Sự trỗi dậy và phát triển của trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á

05:30' - 11/12/2024
BNEWS Thị trường trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua, nhờ sự gia tăng người dùng Internet, xu hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và các dịch vụ đám mây.

Theo DC Byte, nguồn cung trung tâm dữ liệu tại các thị trường Đông Nam Á 5 (SEA-5) - gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam - đã tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ hàng năm là 70% trong giai đoạn từ năm 2018 - 2023, trong đó Malaysia đứng đầu về mức tăng trưởng. Dữ liệu do Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC) công bố cho thấy, trong hai năm qua, Malaysia đã nhận được 21,7 tỷ USD đầu tư vào các trung tâm dữ liệu và 33,69 tỷ USD khác đang trong quá trình triển khai.

* Xu hướng tăng trưởng mạnh của trung tâm dữ liệu

Một phần của sự gia tăng này có thể là do hiệu ứng khi Singapore ban hành lệnh hoãn xây dựng các trung tâm dữ liệu mới vào năm 2019. Mặc dù lệnh này đã được dỡ bỏ 3 năm sau đó, nhưng lại được thay thế bằng sáng kiến áp đặt các điều kiện mới và quy trình lựa chọn đối với các trung tâm dữ liệu. Động thái “khép cửa” của Singapore diễn ra trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng, dẫn đến sự chuyển hướng mạnh mẽ dòng vốn đầu tư vào các trung tâm dữ liệu ở các nước láng giềng.

Khi các trung tâm dữ liệu mới được xây dựng trên khắp Đông Nam Á, Malaysia đã dần trở thành nước dẫn đầu nhờ giá bất động sản phải chăng, cơ sở hạ tầng viễn thông mạnh mẽ và nguồn cung cấp điện đáng tin cậy. Chính phủ Malaysia cũng luôn ủng hộ các dự án phát triển trung tâm dữ liệu và tìm cách định vị đất nước trở thành trung tâm khu vực trong nhiều năm.

 

Mới đây, Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (Mida) và MDEC đã phối hợp thành lập Văn phòng Đầu tư Kỹ thuật số. Văn phòng này đóng vai trò là trung tâm một cửa giữa chính phủ và nhà đầu tư để phối hợp và tạo điều kiện cho các khoản đầu tư kỹ thuật số, đẩy nhanh quá trình phát triển các trung tâm dữ liệu.

Năm 2023, Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số Malaysia cũng được tách thành hai bộ riêng biệt là Bộ Kỹ thuật số và Bộ Truyền thông để tập trung tốt hơn vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết nhằm dẫn đầu các nỗ lực số hóa của đất nước.

Nhiều chương trình do chính phủ hậu thuẫn cũng hướng đến mục tiêu đưa Malaysia trở thành quốc gia dẫn đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số và tăng cường sức hấp dẫn của nước này đối với các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu.

* Malaysia - "bến đáp" của các công ty công nghệ toàn cầu

Sự tập trung nhất quán và động lực mới để phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số mạnh mẽ đã mang lại lợi nhuận. Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số Malaysia, Gobind Singh Deo cho biết nước này đã ghi nhận 14,97 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số trong 6 tháng đầu năm 2024, cao hơn so với mức đầu tư của năm 2023.

Sự kết hợp giữa các chính sách thuận lợi của chính phủ và sự gia tăng mạnh mẽ về cơ hội đã dẫn đến xu hướng tăng mạnh các khoản đầu tư và phát triển trung tâm dữ liệu tại Malaysia. Các khoản đầu tư này tạo ra hệ sinh thái trung tâm dữ liệu sôi động và các ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp Malaysia củng cố vị thế như một trung tâm của các trung tâm dữ liệu.

Các công ty dịch vụ đám mây công cộng khổng lồ đã thiết lập hoặc công bố kế hoạch xây dựng các “vùng đám mây” tại Malaysia. Amazon Web Services là công ty đầu tiên ra mắt “vùng đám mây” Malaysia vào tháng 8/2024 với kế hoạch đầu tư 6,60 tỷ USD đến năm 2038.

Đầu năm 2024, Google cũng cam kết phát triển trung tâm dữ liệu đầu tiên và thành lập “vùng đám mây” tại Malaysia với khoản đầu tư 2 tỷ USD, trong khi Microsoft cho biết sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD để thúc đẩy cơ sở hạ tầng đám mây và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mới tại Malaysia.

Malaysia đang tìm cách củng cố vị thế với nỗ lực thành lập Đặc khu kinh tế Johor - Singapore. Ý tưởng này nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa Malaysia và Singapore, tạo hợp lực thu hút nhiều công ty hơn đầu tư vào cả Singapore và Johor ở phía Nam Bán đảo Malaysia. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, kích thích các hoạt động kinh tế và tạo cơ hội việc làm ở cả hai bên biên giới.

Malaysia luôn tự hào có nhiều ngành công nghiệp đa dạng, bao gồm chất bán dẫn, sản xuất thiết bị trung tâm dữ liệu, các siêu đám mây và trung tâm dữ liệu AI. Thông qua khuyến khích đầu tư theo chuỗi giá trị, Malaysia đặt mục tiêu củng cố hệ sinh thái này. Điều này cho phép các nhà điều hành trung tâm dữ liệu tìm nguồn cung ứng tại địa phương để đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn và cung cấp các công việc có giá trị cao thông qua tích hợp hệ sinh thái.

* Từ trung tâm dữ liệu đến trung tâm AI

Các trung tâm dữ liệu đã trở thành “mệnh lệnh” chiến lược trong kỷ nguyên AI, vì AI đòi hỏi lượng lớn sức mạnh tính toán và dữ liệu để đào tạo, thử nghiệm và triển khai các giải pháp và ứng dụng AI. Các trung tâm dữ liệu hiện đại, siêu quy mô ở Malaysia rất phù hợp với sự gia tăng khối lượng công việc AI tạo ra.

Một số dự đoán cho rằng trung tâm dữ liệu AI trong tương lai sẽ chuyển từ Mỹ và châu Âu sang các khu vực khác có dân số đông. Tại Đông Nam Á, Malaysia là địa điểm lý tưởng để trở thành trung tâm AI mới.

Bằng cách khuyến khích đầu tư vào trung tâm dữ liệu và tạo điều kiện cho sự phát triển của chuỗi cung ứng trung tâm dữ liệu, Malaysia đang tạo ra hệ sinh thái mạnh mẽ hỗ trợ phát triển AI và thu hút các "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu thiết lập hoạt động AI của họ tại nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục