RCEP mở ra cơ hội gì cho kinh tế Australia?

05:30' - 14/09/2017
BNEWS Bài viết trên “Diễn đàn Diplomat” cho rằng Canberra có thể theo đuổi các mục tiêu thương mại quốc tế và thúc đẩy một hiệp định minh bạch và cởi mở hơn.

Theo tác giả bài viết, Nick Derewlany - tốt nghiệp khoa kinh tế chính trị và quan hệ quốc tế của Đại học Sydney, trong bối cảnh Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các nước thành viên còn lại đang trong quá trình thảo luận số phận của hiệp định này, Australia hiện có cơ hội để đảm bảo rằng nước này có thể liên kết chặt chẽ hơn trong khuôn khổ liên minh ở châu Á-Thái Bình Dương và tiếp tục hội nhập kinh tế với các đối tác khu vực của mình.

Canberra cần đảm bảo đóng vai trò hàng đầu trong các cuộc thảo luận liên quan đến cấu trúc và những nét riêng biệt của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm củng cố quan điểm của mình về quản trị, tiêu chuẩn môi trường và biện pháp sở hữu trí tuệ vốn là rào cản của hiệp định này cho đến nay.

Australia cũng có thể sử dụng kinh nghiệm và ảnh hưởng của mình trong những lĩnh vực này để đảm bảo là một đối tác quan trọng trong các cuộc thảo luận, một đầu tàu đáng tin cậy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh ngày càng thiếu vắng sự hiện diện của Mỹ.

RCEP là thỏa thuận thương mại tự do khu vực rộng lớn, gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và các nước có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với ASEAN như Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

RCEP có tiềm năng trở thành một thỏa thuận kinh tế toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi, cho phép các quốc gia thành viên hợp tác trên một loạt vấn đề, bao gồm thương mại, đầu tư hàng hóa và dịch vụ; hợp tác kinh tế; sở hữu trí tuệ và các biện pháp cạnh tranh; và cơ chế giải quyết tranh chấp.

16 quốc gia tham gia RCEP chiếm gần 50% dân số thế giới, hơn 30% GDP toàn cầu, và hơn 25% xuất khẩu của thế giới. Những nền kinh tế này chiếm gần 60% kim ngạch thương mại hai chiều, 18% đầu tư hai chiều, và hơn 65% xuất khẩu của Australia.

RCEP sẽ có lợi cho việc giảm các rào cản thương mại với những nước nói trên và đảm bảo việc tiếp cận thị trường cho các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư của Australia.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán RCEP bị thử thách bởi những lợi ích cạnh tranh và các ưu tiên xung đột do mức độ phát triển kinh tế và chính trị khác nhau giữa các quốc gia thành viên.

Trong khi đó, TPP bao gồm một loạt thỏa thuận về quản lý các doanh nghiệp nhà nước, minh bạch sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn môi trường, giải quyết tranh chấp và tự do hóa dữ liệu.

Còn RCEP thiếu những quy định như vậy, và nó không đòi hỏi các nước thành viên phải bảo vệ quyền lợi lao động hay cải thiện tiêu chuẩn môi trường như TPP đã làm, và tính minh bạch và quản lý xung quanh hiệp định này cũng là những mối quan tâm lớn.

Australia cần tìm cách cân bằng các mục tiêu thương mại quốc tế của mình nếu muốn đóng vai trò của một nhà đàm phán chủ chốt của hiệp định này. Về mặt kinh tế, Australia sẽ có lợi khi hiệp định này cung cấp cho Australia một không gian tự do đầu tư và kinh tế rộng hơn.

Việc tăng cường tính minh bạch quy định và pháp luật tại các thị trường RCEP chủ chốt, giảm bớt các hạn chế khó tính của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực hoặc tập đoàn nào đó.

Điều này cũng cho phép các nhà đầu tư Australia thành lập chi nhánh tại các quốc gia đối tác mà không cần phải liên doanh với một đối tác địa phương sẽ làm tăng nguồn đầu tư đến và đi của Australia cũng như giúp các nhà đầu tư nước này có thể kiểm soát các khoản đầu tư của họ ở các nước đối tác trong RCEP.

Australia bắt buộc phải cân bằng Thỏa thuận dàn xếp tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) để khuyến khích đầu tư, minh bạch tư pháp và pháp lý, và để ngăn chặn khỏi bị truy tố bởi các công ty nước ngoài.

Việc quản lý những vấn đề căng thẳng đa quốc gia phải là một ưu tiên hàng đầu đối với Chính phủ Australia bởi đây là cách để nước này củng cố vị thế của mình trong các cuộc đàm phán.

Ví dụ về một điểm tranh chấp như vậy là việc cắt giảm thuế quan ở Ấn Độ. Việc Ấn Độ sẵn sàng áp dụng cách tiếp cận giảm thuế quan đơn tầng là nhằm thỏa mãn nhu cầu tiếp cận thị trường lớn hơn vào các đối tác chủ chốt trong RCEP.

Việc giảm thuế quan đơn tầng sẽ thuận lợi cho các ngành thực phẩm, rượu vang và sữa của Australia. Cách tiếp cận đa tầng sẽ khiến Australia tốn kém đáng kể để tiếp cận các thị trường quan trọng của Ấn Độ.

Tuy nhiên, các quốc gia RCEP khác do dự thúc đẩy vấn đề này cho các nhà cung cấp dịch vụ của Ấn Độ, và bản thân họ phải cân bằng khả năng của mình để có thể tiếp cận thị trường ở các nước RCEP khác trong khi thừa nhận mối đe dọa mà Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tạo ra cho ngành sản xuất hàng hóa của họ.

Australia nên ủng hộ cách tiếp cận giảm thuế quan đơn tầng trong khi cố gắng khuyến khích các đối tác khác trong RCEP tự do hóa nền kinh tế của họ đối với thị trường dịch vụ của Ấn Độ.

Những khác biệt trong hoàn cảnh kinh tế và ưu tiên của nhiều đối tác RCEP khiến cho các cuộc đàm phán trở nên khó khăn, đó là lý do tại sao Australia cần sử dụng ngoại giao một cách khéo léo để quản lý các cuộc thảo luận và xác định vị trí của mình như là một bên chủ chốt trong các cuộc đàm phán.

Cách tiếp cận của Australia trong giải quyết bất kỳ trở ngại nào cũng nên khuyến khích một môi trường cởi mở và minh bạch hơn cho các nhà đầu tư Australia tại các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Đồng thời Australia cần khuyến khích các quốc gia ưu tiên tự do hóa đầu tư hai chiều, tăng cường khả năng tiếp cận cho các nhà đầu tư Australia tại các thị trường khu vực chủ chốt của mình - sản xuất, khai thác mỏ, nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp.

Australia cũng nên đóng vai trò lớn hơn trong hiệp định này, tiếp tục tăng cường hợp tác và thông tin minh bạch, xác định các cơ chế tranh chấp và khuôn khổ kiểm soát, ủng hộ các biện pháp sở hữu trí tuệ và bảo vệ môi trường, thúc đẩy một thỏa thuận có lợi cho tập thể rộng hơn.

Để làm được điều này, Australia sẽ phải củng cố vị thế của mình trong các đàm phán về hiệp định và đảm bảo nó là một phần trong kiến trúc kinh tế, xã hội và chính trị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều năm tới, cho dù Mỹ có thực sự “thoái vị” khỏi khu vực này hay không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục