Quảng Ngãi nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025

11:54' - 03/07/2021
BNEWS Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức Hội nghị cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo, phân tích PCI của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, PCI của Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020 có sự cải thiện tích cực về điểm số, trong đó năm 2019 đạt mức điểm cao nhất kể từ năm 2006 đến nay với tổng số 64,33 điểm.

Về thứ hạng, trong giai đoạn 2016-2020, PCI của tỉnh có sự tăng giảm giữa các năm. Cụ thể, năm 2016 xếp hạng thứ 26, năm 2017 tăng lên xếp hạng thứ 25; tuy nhiên, trong hai năm 2018-2019 lại giảm đáng kể và đều xếp thứ hạng 41; đến năm 2020 tăng lên 5 bậc, xếp thứ hạng thứ 36 trên bảng xếp hạng PCI của cả nước.

Quan sát 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020, có thể nhận thấy rõ, một số chỉ số đã có sự cải thiện đáng kể. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số tính minh bạch. Bốn năm liên tiếp (2016-2019), chỉ số tính minh bạch của tỉnh đều đứng vào top 10 của cả nước.

Năm 2020, chỉ số này đứng thứ 13 và là chỉ số có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số thành phần của tỉnh Quảng Ngãi. Đặc biệt hơn, đây là chỉ số thành phần duy nhất có điểm số cao hơn điểm trung vị của cả nước trong 5 năm liên tiếp (2016-2020).

Điều tra PCI trong những năm qua ghi nhận các doanh nghiệp thuận lợi hơn nhiều trong việc tiếp cận thông tin. Tỷ lệ doanh nghiệp nhận được thông tin, văn bản sau khi đề nghị cơ quan nhà nước của tỉnh cung cấp tăng từ 73% năm 2017 lên 74% năm 2020; tỷ lệ cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh giảm từ gần 66% năm 2016 xuống 59% năm 2020.

Hiệp hội doanh nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong xây dựng chính sách, quy định của tỉnh từ hơn 35,4% năm 2016 tăng lên 43% năm 2020.

Môi trường kinh doanh bình đẳng tiếp tục được cải thiện thông qua sự tăng vọt của chỉ số cạnh tranh bình đẳng, từ thứ hạng 60 năm 2017 đã tăng lên 9,75 điểm, đứng thứ hạng 24 vào năm 2020.

Cùng với đó, chỉ số tính năng động của tỉnh cũng liên tục được cải thiện về điểm số và thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI, từ mức điểm 4,04 năm 2016 tăng lên 6,75 điểm năm 2020 và xếp hạng từ 59 lên hạng 24.

Năm 2020 có 73% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Ủy ban nhân dân tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân”; 62% doanh nghiệp nhận thấy “Ủy ban nhân dân tỉnh năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh”; 43% doanh nghiệp cho rằng thái độ của chính quyền tỉnh với khu vực kinh tế tư nhân là tích cực, con số này tăng đáng kể so với năm 2016 (chỉ đạt 29,42%)…

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, các đại biểu tham dự hội nghị cũng thẳng thắn nêu ra những mặt tồn tại, hạn chế liên quan đến chỉ số thành phần PCI, từ đó tìm hướng tháo gỡ, đề xuất các giải pháp để tăng điểm số và tăng thứ hạng trong thời gian tới.

Có thể “điểm mặt” đến chỉ số tiếp cận đất đai. Trong 5 năm qua (2016 - 2020), chỉ số này có điểm số tăng, giảm không ổn định, luôn thấp hơn điểm trung vị của cả nước (trừ năm 2017).

Điều đó thể hiện qua con số, doanh nghiệp gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch chiếm đến 33%; có đến 42% doanh nghiệp tiếp cận thông tin về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng; việc giải phóng mặt bằng chậm chiếm đến 26%, cao hơn so với cả nước; tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính đất đai trong vòng 2 năm qua không gặp khó khăn chỉ đạt 27%, còn rất thấp so với các tỉnh, thành phố trong cả nước; số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn lâu, lên đến 30 ngày.

Song song với đó là chỉ số chi phí thời gian. Theo điều tra PCI, chỉ số chi phí thời gian giai đoạn 2016-2020 là một trong những chỉ số thành phần có sự chuyển biến thiếu ổn định về điểm số và thứ hạng. Đa phần điểm số và thứ hạng năm sau đều giảm so với năm trước và không ổn định.

Thống kê cho thấy, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục chiếm tỷ lệ thấp, chỉ đạt 68%; số giờ trung vị làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế tăng đáng kể, từ 7,5 giờ năm 2016 lên 24 giờ năm 2020, cao hơn  nhiều so với giờ trung vị của cả nước (2 giờ).

Các cuộc thanh, kiểm tra tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp chiếm đến 20%, đây là con số cao so với một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trung, Quyền giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho rằng, tỉnh cần có sự thay đổi, có chế tài đối với trường hợp người dân đòi hỏi mức đền bù “trên trời”, quá quy định, phi thực tiễn, nếu không rất khó hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc thẩm định, chuyển mục đích, giao đất cho nhà đầu tư phải thực hiện nghiêm túc để tránh rủi ro cho nhà đầu tư. Sở cũng cam kết sẽ rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ thể là 28 ngày đối với thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không quá 20 ngày đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.

Ông Ngô Văn Trọng, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi kiến nghị, tỉnh cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cán bộ địa chính ở cấp sở, cấp huyện, cấp xã vì hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là về chuyên môn, lĩnh vực mình phụ trách. Tỉnh cần nhanh chóng số hóa 2 lĩnh vực là đất đai và quy hoạch xây dựng để làm tăng tính minh bạch, để chính quyền, doanh nghiệp đều biết, theo dõi, giám sát.

Nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là do mức độ am hiểu pháp luật, các chính sách, quy định của nhà nước của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, nên việc thực hiện các quy định hồ sơ, thủ tục hành chính còn chậm; một số doanh nghiệp được chọn tham gia đánh giá PCI có tình hình phát triển sản xuất, kinh doanh chưa tốt, thiếu sự ổn định hoặc có dự án đầu tư bị thu hồi, dẫn đến tham gia trả lời khảo sát PCI có tâm lý tiêu cực, chưa thực sự khách quan.

Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ mong muốn, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành của tỉnh cần quan tâm, chú ý nhiều hơn đến nguyện vọng thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp; ban hành những quyết sách, chủ trương lớn có sức hút, tạo động lực, điểm tựa để doanh nghiệp yên tâm trong hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành trong tỉnh thời gian qua; nhấn mạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP (trước đây là Nghị quyết 19) của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã tạo ra sự thay đổi tích cực trên thực tế, thể hiện rõ từ đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Đặng Văn Minh khẳng định, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi luôn thể hiện tinh thần cầu thị, quan tâm, lắng nghe và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã rất tích cực, quyết liệt trong việc ban hành các chương trình, kế hoạch hành động về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển từ cấp tỉnh xuống huyện, thị xã, thành phố; thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm, cụ thể mọi vấn đề, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp.

Ông Đặng Văn Minh yêu cầu, thời gian tới các sở, ngành, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao tính tiên phong, năng động; không ngừng nhận diện điểm mạnh để tích cực phát huy; điểm yếu để tìm ra các giải pháp khắc phục, cải thiện, hướng tới tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; đạt mục tiêu lọt vào top 10, top 20 trên bảng xếp hạng PCI của cả nước mà tỉnh đã đề ra…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục