Sau đại dịch, ngành nghề mới nào sẽ lên ngôi tại Trung Quốc?

06:30' - 15/07/2020
BNEWS Để đa dạng hóa thị trường lao động trong nước sau một thời gian đình trệ, Bộ Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc đã bổ sung thêm 9 ngành nghề mới vào danh sách các nghề nghiệp chính thức.
Sau đại dịch, ngành nghề mới nào sẽ lên ngôi? Ảnh: TTXVN phát

Các ngành nghề mới được bổ sung bao gồm chuyên gia công nghệ chuỗi khối (blockchain), nhà quản trị mạng của chính quyền thành phố, nhân viên tiếp thị Internet, chuyên viên kiểm tra trong lĩnh vực bảo mật thông tin, nhà điều hành ứng dụng blockchain, gia sư qua mạng, nhân viên trong lĩnh vực y tế, chuyên viên đánh giá năng lực làm việc của người cao tuổi và nhân viên điều hành thiết bị sản xuất phụ gia.

Theo nhận định của tạp chí Global Times, động thái này được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều nhân tài mới tham gia vào các khối ngành nghề đa dạng, đặc biệt là trong các lĩnh vực có liên quan đến mạng Internet. Liên quan đến vấn đề này, đài Sputnik đã phỏng vấn các chuyên gia Trung Quốc về những thay đổi đối với thị trường lao động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau đại dịch.

Li Hongjiang, Giảng viên Học viện Quan hệ Lao động Trung Quốc, cho rằng với sự phát triển công nghệ, một số ngành nghề mới sẽ xuất hiện và nhiều ngành nghề không có nhu cầu trong xã hội sẽ biến mất khi nhu cầu thị trường thay đổi.

Theo chuyên gia này, điều quan trọng là phải cập nhật danh sách một cách kịp thời để thông báo cho người dân biết về những cơ hội mới. Điều này hỗ trợ hạn chế tỷ lệ thất nghiệp, xác định hướng phát triển của thị trường lao động và nâng cao mức lương trong các ngành nghề mới. Tuy nhiên, cùng với đó thì yêu cầu đối với công việc cũng tăng lên.

Ông Li Hongjiang nói: “Các ngành nghề trong danh sách là tất cả những ngành nghề xuất hiện gần đây và có xu hướng tăng nhanh hơn những nghề khác. Điều quan trọng là chính phủ phải sớm chính thức đưa những ngành nghề này vào hệ thống quốc gia và kịp thời thông báo về chúng cho người dân”.

Ngoài ra, việc lập danh sách sẽ củng cố tên gọi chính thức của các ngành nghề mới. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà tuyển dụng tìm nhân viên, cũng như để người lao động tìm kiếm việc làm.

Giảng viên Li Hongjiang nhận định: “Các quốc gia công bố tên gọi chính thức của các ngành nghề mới để tránh vấn đề về tuyển dụng và tìm kiếm việc khi tên gọi nghề nghiệp không chuẩn và để giảm tỷ lệ thất nghiệp. Đồng thời, điều này cũng góp phần tăng nhu cầu đối với các ngành nghề mới, xác định điều kiện về chế độ đãi ngộ và yêu cầu đối với người lao động. Điều đó cũng giúp các trường đại học xác định các chuyên ngành mới phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động”.

Trong khi đó, bên cạnh lĩnh vực công nghệ, chăm sóc sức khỏe cũng là một trong những ngành nghề sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn hậu dịch COVID-19. Ông Mei Xinyu, nhà nghiên cứu tại Học viện Thương mại Quốc tế và Hợp tác Kinh tế của Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định: “Sau suy thoái kinh tế, tuy các biện pháp phòng ngừa sẽ không còn nghiêm ngặt nữa, nhưng yêu cầu giám sát vệ sinh cao sẽ trở thành chuẩn mực mới. Điều đó sẽ khiến một số ngành nghề mới xuất hiện trong lĩnh vực này. Ngoài ra, giám sát vệ sinh và các biện pháp liên quan đã mang đến cho giới doanh nhân các hướng làm việc mới”.

Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tại các thành phố của Trung Quốc vào cuối quý I/2020 ở mức khoảng 3,66%. Theo Thời báo Hoàn cầu, gần 10% tổng số lao động nhập cư từ nông thôn Trung Quốc (khoảng 25 triệu người) có thể mất việc do đại dịch. Điều này khiến họ phải được tái đào tạo để có nghề mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục