Rộ tin Mỹ ngăn chặn thương vụ đình đám của "người khổng lồ" thép Nhật Bản

05:30' - 10/09/2024
BNEWS Các báo cáo trong tuần này cho biết Nhà Trắng sắp công bố thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chặn giao dịch mua lại U.S. Steel của công ty Nhật Bản Nippon Steel vì lý do an ninh quốc gia.
Tuần trước, trong một thông báo gửi tới Nippon SteelU.S. Steel, Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã nói rằng thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD được đề xuất của hai doanh nghiệp này sẽ tạo ra rủi ro an ninh quốc gia, thông qua việc làm tổn hại đến nguồn cung thép cần thiết cho các dự án quan trọng của Mỹ.

CFIUS đã tăng cường giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài vào Mỹ, kể từ khi các công ty Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh mua tài sản Mỹ cách đây khoảng một thập kỷ, như hợp đồng mua lại khách sạn Waldorf và công ty công nghệ Ingram Micro. Một số chuyên gia cho biết thỏa thuận của Nippon Steel trở nên phức tạp hơn do cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra, với nhiều nghị sĩ của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã lên tiếng phản đối.

"Bất kỳ ai thắng cử cũng sẽ chịu áp lực từ thị trường tài chính để buộc phải chấp nhận các thỏa thuận này", ông Euan Rellie, đồng sáng lập kiêm đối tác quản lý của công ty tư vấn đầu tư BDA Partners có trụ sở tại New York cho biết.

Một chủ ngân hàng tại Tokyo chia sẻ cả người mua và người bán tài sản đều đã dành nhiều thời gian hơn để phân tích xu hướng chính trị của Mỹ, đặc biệt là sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, và xem xét kỹ lưỡng xem mục tiêu mà các nhà chính trị tại cường quốc lớn nhất thế giới sẽ nhắm vào ngành nào, có thể gây ra sự can thiệp của nhà nước hay không.

Một chuyên gia ngân hàng cấp cao về sáp nhập và mua lại (M&A) tại Tokyo nói, các công ty Nhật Bản sẽ "thực sự lo ngại và bàng hoàng" trước thông tin nêu trên. Nếu thỏa thuận của Nippon Steel sụp đổ, đây sẽ là “hồi chuông” cảnh báo cho hàng loạt các thương vụ khác đang được lên kế hoạch và người mua sẽ trở nên thận trọng hơn.

Các công ty Nhật Bản sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn các giao dịch ở nước ngoài sau khi Mỹ phản đối việc mua lại U.S. Steel trị giá 15 tỷ USD của Nippon Steel, các nguồn tin trong ngành cho biết.

Một trong những ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua giành vị trí Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản tiết lộ, bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm ngăn chặn thương vụ mua lại U.S Steel của Nippon Steel đều "rất đáng lo ngại". Là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, Nhật Bản không gặp bất kỳ vấn đề nào với các cơ quan quản lý của Mỹ trong những năm gần đây. Động thái mua tài sản nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản gia tăng trong thời gian gần đây được lý giải là do đồng yen giảm giá và nền kinh tế trong nước trì trệ.

Dữ liệu của Dealogic cho thấy, hoạt động M&A ra nước ngoài từ Nhật Bản sang Mỹ đã tăng gần 160%, lên 32,1 tỷ USD, tính từ đầu năm 2024 đến nay, chiếm 71,4% tổng giá trị các thỏa thuận M&A ra nước ngoài của Nhật Bản. Con số này cao hơn nhiều so với mức 38,7% của năm 2023.

Dữ liệu của Dealogic cho thấy giá trị các thỏa thuận M&A ra nước ngoài của Nhật Bản đã tăng 45% vào năm ngoái lên 65,8 tỷ USD, khi các công ty tìm cách khai thác các nguồn doanh thu thay thế để làm giảm tác động của nền kinh tế trong nước giảm phát.

Dữ liệu cho thấy việc Nippon Steel đề xuất tiếp quản U.S. Steel sẽ là thương vụ mua lại một công ty Mỹ lớn thứ ba của Japan Inc. (Japan Inc. là từ dùng để chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời kỳ những năm 1980, khi bộ phận này bùng nổ và giới kinh doanh phương Tây chứng kiến mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp) trong một thập kỷ, sau thương vụ tiếp quản Speedway trị giá 21 tỷ USD vào năm 2020 và Beam trị giá 16 tỷ USD vào năm 2014.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục