Quốc hội Mỹ điều trần công khai về việc vận động tranh cử của ông Trump

11:46' - 08/03/2017
BNEWS Quốc hội sẽ mở phiên điều trần công khai đầu tiên về mối liên hệ giữa nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump và Chính phủ Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Chủ tịch Ủy ban tình báo hạ viện Mỹ Devin Nunes thông báo mở phiên điều trần công khai về mối liên hệ giữa ông Trump và đại sứ của Nga Kislvak trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ. Ảnh: AFP

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes thông báo, phiên điều trần công khai này sẽ được tiến hành vào ngày 20/3 tới đây.

Tham dự phiên điều trần sẽ có các quan chức tình báo hàng đầu bao gồm Giám đốc FBI James Comey, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mike Rogers, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương John Brennan, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper và cựu Bộ trưởng Tư pháp tạm quyền Sally Yates.

Phiên điều trần sẽ xem xét một loạt vấn đề bao gồm các cáo cuộc liên lạc giữa quan chức Nga với một số thành viên của nội các Tổng thống Trump, các thông tin rò rỉ ra ngoài công chúng và cả cáo buộc của người đứng đầu Nhà Trắng về việc cựu Tổng thống Barack Obama theo dõi điện thoại tại Tháp Trump.

Ngày 7/3, Nhà Trắng đã bác bỏ thông tin về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak tại Washington trong thời gian tranh cử tổng thống hồi năm ngoái.

Trả lời báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết có nhiều đại sứ các nước đã tới nghe buổi phát biểu về chính sách đối ngoại của ông Trump do Trung tâm Lợi ích Quốc gia tổ chức vào ngày 27/4/2016.

Tại đây, ông Trump đã có mặt ở buổi tiếp đón khách khoảng 5 phút và đã bắt tay với một số nhân vật. Tuy nhiên, các cuộc tiếp xúc này rất ngắn ngủi và không rõ trong số những người này có Đại sứ Kislyak hay không.

Đại sứ quán Nga tại Washington hiện chưa đưa ra bình luận.

Các đại sứ quán tại Washington thường theo sát các ứng cử viên tổng thống Mỹ trong chiến dịch tranh cử để tìm hiểu về đường hướng ngoại giao của họ.

Thông tin về sự tiếp xúc giữa ông Trump và Đại sứ Kislyak là cáo buộc mới nhất nhằm vào Chính quyền Tổng thống Trump về mối liên lạc gây tranh cãi giữa nhiều thành viên nội các mới và giới chức Nga.

Trước đó, ngày 2/3, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã tuyên bố ông sẽ đứng ngoài các cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 sau khi truyền thông đưa tin quan chức này từng bí mật liên lạc với Đại sứ Kislyak.

Hồi trung tuần tháng 2, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn đã phải từ chức chỉ 3 tuần sau khi ông được bổ nhiệm, trong bối cảnh bị cáo buộc là đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Đại sứ Nga trước khi ông Trump nhậm chức.

Các cơ quan tình báo Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang điều tra những cáo buộc trên. Chính quyền Tổng thống Trump vẫn luôn bác các thông tin về những trao đổi gây tranh cãi giữa quan chức trong nội các và quan chức Moskva./.

>>>Chưa có bằng chứng chiến dịch tranh cử của ông Trump liên quan tới Nga

>>>WikiLeaks hé lộ "góc khuất" phía sau chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục