Sự kiện mua sắm Black Friday năm nay kém sôi động hơn

15:27' - 25/11/2023
BNEWS TD Cowen đã hạ dự báo mức tăng chi tiêu dịp mua sắm này tại Mỹ từ 4-5% xuống 2-3%. Các chương trình giảm giá vào tháng 10 và tháng 11 đã làm giảm sức "nóng" của Black Friday năm nay.

Các tín đồ mua sắm đã ghé thăm các cửa hàng trên khắp thế giới vào ngày Black Friday, ngày bắt đầu mùa mua sắm cuối năm, để "săn" các món đồ điện tử, quần áo và đồ gia dụng giảm giá, dù sự kiện mua sắm năm nay kém sôi động hơn so với những năm trước.

 

TD Cowen, ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Mỹ, đã hạ dự báo mức tăng chi tiêu dịp mua sắm này tại Mỹ từ 4-5% xuống 2-3%. Các chương trình giảm giá vào tháng 10 và tháng 11 đã làm giảm sức "nóng" của Black Friday năm nay.

Nhà phân tích David Klink tại ngân hàng Huntington Private Bank cho rằng các khách hàng đã mua được những gì họ muốn. Do lạm phát và lãi suất cao trong thời gian dài, mức chi của người tiêu dùng Mỹ dịp này được cho là sẽ tăng thấp nhất trong 5 năm.

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, các nhà bán lẻ ở Mỹ đã tung ra chương trình giảm giá sâu từ nhiều tuần trước ngày lễ mua sắm Black Friday. Trong sự kiện bán hàng giảm giá diễn ra vào ngày Thứ Sáu cuối tháng 11 hàng năm này, ngành bán lẻ kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ đạt đỉnh vào cuối tuần này.

Tuy vậy, hầu hết các nhà bán lẻ lớn đã hạn chế tuyển dụng. Họ có thể tiếp tục giảm giá để tránh tồn nhiều hàng vào cuối năm. Sự thận trọng của người tiêu dùng cho thấy những lo ngại về lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng dù nguy cơ suy thoái đã giảm đi.

Hiệp hội bán lẻ quốc gia cho rằng một con số kỷ lục là 130,7 triệu người Mỹ sẽ mua sắm tại các cửa hàng và trực tuyến vào ngày Black Friday năm nay. Tuy nhiên, lượng khách hàng thực tế vắng hơn. Theo khảo sát của Hiệp hội bán lẻ quốc gia vào đầu tháng 11, người tiêu dùng Mỹ dự kiến chi trung bình 875 USD cho dịp mua sắm cuối năm, tăng 42 USD so với năm ngoái.

Các chương trình giảm giá được cho là sẽ rất lớn, cho thấy sức ép đối với các cửa hàng trong việc thu hút khách hàng vốn đang có tâm lý thận trọng do giá một số mặt hàng vẫn cao và những tác động do đại dịch vẫn còn.

Trong khi Black Friday vẫn có ý nghĩa quan trọng, các cửa hàng thực tế đã áp dụng các hình thức khuyến mãi trong nhiều tuần, triển khai các chương trình Black Friday sớm hơn từ tháng 10.

Các ưu đãi sớm cho thấy sự cạnh tranh gia tăng giữa các nhà bán lẻ đang nỗ lực để giành được khách hàng khi có rất nhiều ưu đãi hấp dẫn trên không gian mạng.

Trong khi đó, một số khách hàng sẽ hoãn mua các món đồ có giá trị lớn cho đến gần Giáng sinh. Tờ Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia khuyên rằng người tiêu dùng nên chờ đến tháng 12, khi có những ưu đãi lớn hơn.

Giới chuyên gia cho rằng người tiêu dùng vẫn thận trọng chi tiêu đối với từng mặt hàng giảm giá vì họ vẫn lo lắng về tình hình kinh tế, khi lạm phát vẫn cao và tác động của đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt, cho dù tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Làn sóng giảm giá sâu hơn cho thấy các nhà bán lẻ chịu sức ép lớn trong việc thu hút khách hàng.

Trên thực tế, các cửa hàng ở Mỹ đã áp dụng các chương trình giảm giá từ tháng 10. Điều này cho thấy phần nào tình hình cạnh cạnh gia tăng giữa những công ty bán lẻ trong cuộc đua giảm giá để giành giật thị phần.

Trước tình hình trên, giảng viên cấp cao của trường Kinh doanh SC Johnson thuộc Đại học Cornell (Mỹ), bà Randy Allen, nhận định các nhà bán lẻ quan ngại là điều hiển nhiên giữa bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu. Đó là lý do vì sao các hãng bán lẻ đã kích hoạt chương trình giảm giá khuyến mại từ nhiều tuần qua.

Danh mục sản phẩm được nhiều người săn đón trong mùa giảm giá năm nay vẫn là những sản phẩm đồ chơi lắp ráp Lego, Hot Wheels và hãng sản xuất búp bê Barbie.

Nhu cầu mua sắm vẫn cao đối với các thiết bị trò chơi điện tử như kính thực tế ảo độc lập Meta Quest 3, cùng những thiết bị thông minh thế hệ mới như điện thoại iPhone và máy tính bảng.

Trong khi đó, do lạm phát vẫn cao, nên đối với những mặt hàng tạp hóa và những hàng chủ lực khác, khách hàng chỉ mua khi có chương trình giảm giá. Ông Neil Saunders, Giám đốc quản lý công ty tư vấn và phân tích dữ liệu GlobalData nhận định: “Năm nay, người tiêu dùng sẽ chỉ săn những mặt hàng mà họ thực sự cần và muốn mua, chứ không mua sắm bốc đồng”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục