Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ liệu có làm thay đổi cục diện chính trị toàn cầu? (Phần 2)

06:30' - 22/07/2018
BNEWS Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết của việc giữ liên lạc liên tục ở mọi cấp độ và nhận lời mời của Thủ tướng Modi tham gia một cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức tiếp theo.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN

Liên quan đến lĩnh vực chính trị, các bộ trưởng quốc phòng và an ninh quốc gia của Trung Quốc sẽ có các chuyến thăm Ấn Độ trong năm 2018. Các quan chức đại diện đặc biệt sẽ tiếp tục thảo luận về những vấn đề tranh chấp biên giới đất liền giữa hai nước có thể xảy ra. 

Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã nhất trí hợp tác trong một dự án chung tại Afghanistan. Trung Quốc và Pakistan, quốc gia láng giềng ở phía Tây của Ấn Độ, đã bắt tay trong hoạt động xây dựng một dự án kết nối ở Afghanistan.
Giờ đây, Thủ tướng Modi đã lên tiếng ủng hộ cho các dự án kết nối hạ tầng giữa các quốc gia nói chung, song vẫn lạnh nhạt với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Bắc Kinh khởi xướng. Tại hội nghị thượng đỉnh SCO diễn ra vào ngày 10/6, New Delhi đã không tham gia cùng các thành viên khác trong việc ủng hộ BRI trong Tuyên bố Thanh Đảo.
Ấn Độ phản đối BRI vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, New Delhi hoài nghi về khả năng các dự án BRI được lên kế hoạch và thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch và khả năng tài chính của cả Trung Quốc và các nước đối tác.

Thứ hai, Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), một dự án trong khuôn khổ BRI, chạy qua một khu vực do Islamabad kiểm soát mà Ấn Độ coi là lãnh thổ có chủ quyền của nước này.
Cùng với việc Pakistan cũng trở thành một thành viên của SCO trong cùng một ngày như Ấn Độ, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để SCO có thể dung hòa quan hệ căng thẳng giữa hai nước láng giềng này?
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào ngày 10/6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thừa nhận tồn tại “các vấn đề và xung đột chưa được giải quyết trong lịch sử và hiện tại" giữa Ấn Độ và Pakistan, song SCO “cung cấp cho hai nước một nền tảng tốt hơn và các cơ hội để xây dựng mối quan hệ”.

Trên hết, Ấn Độ và Pakistan “gánh vác trách nhiệm thực hiện” Hiệp ước nội bộ của SCO về các mối quan hệ láng giềng, tình hữu nghị và hợp tác, theo ông Vương Nghị.
Mặt khác, các nhà bình luận Trung Quốc đang tìm kiếm triển vọng Ấn Độ có thể tham gia vào cuộc diễn tập quân sự sắp tới của SCO mang tên Sứ mệnh Hòa bình 2018. Có thể nói, sự quan tâm và thái độ của Ấn Độ và Pakistan đối với các vấn đề chống khủng bố, lần đầu tiên trong khuôn khổ của SCO, là chủ đề được theo dõi đặc biệt của giới quan sát.
Nhìn chung, quan hệ Trung-Ấn sẽ đóng vai trò định hình SCO nhiều hơn là sự tương tác Ấn Độ-Pakistan, bởi Bắc Kinh - quốc gia đồng sáng lập SCO, có những ảnh hưởng nhất định đối với Islamabad trên sân khấu quốc tế.

Mẫu số chung trong hợp tác Trung-Ấn có thể thấy, đó là quan điểm tương đồng giữa hai nước trong việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách đáp trả Washington trong cuộc chiến thuế quan mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump châm ngòi.

Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ địa chính trị có thể vượt qua sự đồng thuận kinh tế Trung-Ấn nếu Trung Quốc tiếp tục trân trọng mối quan hệ của mình với Pakistan theo cùng cách thức mà Mỹ đã ưu ái Israel.
Tác giả bài viết nhấn mạnh hai khía cạnh đáng chú ý của địa chính trị Trung Quốc-Ấn Độ. Thứ nhất, các nguồn tin ngoại giao Trung Quốc đã tiết lộ rằng Nga, chứ không phải Trung Quốc, đã đề nghị đưa Ấn Độ vào SCO.

Sau đó, Bắc Kinh chấp thuận đề xuất này bất chấp mối quan hệ nhạy cảm với New Delhi, chủ yếu là do quan hệ nồng ấm Trung-Nga và những nỗ lực không ngừng của Trung Quốc nhằm tạo dựng các mối quan hệ quốc tế mới.
Thứ hai, có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là khi Thủ tướng Modi tham gia hội nghị thượng đỉnh SCO ở Trung Quốc ngày 10/6, hải quân Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận thường niên Malabar cùng hải quân Mỹ và Nhật Bản ngoài khơi đảo Guam từ ngày 7-17/6.
Đối với Trung Quốc, các yếu tố phức tạp mà nước này phải đối mặt hiện nay bao gồm xung đột kinh tế-chính trị trong quan hệ Mỹ-Trung cũng như sự lựa chọn mang tính biểu tượng về địa điểm của cuộc tập trận Malabar (tại vành đai Ấn Độ-Thái Bình Dương).

Do đó, quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ bên trong và bên ngoài SCO có thể là một biến số chính trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục