Sự bấp bênh của các thị trường tài chính toàn cầu

06:30' - 20/10/2023
BNEWS Theo trang mạng abc.net.au, các thị trường tài chính toàn cầu đã biến động mạnh trong phần lớn thời gian của năm nay, đặc biệt sự biến động đó đã gia tăng mạnh mẽ trong những tuần gần đây.
* Một hỗn hợp độc hại

Chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố địa chính trị của ba vấn đề là Nga, quan hệ giữa các cường quốc và hiện giờ là Trung Đông, hậu quả ngay lập tức từ các cuộc xung đột khu vực đã gây ra những làn sóng chấn động ngắn hạn tại các thị trường hàng hóa. Về lâu dài, chúng đã đảo ngược các mô hình thương mại và làm “hạ màn” tự do hóa thương mại toàn cầu sau gần 3 thập kỷ, mở ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới có nguy cơ trở nên nhãn tiền và nghiêm trọng. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ để làm chậm tốc độ tăng trưởng và đẩy giá cả lên cao.

Bên cạnh đó, có những yếu tố thậm chí còn lớn hơn đang lan rộng khắp hệ thống tài chính toàn cầu. Trong hơn 3 thập kỷ, lãi suất đã giảm. Đó là một xu hướng đã thúc đẩy các mô hình đầu tư, gửi tiền mặt sẵn có đến các địa điểm có rủi ro ngày càng cao hơn. Điều đó giờ đã kết thúc với mức tăng lãi suất nhanh nhất trong thời hiện đại. Kỷ nguyên của tiền cực rẻ đã đột ngột kết thúc dẫn đến tổn thất lớn trên thị trường trái phiếu toàn cầu; diễn biến tồi tệ nhất trong gần 400 năm.

Thêm vào hỗn hợp độc hại đó là nhận thức rằng hệ thống năng lượng cần được đại tu toàn diện và lượng khí thải từ mọi hình thức công nghiệp cần phải giảm nếu hành tinh này muốn tồn tại. Điều đó khiến các nhà quản lý tiền tệ choáng váng và bối rối.

Trong thời điểm biến động, rủi ro gia tăng, có một chỉ báo hoảng loạn ở Phố Wall. Đó là một chỉ số biến động được gọi là VIX. Mặc dù VIX không ở gần mức của Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 hay các đợt đóng cửa năm 2020 đi kèm với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, chỉ số này đã tăng lên trong những tuần gần đây.            

Một số nhà phân tích đã cố gắng “coi nhẹ” mối nguy hiểm của cuộc xung đột ở Trung Đông. Theo Mohamed El-Erian, Cố vấn trưởng thuộc tập đoàn dịch vụ tài chính Allianz và là Chủ tịch trường Queens' College, Cambridge, nói với Bloomberg News: “May mắn là mỗi khi thị trường tăng vọt sẽ nhanh chóng thu hút hành động điều chỉnh từ các nhà đầu tư. Rủi ro tài chính lớn hiện nay là sự biến động bất thường, có xu hướng phá vỡ mọi thứ. Tuy nhiên, đó là những gì chúng ta đã thấy trong quá khứ. Cho đến nay, hệ thống tài chính đã có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc và tất cả chúng ta nên vui vì điều này".            

Các nhà phân tích cho rằng sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giá năng lượng tăng vọt nhưng kể từ đó giá đã giảm. Mặc dù điều đó là đúng, nhưng giá dầu tăng vọt đi kèm với cuộc xung đột tại Ukraine là một trong những “chất xúc tác” dẫn đến sự gia tăng lạm phát nghiêm trọng mà đến nay vẫn chưa được khắc phục. Và với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đã ảm đạm, tất nhiên một đợt tăng đột biến lớn khác sẽ không được chào đón.

Ngay cả trước thảm kịch Trung Đông, sự thay đổi đột ngột về lãi suất đã bắt đầu bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Như cựu Giám đốc JP Morgan đã lưu ý, “đây là thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ”.             

* Nguy cơ khủng hoảng ngân hàng hiện hữu            

Có một câu nói xưa trong ngành ngân hàng: Nợ ngân hàng 1 triệu USD mà không trả được? Bạn đang gặp rắc rối. Nhưng nợ ngân hàng 1 tỉ USD mà không trả được, ngân hàng lâm vào cảnh khó khăn.            

Các khoản vay chưa trả là một thảm họa đối với những người không còn khả năng trả nợ. Nhưng khi có đủ những người đi vay nhỏ hoặc nhóm những người đi vay rất lớn không thể trả nợ, điều đó có thể nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng, như chúng ta đã chứng kiến vào năm 2008.            

Đó không chỉ là những hộ gia đình trong một thế giới đau đớn. Các chính phủ và tập đoàn trên toàn cầu đã vay mượn rất nhiều trong những thập kỷ gần đây khi lãi suất giảm mạnh. Rất lâu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu có nguy cơ nhen nhóm lại ngọn lửa và các vấn đề tiềm ẩn vẫn chưa bao giờ biến mất.            

Italy, Hy Lạp, Pháp và Ireland đều đang gánh những khoản nợ khổng lồ và chứng kiến số tiền trả nợ tăng vọt. Sau đó là Nhật Bản và còn chưa kể đến những nơi như Venezuela, Sudan hay Lebanon.    

Trong khi đó, một số vấn đề lớn nhất lại nằm ở chính các ngân hàng, đặc biệt là ở Mỹ. Nhiều người trong số họ nắm giữ nợ Chính phủ Mỹ như tài sản. Cho đến đầu năm nay, đây được coi là tài sản an toàn nhất, là bến đỗ an toàn mà mọi người đều hướng tới khi thời điểm không chắc chắn, chẳng hạn như bây giờ.            

Vấn đề là giá trị vốn của những chứng khoán nợ đó, trái phiếu Chính phủ Mỹ, đã giảm mạnh khi lãi suất tăng lên. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại nắm giữ những trái phiếu đó đã không hạ giá chúng xuống giá trị thị trường. Tất cả họ vẫn còn ghi chúng trong sổ sách, được định giá theo giá mua. Điều này sẽ trở thành vấn đề nếu tín dụng cạn kiệt hoặc khách hàng yêu cầu trả lại tiền đặt cọc.            

Nếu các ngân hàng phải bán bất kỳ trái phiếu nào trong số này, như Ngân hàng Thung lũng Silicon và hai ngân hàng khác đã buộc phải làm vào tháng Ba năm nay, những khoản lỗ đó sẽ gây ra một vòng lặp phản hồi tiêu dùng.            

Sự hỗn loạn có thể nhanh chóng tràn vào hệ thống ngân hàng. Chính ý nghĩ về sự sụp đổ của ngân hàng đã tạo ra sự hoảng loạn đến mức các tổ chức tài chính trở nên quá sợ hãi khi giao dịch và hệ thống bị đóng băng.            

Đó là lý do tại sao Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nỗ lực hết sức hồi tháng Ba để nhanh chóng dập tắt các “đám cháy” tài chính. Và đây là điểm đột phá mà El-Erian đang nói đến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục