Quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị lớn - Bài 2: Cần giải pháp đồng bộ

20:07' - 09/11/2016
BNEWS Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT: "Thành phố Hồ Chí Minh cần phải tổ chức lại các tuyến, luồng giao thông từ các trục hướng tâm vào thành phố một cách cụ thể".
Nhiều tuyến đường Tp Hồ Chí Minh ngập sâu sau những trận mưa liên tiếp. Ảnh: TTXVN

“Với đặc thù về vị trí địa lý, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những hạn chế trong quản lý quy hoạch đã khiến Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có vấn đề quy hoạch giao thông”, là đánh giá của ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) khi trả lời phỏng vấn phóng viên BNEWS/TTXVN xung quanh các giải pháp giải quyết những tồn tại về giao thông đô thị tại Thành phố. Hồ Chí Minh hiện nay.
BNEWS: Ông có thể cho biết quy hoạch phát triển giao thông vận tải; trong đó có giao thông đô thị của Tp. Hồ Chí Minh hiện nay?
Ông Lê Đỗ Mười: Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và điều chỉnh năm 2013, trong quy hoạch này đã đưa ra tổng thể bức tranh phát triển giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Đặc biệt, quy hoạch trên đã bám sát với quy hoạch chung về xây dựng của Thành phố. Hồ Chí Minh và quy hoạch phát triển khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là địa phương giữ vị trí trọng tâm để phát triển.
Trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã đề cập đến các loại hình giao thông như: đường sắt đô thị, đường bộ, đường hàng không, đường thủy nội địa và đường biển. Các nội dung này đã tuân thủ theo đúng quy hoạch, định hướng trong quy hoạch phát triển chung của Thành phô Hồ Chí Minh đã được phê duyệt.
Xét về tổng quy hoạch nói chung về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đến năm 2020, đáng chú ý là Tp. Hồ Chí Minh sẽ phát triển các trục cao tốc như: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Long Thành - Dầy Giây, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc bến Lức - Long Thành; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và nâng cấp, mở rộng quy mô 8 làn xe tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: kienthuc.net.vn

Về giao thông đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh cùng với mạng lưới xe buýt đã cơ bản hoàn thiện, Thành phố sẽ chú trọng phát triển vào loại hình vận chuyển khối lượng lớn; trong đó có 8 tuyến đường sắt đô thị, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray và 6 tuyến BRT (buýt nhanh)
BNEWS: Vậy theo ông những bất cập của giao thông đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh xuất phát từ những nguyên nhân nào, đặc biệt là sự ùn tắc đường kết nối ra sân bay Tân Sơn Nhất?
Ông Lê Đỗ Mười: Phát triển giao thông vận tải nói chung, giao thông đô thị nói riêng của Thành phố Hồ Chí Minh đã được xây dựng chi tiết trong quy hoạch tổng thể. Tuy nhiên, để thực hiện được quy hoạch trên đòi hỏi một nguồn lực rất lớn, điều này hiện rất khó khăn.

Do đó, chúng ta phải thực hiện quy hoạch trên theo từng giai đoạn, vì thế dẫn tới giao thông của thành phố chưa được đồng bộ, đây là nguyên nhân thứ nhất.
Nguyên nhân thứ hai là do sự bùng nổ phương tiện dẫn đến Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra ùn tắc. Nguyên nhân tiếp theo một phần do địa chất của Thành phố mang tính đặc thù. Cụ thể, nếu trước đây quy hoạch Thành phố theo hướng về phía Bắc, phía Đồng Nai, Tây Ninh, nhưng hiện nay, Thành phố lại phát triển đều cả bình diện ra hướng biển nên tình trạng ngập úng sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
Đặc biệt do tính chất địa lý triều cường của Tp. Hồ Chí Minh rất phức tạp nên để khắc phục vấn phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó lĩnh vực giao thông chỉ là thứ yếu.

Cùng với đó, phải thực hiện đồng thời với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch thoát nước... Như vậy để khắc phục tất cả vấn đề này, Tp. Hồ Chí Minh cần có quy hoạch tổng thể dài hạn và được thực hiện dần dần.
Một nguyên nhân dẫn đến gia tăng lưu lượng xe cá nhân là sự suy giảm lượng khách của hệ thống xe buýt. Tôi cho rằng hệ thống xe buýt của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đóng vai trò chủ đạo từ nay đến năm 2020, kể cả sau năm 2020.

Mạng lưới xe buýt Thành phố Hồ Chí Minh tương đối hoàn chỉnh nhưng thị phần lại ngày càng giảm. Sau 10 năm phát triển, xe buýt Thành phố bị thoái trào do không được đầu tư phương tiện, kết cấu hạ tầng, hàng năm chỉ duy tu bảo trì, không đầu tư không đổi mới. Điều này dẫn đến thị hiếu người dân mất dần và không còn mặn mà với loại hình phương tiện này.
Do đó, cần phải sốc lại loại hình giao thông công cộng này. Muốn vậy, phải điều tra, quy hoạch lại một cách chi tiết toàn bộ mạng lưới vận tải bằng xe buýt, xác định đâu là tuyến chính, đâu là trục gom để đầu tư phương tiện phù hợp. Các điểm dừng đỗ cũng cần phải bố trí lại toàn bộ vì nhu cầu đi lại của người dân Thành phố đã thay đổi so với 10 năm trước.
Về vấn đề đường kết nối của sân bay Tân Sơn Nhất, hiện nay có người nói là tắc từ “dưới đất lẫn trên không”. Theo thống kê lưu lượng tăng trưởng hàng năm của sân bay hiện đã vượt công suất thiết kế.

Mặc dù quy hoạch của ngành hàng không, đến năm 2020 sẽ xây dựng sân bay Long Thành để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng hiện vẫn chưa triển khai, vì vậy trong thời gian tới tất cả hàng hóa, hành khách đều sẽ dồn hết về sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, tình trạng ùn tắc cả trên không và dưới mặt đất của sân bay Tân Sơn Nhất là điều đã được nhìn thấy.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện chỉ có một hướng trục nối từ trung tâm thành phố đến sân bay, vì thế nếu có sự cố giao thông xảy ra là có thể gây ra ùn tắc giao thông. Để khắc phục vấn đề này, Thành phố đã có nhiều giải pháp, phương án như đến năm 2020 sẽ có một tuyến BRT, sau năm 2020 sẽ có một nhánh tàu điện kết nối với sân bay từ trung tâm Thành phố.

Tuy nhiên do nguồn lực khó khăn nên vẫn chưa triển khai. Vừa qua Thành phố có chủ trương xây dựng đường trên cao kết nối với Sân bay Tân Sơn Nhất, tôi cho rằng là phù hợp.
Vấn đề của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay không chỉ tắc đường kết nối mà còn tắc cả chỗ đón, trả khách. Vì vậy, Thành phố phải quy hoạch lại khu vực sân bay một cách hơp lý nhất, phân luồng quy hoạch lại, điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cảng hàng không với Bộ Giao thông Vận tải cũng như Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh để phân bổ lại quy hoạch cho phù hợp. Có như vậy mới hy vọng giảm ùn tắt cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
BNEWS:Vậy cần giải pháp gì để chống ùn tắc cho giao thông đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh, thưa ông?
Ông Lê Đỗ Mười: Tôi cho rằng để giải quyết vấn đề ùn tắc của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay cần phải có giải pháp đồng bộ. Ví dụ như phải di dời các trường học, các bệnh viện, các cơ quan trực thuộc ra ngoài nội đô đây là biện pháp truyền thống để thực hiện quy hoạch.
Tôi lưu ý rằng, cần phải thực hiện đúng quy hoạch thì mới mong giải quyết được vấn đề này. Cụ thể như không cấp phép xây dựng nhà cao tầng từ vành đai 2 trở vào, vì nếu cấp phép sẽ dẫn đến mật độ đô thị trở lên đông đúc hơn, khi đó sẽ không thể giải quyết được vấn đề ùn tắc.
Giải pháp thứ hai cần giải quyết khi Thành phố Hồ Chí Minh với tính rất đặc thù là có cảng trong phố, ví dụ cảng Cát Lái, cảng Sài Gòn ở trong nội đô thường xuyên có xe tải lưu thông vào, ra cảng dẫn đến ùn tắc cho các khu vực này rất nhiều.

Vấn đề này, cần phải tìm giải pháp để khắc phục. Khi có cảng Cái Mép – Thị Vải, khu vực Cần Giờ đã hình thành, thì sẽ di chuyển những cảng nói trên ra khu vực đó cho phù hợp. Tôi cho rằng đây cũng là một giải pháp lớn để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh.
Giải pháp tiếp theo là phải quan tâm hơn nữa đến phát triển vận tải công cộng. Cần phải xem xét loại hình nào là xương sống, nếu loại hình vận tải khối lượng lớn là xương sống nhưng nguồn lực đầu tư cho nó rất nhiều trong khi chưa đủ khả năng thì giải pháp trước mắt phải “sốc lại” mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt. Bên cạnh đó, phải có giải pháp để kiểm soát phương tiện cá nhân.
Ngoài ra, tôi cho rằng điều cốt yếu nữa của Thành phố Hồ Chí Minh là cần phải tổ chức lại các tuyến, luồng giao thông từ các trục hướng tâm vào thành phố một cách cụ thể. Khi đó việc tổ chức giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được cải thiện hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục