninh nằm ở địa đầu vùng Đông Bắc Việt Nam, hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù về địa hình, tự nhiên, xã hội, kinh tế, con người Việt Nam: Có rừng, biển, sông núi, có đường biên giới đất liền, biên giới biển và có đường biển thông ra thế giới. Đây là điều kiện, là cơ hội tốt để Quảng Ninh đã và đang thực hiện phát triển kinh tế biển bền vững.
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 36-NQ/TW), Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 27-Ctr/TU ngày 27/3/2019.

Theo đó, Quảng Ninh đặt nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế biển bền vững và tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực công nghiệp sang khu vực dịch vụ gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Tỉnh phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Thành tựu đa dạng về kinh tế biển, đảo
Sau 10 năm triển khai kinh tế biển theo các mục tiêu đã đề ra của Đảng, Chính phủ cùng các quy hoạch chiến lược của tỉnh, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 10,16%, cao hơn dự kiến trong kịch bản tăng trưởng.

Cơ cấu kinh tế chuyến dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ và giảm tỉ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - thủy sản. Kinh tế ven biển và biển đảo tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành, lĩnh vực, quốc phòng, an ninh được đảm bảo.
Về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng nhiều dự án, công trình mang tính chiến lược nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế biển, đảo.

Phát triển kinh tế biển đã có những kết quả tích cực và đóng góp quyết định cho tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỉnh đã chú trọng công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, cơ sở dịch vụ du lịch, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các khu du lịch biển đảo.

Ngành Du lịch của tỉnh có bước tiến quan trọng, diện mạo được thay đổi nhanh chóng. Tỉnh đã tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh; ưu tiên nguồn vốn vay cho đóng tàu đánh bắt xa bờ.
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, hoạt động vận tải hàng hóa qua các cảng biển tăng khá, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước năm 2018 đạt 63,4 triệu tấn, tăng 16,1% so với năm 2017.

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi đạt 13,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2017. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 74,3 triệu tấn, tăng 39%. Thu phí và lệ phí cảng dịch vụ đạt 389,7 tỷ đồng đồn, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2017.
Về khai thác và chế biến hải sản, sản lượng khai thác hải sản tăng qua từng năm. Tổng sản lượng thủy sản năm 2018 ước đạt 124.282 tấn tăng 6,1% so với năm 2017, trong đó khai thác đạt 64.922 tấn, tăng 3,2%, sản lượng nuôi trồng đạt 59.360 tăng 9,4%. Sản xuất, cung ứng giống thủy sản đạt 880 triệu con giống.

Đến nay, toàn tỉnh hiện có 8.413 tàu cá, trong đó tàu công suất 90 CV trở lên hiện có 599 tàu. Đến năm 2020, tỉnh điều chỉnh cơ cấu tàu cá theo hướng giảm tàu cá có công suất nhỏ hoạt động tại vùng biển ven bờ, tăng số lượng tàu cá có công suất lớn hoạt động vùng biển xa bờ. Mặt khác, các nhà máy chế biển thủy sản có tổng công suất chế biến đạt khoảng 7.500 tấn/năm.
Du lịch biển đảo Quảng Ninh đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện, có sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước. Trong tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh có khoảng 70% tham gia các tour tuyến biển đảo.

Quảng Ninh đã và đang mở rộng phát triển và hình thành các sản phẩm du lịch mới ra các tuyến đảo như Vân Đồn, Cô Tô, Vịnh Bái Tử Long, Cái Chiên. Trong đó, tỉnh ưu tiên xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch và dịch vụ biển cao cấp, độc đáo, chất lượng cao có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Các khu công nghiệp ven biển của tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được tổng số 83 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1.714 triệu USD của 33 dự án FDI và 13.725 tỷ đồng của 50 dự án trong nước.

Mặt khác, Đề án bổ sung quy hoạch và thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên của tỉnh đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Chính phủ. Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được Quốc hội, Chính phủ xem xét.
Trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng ven biển, tính đến hết năm 2018, các công trình được đầu tư là các công trình thiết yếu và cấp bách để phục vụ đời sống dân sinh trên biển đảo và vùng ven biển, đảm bảo tính chiến lược về kinh tế, quốc phòng tạo nền tảng để kêu gọi thu hút vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn, cụ thể: Hoàn thành đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, nâng cấp quốc lộ 18A đoạn Mông Dương - Móng Cái, đang chuẩn bị khởi công  đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

Tỉnh đã xây dựng hệ thống đường trên các xã đảo bao gồm đường nhựa và bê tông, chưa kể một số đường liên thôn xóm đã được đầu tư nâng cấp, một số tuyến đường mang tính chiến lược. Tỉnh quan tâm củng cố các cơ sở giáo dục và các cơ sở y tế, nâng tổng số phòng học và giường bệnh tại khu vực hải đảo; hệ thống kênh mương thủy lợi, hồ chứa nước dùng cho sản xuất và sinh hoạt; xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, phủ sóng phát thanh truyền hình, xây dựng, củng cố các đồn trạm biên phòng, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ chiến sỹ và bà con trên đảo.

Các dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô và 5 xã đảo huyện Vân Đồn không chỉ là sự kiện quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, nhân dân huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn mà còn là sự kiện của cả nước thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho đồng bào các đảo. Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn đạt cấp 4E được triển khai theo hình thức BOT đang tích cực triển khai để hoàn thiện trong năm 2018.
Phát triển kinh tế biển trên nền tăng trưởng xanh
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển tại Việt Nam; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục vụ và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.
Về định hướng Chiến lược, Quảng Ninh đề ra đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Xây dựng phát triển khu kinh tế ven biển; Nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững; Công nghiệp ven biển theo hướng thân thiện môi trường; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Các công trình lớn do tư nhân đầu tư đem lại sự phát triển bứt phá cho du lịch Quảng Ninh

Theo đó, định hướng xây dựng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế, trong đó, phát triển thành phố Hạ Long thành thành phố du lịch biển hiện đại và văn minh, đưa Vân Đồn - Cô Tô trở thành trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao, trung tâm công nghiệp giải trí đẳng cấp khu vực, phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp giải trí đạt đẳng cấp quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá; hình thành ba trung tâm nghề cá trọng điểm gắn với vùng nuôi trồng thủy sản và ngư trường trọng điểm, phát huy lợi thế chiến lược để Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ cho phát triển kinh tế biển; đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành địa phương phát triển kinh tế mạnh, bền vững về kinh tế hàng hải; hình thành trung tâm dịch vụ hàng hải khu vực Đông Bắc của Việt Nam.
Một định hướng quan trọng được tỉnh Quảng Ninh đề ra là đến năm 2030, phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển. Khu kinh tế ven biển phải đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng, trọng tâm là khu kinh tế Vân Đồn, Móng Cái, Quảng Yên.

Đổi mới tư duy trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống đô thị ven biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh.
Quảng Ninh đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tỉnh quan tâm phát triển một số ngành kinh tế biển dựa vào lợi thế tài nguyên biển, đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển...
Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 36-NQ/TW để xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành kinh tế biển; trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo Quảng Ninh Vũ Nam Phong cho biết, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 27-Ctr/TU ngày 27/3/2019 với các nội dung cụ thể như: Phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân dựa trên phát huy và khai thác toàn diện tiềm năng, thế mạnh biển Quảng Ninh; phát triển kinh tế biển bền vững và tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực công nghiệp sang khu vực dịch vụ gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Theo đó, Quảng Ninh tập trung phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng: tăng cường quản lý tổng hợp, liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế biển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh và phát huy tiềm năng, lợi thế của biển.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ được đặt ra là phát triển kinh tế biển gắn với giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa vùng biển Quảng Ninh; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Tỉnh đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển; gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu./. 

>>> Phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hai dự án trên vịnh Hạ Long

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục