Singapore: Tăng thuế GST liệu có phải là sự đánh đổi về chính sách?

05:30' - 23/01/2022
BNEWS Theo tác giả bài viết trên báo The Straits Times, giống như hầu hết các quyết định chính sách, tăng thuế là sự đánh đổi giữa “nỗi đau” ngắn hạn và lợi ích lâu dài.

Và cũng chưa từng có tiền lệ là một loại thuế đưa ra được người đóng thuế hoan nghênh.

Vì vậy, quyết định của Chính phủ Singapore tăng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) – loại thuế đánh vào tiêu dùng trên diện rộng – lên 2% trong ngân sách sắp tới cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, cuối cùng nước này vẫn đạt được sự đồng thuận trên cơ sở tính hợp pháp của chính sách.

Hầu hết người dân và doanh nghiệp của “đảo quốc sư tử” đều “chăm chỉ” nộp thuế, không chỉ do họ sợ bị phạt vì không nộp thuế, mà còn vì họ hiểu rằng cuối cùng thuế sẽ giúp ích cho họ và các thế hệ tương lai như thế nào.

Singapore cần thêm nguồn thu từ thuế để theo kịp với nhu cầu chi tiêu xã hội ngày càng tăng. Việc bỏ qua sức khỏe, phúc lợi và phát triển cơ sở hạ tầng sẽ dẫn đến những vấn đề rắc rối lớn hơn trong tương lai.

Ông Kor Bing Keong, phụ trách về GST của công ty kiểm toán PwC Singapore, cho rằng không có thời điểm hoàn hảo để tăng GST. Theo ông, Chính phủ Singapore sẽ tiếp tục ưu tiên chi tiêu cho y tế và các sáng kiến xã hội khác vì dân số nước này đang già đi, cùng với các yếu tố khác.

Ông cho rằng việc tăng thuế GST sẽ giúp đáp ứng một phần sự gia tăng chi tiêu dự kiến này. Thách thức ở đây là các nhà chức trách Singapore cần tìm ra được sự cân bằng giữa các nhu cầu mâu thuẫn nhau về tăng thu thuế, quản lý lạm phát và chi phí sinh hoạt, cũng như chi phí cho các doanh nghiệp.

Những lo ngại đó được phản ánh trong cuộc tranh luận gần đây tại Quốc hội Singapore tập trung vào sự tăng thuế này sẽ tác động như thế nào đến giá hàng hóa và dịch vụ và liệu các doanh nghiệp có sẵn sàng chấp nhận thêm gánh nặng thuế hay không.

Những lo lắng đó không phải là không có cơ sở, nhưng mức độ của ảnh hưởng dự kiến có lẽ đã bị phóng đại. Chỉ số giá tiêu dùng (tất cả các mặt hàng) đã ghi nhận mức tăng 3,8% vào tháng 11/2021 - mức cao nhất kể từ tháng 2/2013 với 4,9%. Lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí thuê mướn và vận tải đường bộ tư nhân, tăng 1,6% trong cùng tháng đó - mức cao nhất kể từ tháng 3/2019 với 1,7%.

Đúng vậy, việc đánh thuế tiêu dùng cao hơn sẽ làm tăng giá của hầu hết mọi thứ. Tuy nhiên, sự gia tăng này sẽ chỉ diễn ra một lần và tác động đối với lạm phát - tức là tốc độ thay đổi của giá cả - sẽ biến mất trong vòng 12 tháng. Mọi chi phí nghĩa vụ tuân thủ của doanh nghiệp cũng sẽ là một lần.

Theo hầu hết các nhà phân tích, mức thuế GST 9% rất có thể sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2022. Điều này sẽ giảm một nửa tác động đối với lạm phát hàng năm trong năm 2022 và 2023.

Thời điểm thực hiện mức thuế cao hơn cũng có ý nghĩa quan trọng vì các lý do khác. Nửa cuối năm 2022 là lúc hầu hết các ngân hàng trung ương, trong đó có Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương), kỳ vọng áp lực lạm phát đến từ các nguồn như chuỗi cung ứng, logistics và tắc nghẽn vận tải sẽ giảm bớt.

Trong khi đó, Làn đi lại vaccine (VTL) sẽ giúp giảm bớt tình trạng căng thẳng về nguồn cung lao động vốn là nguyên nhân dẫn đến lạm phát lương ở “đảo quốc sư tử”. Lực lượng lao động cư trú tăng cũng sẽ bù đắp cho bất kỳ sự sụt giảm nào trong nhu cầu tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ do tăng thuế và kết quả là giá cả tăng lên.

Trên thực tế, những người nhập cư mới chi tiêu nhiều hơn cho những vật dụng đắt tiền như đồ nội thất để ổn định cuộc sống mới. Nguồn cung lao động tăng lên sẽ góp phần giảm bớt một số căng thẳng của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực xây dựng và kỹ thuật hàng hải. 

Hơn nữa, đối với các lĩnh vực dịch vụ như bán lẻ, ăn uống và khách sạn, nhu cầu tăng mạnh có thể mang lại cho họ quyền định giá để chuyển tác động của GST sang người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tiêu dùng cao hơn sẽ đồng nghĩa với nhập khẩu cao hơn, vì trên thực tế mọi thứ được tiêu dùng ở Singapore đều được vận chuyển từ bên ngoài và phần lớn lạm phát cũng được “nhập khẩu”.

Đó là lý do giải thích tại sao MAS nhắm đến đồng đô la Singapore (SGD) như một công cụ chính sách tiền tệ chính của cơ quan này. Đồng tiền càng mạnh, hàng nhập khẩu càng rẻ, làm cho lạm phát dễ kiểm soát hơn. Vì vậy, MAS có thể thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ tại cuộc họp chính sách định kỳ 6 tháng tiếp theo vào tháng Tư tới, từ đó dẫn đến đồng SGD mạnh hơn.

GST được đưa ra vào năm 1994 với mức 3% để tăng doanh thu từ thuế. Vào thời điểm đó, ý định của Chính phủ Singapore là chuyển thuế từ hệ thống dựa trên thu nhập sang hệ thống dựa trên tiêu dùng để tăng cường tính cạnh tranh quốc tế của Singapore.

Doanh thu bổ sung từ GST cho phép giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp cũng như thuế tài sản. Ngay cả khi đó, rõ ràng là một hệ thống thuế dựa trên tiêu dùng sẽ tạo ra một cơ sở thuế có sức bền hơn khi dân số già đi.

Ước tính 30% cư dân Singapore hiện phải trả khoản thuế thu nhập lớn, và khi họ nghỉ hưu thì doanh thu từ thuế cũng sẽ giảm. Xã hội đang già hóa cũng đồng nghĩa với việc khoảng cách thu nhập đang tăng lên. Điều này dẫn đến chi phí xã hội ngày càng tăng. 

Áp lực cạnh tranh đối với Singapore để duy trì sự phù hợp trong nền kinh tế toàn cầu chỉ tăng lên kể từ những năm 1990, làm gia tăng nhu cầu đầu tư vào nguồn vốn con người, bao gồm chi phí cho giáo dục, phát triển kỹ năng và kiến thức cũng như tăng cường tính đổi mới sáng tạo. Để giữ cho Singapore có thể phát triển được, cần có các khoản đầu tư bền vững cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Thuế tối thiểu toàn cầu và thuế dịch vụ số xuyên biên giới cũng sẽ bắt đầu áp vào thuế doanh nghiệp của các công ty đa quốc gia trong những năm tới. Trong những năm gần đây, các khoản chi định kỳ của Singapore đã cao hơn các khoản thu định kỳ. Điều đó đồng nghĩa với sự phụ thuộc ngày càng tăng vào lợi nhuận đầu tư của Tập đoàn Temasek, công ty GIC và MAS cộng với các khoản dự trữ trong quá khứ để củng cố kho bạc của nước này.

Chính phủ Singapore trong hai năm tài chính vừa qua đã rút tổng cộng 53,7 tỷ SGD (39,38 tỷ USD) từ nguồn dự trữ quốc gia do dịch COVID-19. Một cách khác là tăng mức nợ chính phủ để thu hẹp khoảng cách thu-chi. Tuy nhiên, việc “đào quá sâu” vào nguồn dự trữ quốc gia hay nâng mức nợ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến an ninh tài chính của các thế hệ tương lai.

Một số “nỗi đau” từ việc tăng thuế GST sẽ được giải quyết bằng Gói Bảo hiểm trị giá 6 tỷ SGD (4,4 tỷ USD) và Chương trình phiếu mua hàng miễn phí. Tuy nhiên, không có cách nào để tránh hoàn toàn việc tăng thuế, vì ngay cả với mức thuế GST cao hơn 9% của Singapore thì cũng vẫn thấp hơn mức trung bình của toàn cầu là 19%, mức trung bình của châu Á là 11,6%.

Ông Irvin Seah, nhà kinh tế cấp cao thuộc Ngân hàng DBS, cho rằng việc tăng thuế là cần thiết để cân bằng thu-chi mà không “đào quá sâu” và nguồn dự trữ quốc gia. Theo ông, đó là một sự đánh đổi về chính sách. Singapore có thể hoặc tránh tác động một lần đối với lạm phát và chi phí kinh doanh hoặc chấp nhận “đau đớn” trong ngắn hạn để giảm thiểu tác động dài hạn của chi tiêu xã hội dưới chuẩn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục