Quốc gia Tây Âu đầu tiên áp đặt trở lại lệnh phong tỏa

12:04' - 22/11/2021
BNEWS Chính phủ Áo cho biết đợt phong tỏa lần này tương tự như những lần trước, nhưng là lần đầu tiên kể từ khi các chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh được triển khai rộng rãi.

Ngày 22/11, Áo bắt đầu thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc thứ 4 với việc tạm dừng các hoạt động công cộng, trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên áp đặt trở lại lệnh phong tỏa trong mùa Thu này do tình trạng gia tăng đáng báo động trở lại các ca nhiễm mới COVID-19.

Chính phủ Áo cho biết đợt phong tỏa lần này tương tự như những lần trước, nhưng là lần đầu tiên kể từ khi các chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh được triển khai rộng rãi.

Theo quy định mới, hầu hết các đia điểm tập trung đông người như nhà hàng, quán cà phê, quầy bar, rạp hát, cửa hàng không thiết yếu và tiệm làm tóc phải đóng cửa trong 10 ngày đầu và có thể kéo dài lên đến 20 ngày.

Các chợ Giáng sinh, nơi thu hút lượng lớn khách du lịch, phải đóng cửa ngay khi vừa mới mở, trong khi khách sạn sẽ không đón tiếp những khách du lịch từ nơi khác tới. Tuy nhiên, dịch vụ thang máy lên núi trượt tuyết vẫn phục vụ cho những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ.

Người dân có thể ra khỏi nhà với một số lý do như đi làm hoặc mua những sản phẩm thiết yếu. Người dân cũng được phép đi bộ mà không hạn chế thời gian hoặc khu vực đi lại. Mỗi gia đình chỉ được phép đại diện một người khi tiếp xúc với người ngoài. Nơi làm việc và trường học vẫn mở cửa, nhưng chính phủ khuyến khích các phụ huynh nên cho trẻ em ở nhà.

Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Y tế Wolfgang Mueckstein cho biết đây là tình huống mà Áo cần phản ứng ngay lập tức và việc áp đặt các biện pháp ngăn chặn tương đối phiền toái này là lựa chọn duy nhất để giảm thiểu các ca nhiễm.

 

Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 21/11, hàng nghìn người đã tuần hành tại thủ đô Brussels (Bỉ) để phản đối việc chính phủ siết thặt thêm nữa các biện pháp sức phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là việc áp dụng giấy chứng nhận an toàn với COVID-19. Một số ý kiến cho rằng các biện pháp này chính là yếu tố gây chia rẽ xã hội. 

Với trung bình gần 10.300 ca nhiễm mới/ngày trong tuần qua, Bỉ đang ghi nhận tốc độ lây lan chưa từng thấy trong một năm qua. Hơn 2.000 bệnh nhân nhập viện, trong đó 25% phải điều trị tích cực - con số cao nhất kể từ tháng 5.

Tình trạng này khiến chính phủ liên bang quyết định siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 kể từ ngày 20/11 như bắt buộc đeo khẩu trang tại những địa điểm công cộng đối với người từ 10 tuổi trở lên; từ ngày 1/1/2022, nhân viên y tế bắt buộc phải tiêm vaccine phòng bệnh, những người từ chối sẽ bị sa thải; giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 được yêu cầu tại tất cả các sự kiện văn hóa, thể thao… trong nhà và ngoài trời tập trung từ 50 người trở lên.

Đồng thời, chế độ làm việc từ xa cũng áp đặt trở lại với những ngành nghề phù hợp.

Trong khi đó, tuần hành tương tự cũng diễn ra tại quốc gia láng giềng Hà Lan. Kể từ ngày 13/11, Chính phủ Hà Lan ra lệnh áp dụng lệnh phong tỏa một phần toàn bộ đất nước trong vòng 3 tuần nhằm ngăn chặn đà lây nhiễm của dịch.

Các biện pháp hạn chế chủ yếu liên quan đến lĩnh vực nhà hàng. Những người chưa tiêm chủng cũng bị cấm đến các địa điểm công cộng như quán rượu, nhà hàng./.

>>>Sống chung an toàn với COVID-19: Những vùng sáng-tối đan xen

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục