Sắp hết hạn cơ chế giá FIT cho điện gió

18:11' - 11/10/2021
BNEWS Theo các chuyên gia quốc tế, việc thiếu cơ chế giá ưu đãi FIT cho điện gió trong thời gian tới sẽ khiến cho việc huy động vốn các dự án gặp khó khăn.

Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, sau ngày 31/10/2021 tới, cơ chế giá FIT (được hiểu là biểu giá điện ưu đãi) cho điện gió sẽ hết hạn.

Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu và đề xuất phương án đấu thầu, xác định giá đối với các dự án điện gió.

Bộ này đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ với các dự án điện gió trong thời gian tới, với hướng phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Điện lực. Trong tương lai, lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu.

Theo các chuyên gia quốc tế, việc thiếu cơ chế giá ưu đãi FIT cho điện gió trong thời gian tới sẽ khiến cho việc huy động vốn các dự án gặp khó khăn.

Ông Mark Hutchinson, chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC cho rằng, việc bỏ giá ưu đãi FIT sẽ đồng nghĩa với việc bỏ luôn tài chính cho điện gió ngoài khơi. Bởi lẽ, để có thể đầu tư dự án lớn, các tổ chức tài chính sẽ cần cơ chế rõ ràng, minh bạch. Có thể loại trừ một số dự án đạt được các thỏa thuận nhất định với nhà nước, đơn vị bảo lãnh, chủ dự án…

"Tuy nhiên về mặt hệ thống tài chính, không có hệ thống nào đầu tư cho dự án có sự rủi ro cao đến vậy", ông Mark Hutchinson nói.

Cũng theo bà Liming Qiao – Giám đốc khu vực châu Á, Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu, để chuyển từ cơ chế giá ưu đãi FIT sang cơ chế đấu thầu, cần có giai đoạn chuyển tiếp một cách cẩn trọng. Vì để xây dựng cơ chế đấu thầu phù hợp sẽ cần khoảng 2 năm. Trong thời gian đó, những rủi ro của thị trường sẽ khiến nguồn vốn đầu tư có thể chuyển đi thị trường khác.

"Việc có những cơ chế chuyển đổi như vậy là rất quan trọng. Nhiều thị trường ở châu Âu khi chuyển đổi sang cơ chế khác đều có giai đoạn chuyển tiếp, tiếp tục cơ chế giá ưu đãi FIT; như vậy mới có thể giữ được các nhà đầu tư trong giai đoạn chờ chuyển đổi lên đấu thầu", bà Liming Qiao cho hay.

Hiện có khoảng 4.000 MW dự án điện gió có nguy cơ lỡ thời hạn giá FIT theo Quyết định 39. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án.

Hiệp hội Điện gió toàn cầu GWEC cho hay, nếu không có các biện pháp cứu trợ cho ngành điện gió bằng việc cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, những dự án này sẽ chịu những tổn thất ngoài dự kiến do đại dịch gây ra.

Quyết định lùi thời hạn áp dụng giá FIT không chỉ đảm bảo tính khả thi các dự án điện gió trên bờ mà còn khuyến khích đầu tư vào ngành điện gió ngoài khơi trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục