Sức chống chịu của kinh tế Pháp trước căng thẳng Nga-Ukraine

06:30' - 20/03/2022
BNEWS Trên bình diện thương mại, Nga không còn là một trong những đối tác lớn. Xuất khẩu từ Pháp sang Nga chỉ chiếm chưa đến 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi mức này của Đức là 2%.

Trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine đang khiến cả thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng, phải đối mặt với những cú sốc về giá khí đốt và dầu mỏ, dường như kinh tế Pháp ít chịu ảnh hưởng hơn do chính sách kết hợp năng lượng của nước này. Bên cạnh đó, quan hệ thương mại của Pháp với Nga cũng không nhiều như các nước trong khu vực.

Tổng hợp quan sát của các chuyên gia kinh tế, nhật báo Les Echos số ra gần đây nhận định tất cả các nền kinh tế phương Tây đang gánh chịu hậu quả khi phải đối mặt với cú sốc kinh tế do căng thẳng Nga-Ukraine tạo ra. Tuy nhiên, so với các nước láng giềng trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Pháp đang ở một vị trí khá thuận lợi, theo nhận xét của Gilles Moëc, nhà kinh tế trưởng tại công ty bảo hiểm đa quốc gia AXA.

* Nga không còn là một trong những đối tác lớn

"Trên bình diện thương mại, Nga không còn là một trong những đối tác lớn. Xuất khẩu từ Pháp sang Nga chỉ chiếm chưa đến 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi mức này của Đức là 2%", chuyên gia Gilles Moëc nhấn mạnh. 

Vào năm 2019, trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang thị trường Nga chỉ ở mức 5,6 tỷ euro, chủ yếu liên quan đến hàng không, dược phẩm, hóa chất, nước hoa, mỹ phẩm và ô tô. Cũng năm đó, Pháp nhập khẩu khoảng gần 9 tỷ euro hàng hóa từ Nga, bao gồm 3,7 tỷ euro mua hydrocarbon và 3 tỷ euro đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế. Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Pháp vào Nga cũng chỉ đạt khoảng 19 tỷ euro vào năm 2020, chiếm 1,5% tổng vốn FDI ra nước ngoài.

Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ giá dầu và khí đốt hiện nay thì chính sách kết hợp năng lượng mà Pháp áp dụng đã cho thấy đó mà một bước đi đúng đắn. Ludovic Subran, chuyên gia kinh tế trưởng của tập đoàn Allianz, cho biết : "Nhờ có năng lượng hạt nhân, chỉ 16% nhu cầu năng lượng của nước này (Pháp) phụ thuộc vào khí đốt, thấp hơn nhiều so với 27% của Đức". 

Hơn nữa, tỷ trọng khí đốt của Nga trong các giao dịch mua bán của Pháp cũng rất thấp, theo ước tính của Eurostat. Mức này của Pháp chỉ là 2,8%, so với gần 17% đối với Đức và 18% đối với Italy.

Thực tế cho thấy việc điều chỉnh thị trường điện theo hướng kết hợp nhiều nguồn đã giúp Pháp bảo đảm được phần nào sự độc lập về năng lượng trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine leo thang. Tất cả những điều này giải thích tại sao Pháp bước vào cuộc khủng hoảng mới với mức lạm phát ít hơn so với các nước khác trong Eurozone, theo giải thích của chuyên gia kinh tế Ludovic Subran. 

Chính sự ổn định này đã giúp chính phủ dễ dàng đưa ra các biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng khi giá gas và điện tăng. Ngay cả trước khi căng thẳng Nga-Ukraine nổ ra, Pháp cũng đã ít chịu ảnh hưởng bởi cú sốc năng lượng như các nước láng giềng. Ví dụ, vào tháng Giêng, giá điện tại nước này chỉ tăng 3,9% trong hơn một năm, so với 62% ở Italy và 11% ở Đức, theo quan sát của chuyên gia Gilles Moëc.

* Dự báo những đợt lạm phát mới

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát ở Pháp hiện đang được duy trì ở mức vừa phải so với một số nước láng giềng. Tuy nhiên, bằng cách đẩy giá khí đốt, dầu mỏ và nguyên liệu nông nghiệp tăng cao, căng thẳng Nga-Ukraine đang báo trước những đợt lạm phát mới. 

"Pháp cũng sẽ không thoát khỏi tình trạng tăng giá, giá lúa mỳ và năng lượng ở nước này có thể tăng đến 4%, so với 3,6% vào tháng Hai", theo dự đoán của Philippe Waechter, Giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Ostrum Asset Management,

Đà tăng trưởng của các nước châu Âu chắc chắn cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng là rất khó vì còn nhiều ẩn số, ví dụ như liệu cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài bao lâu? Giá khí đốt, dầu mỏ hoặc lúa mỳ sẽ ổn định ở mức nào? 

Đối với Pháp, một số chuyên gia kinh tế cho rằng căng thẳng địa chính trị sẽ khiến nước này thiệt hại. Tuy nhiên, Pháp lại có lợi thế hơn do nước này "bắt đầu năm 2022 với mức tăng trưởng vượt trội là 2,4%, so với 1,1% của Đức". Do đó chuyên gia Ludovic Subran đang kỳ vọng mức tăng trưởng ở Pháp là 2,5% vào năm 2022 (giống như ở Đức).

Theo dự báo, căng thẳng ở Ukraine và lạm phát sẽ ảnh hưởng đến hai động lực phát triển của kinh tế Pháp. Thứ nhất là đầu tư sẽ có xu hướng chững lại, do thái độ chờ đợi và nghe ngóng tình hình của giới chủ doanh nghiệp.

Tiếp theo, tiêu dùng và đầu tư của hộ gia đình cũng bị hạn chế. Đối mặt với sự gia tăng chi phí các mặt hàng thiết yếu như năng lượng, thực phẩm, người Pháp có thể sẽ tiết kiệm chi tiêu hơn, hoặc hoãn việc mua các loại hàng không cần thiết khác. 

Chuyên gia Gilles Moëc cho rằng: "Mặc dù khoản tiết kiệm đã được tích lũy một cách đáng kể trong cuộc khủng hoảng sức khỏe vừa qua, nhưng do tình hình căng thẳng hiện nay, nhiều khả năng người Pháp sẽ giữ chặt hầu bao của họ, thay vì chi tiêu phóng khoáng như trước".

Bên cạnh đó, Pháp cũng sẽ phải chịu những hậu quả do hoạt động của các nước trong Eurozone đang chậm lại. Đặc biệt là đối tác đầu tiên của họ, Đức, đang chịu nhiều ảnh hưởng từ căng thẳng Nga-Ukraine. 

Giám đốc Philippe Waechter cũng cảnh báo về rủi ro xã hội ở Pháp do "thị trường việc làm có thể bớt sôi động hơn trong bối cảnh những lo lắng hiện nay". Thêm vào đó,"việc phải trả nhiều tiền hơn cho hóa đơn năng lượng cũng có thể gây ra phản ứng trong xã hội". 

Để hạn chế các tác động kinh tế, các quốc gia sẽ phải triển khai những hệ thống hỗ trợ mới. Và theo nhận định của chuyên gia Ludovic Subran, Pháp và Italy sẽ là những quốc gia, vốn có nhu cầu bù đắp thiệt hại kinh tế, "sẵn sàng chấp nhận bất kỳ giá nào, kể cả giá đắt"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục