Sẽ có cơ chế đảm bảo nguồn cung trong phát triển nhiệt điện than

12:11' - 06/10/2018
BNEWS Khi nhu cầu nhập than tăng cao, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, kiến nghị để có cơ chế giúp cho các nhà sản xuất điện sử dụng than nhập khẩu ký hợp đồng mua than dài hạn.
Dự tính đến năm 2030, tổng lượng than cung ứng cho phát triển nhiệt điện sẽ trên 130 triệu tấn/năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2020, nhu cầu nhiệt điện than sẽ vào khoảng 25.600 MW; đến năm 2030, nhu cầu này khoảng 55.000 MW. Như vậy, dự tính đến năm 2030, tổng lượng than cung ứng cho phát triển nhiệt điện sẽ trên 130 triệu tấn/năm.

Phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với ông Lê Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương về khả năng cung ứng than cho phát triển nhiệt điện trong thời gian tới.

Phóng viên: Ông có thể cho biết về nhu cầu than sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện hiện nay?

Ông Lê Văn Lực: Hiện nay Việt Nam có 28 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất khoảng trên 18.000 MW đang vận hành. Một số nhà máy nhiệt điện than hiện được xây dựng từ những năm 1980, 1990, đa số được xây dựng khoảng những năm 2010 đến nay và chủ yếu tập trung ở miền Bắc, rồi miền Trung. Các nhà máy này sử dụng nguồn than trong nước, chủ yếu từ Quảng Ninh.

Trong miền Nam có 2 dự án đã vào vận hành, sử dụng than từ miền Bắc đưa vào là dự án Duyên Hải 1 (1.200 MW) và Vĩnh Tân 2 (1.200 MW). Hiện nay, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (1.200 MW) đã vận hành tổ máy 1, đang chuẩn bị đưa vào vận hành tổ máy 2, sử dụng than từ miền Bắc chuyển vào.

Còn lại trong miền Nam có vài dự án sử dụng than nhập khẩu là Duyên Hải 3 (1.200 MW), dự án Vĩnh Tân 4 (1.200 MW) và chuẩn bị vận hành Duyên Hải 3 mở rộng (600 MW),Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW). 4 dự án này đều sử dụng than nhập khẩu, nên tỷ trọng than nhập khẩu hiện chưa nhiều trong tổng số than cung cấp cho sản xuất điện.

Theo Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh, tổng công suất nhiệt điện than đến 2020 khoảng 25.600 MW; đến 2030 khoảng 55.000 MW, tổng lượng than sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện than cũng tăng lên khá lớn. Dự tính đến 2030, tổng lượng than dùng cho nhiệt điện khoảng trên 130 triệu tấn/năm; trong đó than trong nước chỉ có thể cung cấp được trên dưới 40 triệu tấn. Như vậy than nhập khẩu tăng lên khoảng 80-90 triệu tấn.

Lượng than nhập khẩu chủ yếu từ Indonesia, Australia, khả năng sẽ phát triển sang các thị trường khác như Nga, Nam Phi...

Phóng viên: Nhiều ý kiến lo ngại về việc đảm bảo nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện về lâu dài. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Lê Văn Lực: Các dự án sử dụng than nhập khẩu chủ yếu ở miền Nam, hiện nay, các nhà máy này mua theo từng lô, chuyến, và đó là khó khăn cho đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài.

Nhu cầu tới đây, các trung tâm nhiệt điện như Long Phú, Duyên Hải, Sông Hậu đi vào vận hành theo đúng quy hoạch thì tổng công suất 3 trung tâm này khoảng 12.000 MW. Tổng lượng than cho 3 trung tâm này vào khoảng 36 triệu tấn, trừ dự án Duyên Hải 1 sử dụng than nội địa thì nguồn than nhập cho các dự án còn lại cũng từ 33-34 triệu tấn. Đây là những khó khăn, thách thức làm sao đảm bảo cấp than kịp thời, ổn định trong mọi điều kiện thời tiết, biến động thị trường...

Để đảm bảo ổn định lâu dài nguồn than thì yếu tố quan trọng là phải có vốn. Khi có được vốn lớn, chúng ta sẽ thực hiện hợp tác mua mỏ hoặc tham gia đầu tư mỏ nước ngoài với trữ lượng tùy theo năng lực tài chính và nhu cầu sử dụng, đồng thời hợp tác với các nhà sản xuất than nước ngoài để đảm bảo cung cấp than cho các dự án sử dụng than nhập.

Mặt khác, chúng ta phải có các hợp đồng dài hạn từ 5-7 năm, tùy theo đặc tính từng mỏ để có được hợp đồng tốt nhất. Chứ mua theo hợp đồng chuyến, theo lô hàng như hiện nay thì nguồn cung và giá cả không ổn định.

Hình ảnh khai thác than tại Công ty than Uông bí. Nguồn TTXVN

Phóng viên: Vậy trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện giải pháp gì để có thể đảm bảo nguồn cung than cho phát triển các nhà máy nhiệt điện, thưa ông?

Ông Lê Văn Lực: Khi nhu cầu nhập than tăng cao, thì Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, kiến nghị để Chính phủ có cơ chế giúp cho các nhà sản xuất điện sử dụng than nhập khẩu có thể ký hợp đồng mua than dài hạn, tham gia sở hữu một phần các mỏ than ở nước ngoài để đảm bảo an toàn, ổn định cung cấp than trong sản xuất điện.

Hiện Việt Nam chưa có hợp đồng tham gia sản xuất mỏ than tại nước ngoài; chúng ta chỉ mới dừng lại ở nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tìm hiểu thị trường, đồng thời cũng chưa có kinh nghiệm trong việc đầu tư mỏ ở nước ngoài.

Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đang chuẩn bị dự thảo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2020 – 2030 và tầm nhìn đến sau 2030 (Quy hoạch Điện VIII). Khi xây dựng quy hoạch này, chúng tôi sẽ tính toán cân đối các nguồn năng lượng sơ cấp; trong đó, xem xét vấn đề đảm bảo cung cấp than, đồng thời với việc cân đối nhiệt điện than chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong cơ cấu nguồn. Từ đó, sẽ tính ra được sơ bộ lượng than cần thiết và đề xuất cơ chế đảm bảo cho cung cấp nguồn than theo quy hoạch. Đồng thời sẽ đề xuất chính sách về đảm bảo cung cấp than, tỷ lệ hợp đồng dài hạn và có nguồn vốn để tham gia đầu tư, khai thác mỏ ở nước ngoài.

Về dự thảo này, hiện Bộ Công Thương đang soạn thảo nội dung nhiệm vụ, lập quy hoạch và trình Thủ tướng đề cương, chủ trương về công tác tư vấn ...

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

>>> Thách thức đảm bảo nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục