Sợi dây kết nối mối quan hệ liên Triều

07:25' - 25/10/2018
BNEWS “CHDCND Triều Tiên muốn sử dụng khoản đầu tư của Hàn Quốc vào đường sắt như một cách để thu hút vốn tư bản của Trung Quốc và Nga".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: THX/ TTXVN 

Đó là nhận định của ông Park Jongchol, Giáo sư Đại học Quốc gia Gyeongsang (Hàn Quốc), được đưa ra trong cuộc phỏng vấn của đài Sputnik.

Theo chuyên gia này, nếu miền Nam đã xây dựng đường sắt từ vật liệu chất lượng cao tiên tiến thì nhiều khả năng là Trung Quốc và Nga cũng sẽ đầu tư nhiều hơn vào đường sắt của Triều Tiên.

Chuyên gia này cho biết, thỏa thuận đạt được trong quá trình đàm phán cấp cao liên Triều về việc tổ chức nghi lễ kết nối đường sắt trong tương lai gần được cho là có liên quan tới những phức tạp tiềm ẩn trong cuộc thương lượng của Mỹ và Triều Tiên, liên quan đến nội dung phi hạt nhân hoá bán đảo này.

Vị thế của Tổng thống Donald Trump có thể gặp rắc rối nhiều hơn nếu ông thua trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào ngày 6/11. Khi đó, vị Tổng thống doanh nhân đầu tiên của nước Mỹ sẽ bớt ráo riết hơn trong vấn đề giải trừ hạt nhân và đối thoại với Bình Nhưỡng. 

Vì vậy, điều quan trọng với cả Hàn Quốc và Triều Tiên lúc này là nhanh chóng củng cố cơ sở hợp tác, không gắn với biện pháp trừng phạt quốc tế, sau đó tranh thủ sự hỗ trợ không chỉ từ phía Mỹ mà còn của toàn thể cộng đồng quốc tế.

“Giống như Tổng thống Roh Moo-hyun thời trước từng vội vàng thông qua tuyên ngôn ngày 4/10/2007 (công bố tại Bình Nhưỡng sau khi tổng kết hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần II, không lâu trước khi kết thúc nhiệm kỳ của ông Roh), Hàn Quốc và Triều Tiên bây giờ đang cố gắng phòng ngừa khả năng sau cuộc bầu cử giữa kỳ, tại Mỹ sẽ gia tăng sức mạnh lực lượng giữ thái độ tiêu cực đối với đề tài phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên và tái định dạng quan hệ Mỹ-Triều”, Giáo sư Park nhận xét.

Trước đó, chuyến chạy thử của đoàn tàu Hàn Quốc theo đường sắt từ Seoul đến thành phố Sinŭiju (Tân Nghĩa Châu) của Triều Tiên trên biên giới với Trung Quốc đã không diễn ra do lập trường của viên tướng Mỹ đứng đầu Ban chỉ huy Liên hợp quốc, lớn tiếng tuyên bố về sự cần thiết phải có giấy phép sơ bộ khi vượt biên giới. 

Lần này, Bộ Thống nhất đất nước của Hàn Quốc nhấn mạnh cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua tham vấn sơ bộ với các nước hữu quan và các tổ chức tương ứng để cuộc nghiên cứu thực địa vượt qua suôn sẻ không vướng mắc vấn đề gì.

Theo quan điểm của Giáo sư Pak Jongchol, viễn cảnh chuyến tàu thử nghiệm sẽ chạy trước hết theo tuyến đường sắt dọc bờ biển phía Tây của bán đảo Triều Tiên nói lên dự định của Hàn Quốc - ưu tiên kết nối đường sắt Xuyên Triều với tuyến đường Xuyên Trung Hoa. 

Tuy nhiên, cả Bình Nhưỡng cũng quan tâm đến việc hiện đại hoá khu vực này, bởi ở đây diễn ra phần lớn giao dịch thương mại với Trung Quốc, chiếm tới 90% kim ngạch thương mại của Triều Tiên.

“Chủ tịch Kim Jong-un đã ủng hộ việc sản xuất hàng loạt toa xe chở hàng và toa hành khách, và như đã rõ, ông thậm chí còn yêu cầu sử dụng tà vẹt chất lượng cao đang được dùng cho tàu cao tốc Hàn Quốc khi nâng cấp tuyến Kionyi của đường sắt Triều Tiên. 

Rõ ràng, Bình Nhưỡng tin chắc là qua quá trình kiểm tra chung, tốc độ lưu thông trên đường sắt sẽ được cải thiện đáng kể, vì thế việc nghiên cứu có thể hoàn thành sớm hơn so với dự kiến của Hàn Quốc”, chuyên gia này tuyên bố.

Đồng thời, theo ý kiến của vị giáo sư Hàn Quốc, việc hiện đại hoá nhánh phía Đông với lối tiếp cận tuyến đường sắt Xuyên Siberi có vẻ kém hấp dẫn hơn nhiều so với xây dựng đường ống dẫn khí đốt, dẫn dầu hoặc hệ thống cấp điện theo cùng lộ trình, do đó trong thời gian đáng kể hướng này sẽ chỉ là thứ yếu. 

Thêm vào đó, giờ đây cả Seoul cũng chưa sẵn sàng để khởi động đoàn xe lửa, bởi vì toàn bộ nhánh đường sắt phía Đông từ miền Nam sẽ hoàn thành không sớm hơn năm 2020. Tuy nhiên, việc kết nối các tuyến trên cung đường này sẽ cấp xung lực quan tâm lớn hơn tới việc sử dụng đường sắt Hàn Quốc.

Trước đó, với Tuyên bố Panmunjom được thông qua sau cuộc gặp đầu tiên của các nhà lãnh đạo Moon Jae-in và Kim Jong-un hồi tháng 4/2018, Hàn Quốc và Triều Tiên đồng ý kết nối và hiện đại hoá đường sắt, đường bộ cao tốc trên bờ biển phía Đông và phía Tây của bán đảo Triều Tiên, tiếp đó vào ngày 26 và 28/6 đã diễn ra những cuộc gặp riêng biệt về nội dung này. 

Ngày 20/7 đã thực hiện cuộc kiểm tra chung với đoạn giao lộ đường sắt ở phần phía Đông biên giới, còn ngày 24/7, kiểm tra phần phía Tây.

Trong Tuyên bố chung Bình Nhưỡng, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên xác nhận ý định hợp tác trong lĩnh vực lưu thông đường sắt và đường bộ cao tốc. Kết quả là, tại các cuộc đàm phán hiện tại đã nhất trí được về thời gian tiến hành nghi lễ nối kết đường - hoạt động ý nghĩa này sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 đầu tháng 12./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục