Tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với triển vọng kinh tế của Singapore

06:30' - 16/03/2022
BNEWS Bài viết trên báo The Straits Times nhận định nền kinh tế Singapore có thể ít bị tác động trực tiếp bởi cuộc xung đột ở Ukraine hay các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Tuy nhiên, tác động tiềm tàng đối với tăng trưởng toàn cầu và lạm phát đang gia tăng cuối cùng có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế quốc gia Đông Nam Á.

Hợp tác đầu tư và thương mại với Nga chiếm một phần tương đối nhỏ trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế Singapore với khoảng 1,6%, và Nga không phải là một trong những đối tác thương mại lớn của “đảo quốc sư tử”. Tuy nhiên, với tư cách là một trong những nhà xuất khẩu hàng hóa hàng đầu, Nga có ảnh hưởng rất lớn đến giá cả các nguyên liệu thô trong ngành công nghiệp và các dòng thương mại toàn cầu vốn là “phao cứu sinh” của nền kinh tế Singapore.

Căng thẳng Nga-Ukraine và các biện pháp trả đũa của các nền kinh tế lớn phương Tây trên khắp thế giới đang làm trầm trọng thêm sự gián đoạn trong vận tải hàng hóa bằng đường biển. Cụ thể là các nước này bổ sung thêm quá trình kiểm tra phức tạp đối với các giao dịch tài chính và kiểm tra hàng hóa trên thực tế nhằm tuân thủ các lệnh trừng phạt. Sự trì hoãn đang làm tăng giá nhiên liệu, lúa mỳ và kim loại công nghiệp vốn đã leo thang.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong ngày 28/2 phát biểu: “Cuộc khủng hoảng Ukraine đã phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế của chúng ta”, mặc dù tác động thực tế đối với tăng trưởng GDP và lạm phát của Singapore sẽ phụ thuộc vào việc cuộc xung đột Ukraine diễn ra như thế nào.    

Mặc dù Bộ trưởng Gan phát biểu rằng Chính phủ hiện duy trì dự báo kinh tế của năm 2022, bao gồm tăng trưởng GDP từ 3-5%, lạm phát tiêu dùng tổng thể từ 2,5-3,5% và lạm phát cơ bản từ 2-3%, nhưng cảnh báo đối với những lĩnh vực này đã bắt đầu gia tăng. Ngày 7/3 vừa qua, Bộ trưởng Gan đã phát biểu trước Quốc hội rằng: “Tác động gián tiếp và dài hạn của cuộc xung đột Ukraine đối với Singapore sẽ là đáng kể”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt sẽ có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. IMF ngày 5/3 cho biết: “Mặc dù tình hình vẫn liên tục thay đổi và triển vọng không chắc chắn, nhưng hậu quả kinh tế là rất nghiêm trọng. Quỹ sẽ cố vấn các quốc gia thành viên về cách thức điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô để xử lý một loạt vấn đề như gián đoạn thương mại, giá lương thực và các hàng hóa khác cũng như biến động trên các thị trường tài chính”.

Viện nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia (NIESR) - tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở ở London (Anh) - đã định lượng tác động đối với nền kinh tế toàn cầu nếu cuộc xung đột Ukraine kéo dài. NIESR cho rằng cuộc xung đột này có thể gây ra những vấn đề về nguồn cung mà có thể làm giảm 1% GDP toàn cầu, hay khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2023.

Điều đó khiến cuộc khủng hoảng này có thể so sánh với cú sốc giá dầu năm 1973 khi lệnh cấm vận mà Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) áp đặt đối với các nền kinh tế phương Tây đã dẫn đến sự gia tăng đột ngột giá dầu và làm mất đi khoảng 0,9% tăng trưởng toàn cầu mỗi năm.

NIESR cho biết thêm, ngoài việc làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, những vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ đẩy giá tiêu dùng lên, làm tăng thêm tới 3% lạm phát toàn cầu trong năm 2022.

Giá dầu Brent phiên 7/3 đã lần đầu tiên chạm mức cao 139 USD/thùng kể từ năm 2008. Giá lúa mỳ tăng lên 12.940 USD/bushel (1 lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg), đây là mức cao nhất kể từ năm 2008. Các kim loại then chốt trong ngành công nghiệp như đồng có giá 10.835 USD/tấn và nhôm 4.000 USD/tấn cũng đã được giao dịch ở mức cao nhất mọi thời đại.

Bà Sonal Verma, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Ấn Độ và châu Á (trừ Nhật Bản) của công ty tài chính Nomura chi nhánh Singapore, đánh giá giá dầu cứ tăng 10% thì có thể làm giảm 0,03 điểm phần trăm tăng trưởng GDP và tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lạm phát của Singapore. Trong năm nay, giá dầu Brent đến nay đã tăng khoảng 66%.

A.P. Moller-Maersk, một trong những hãng vận tải container lớn nhất thế giới, gần đây đã gia nhập danh sách mở rộng các hãng vận tải đường biển tạm dừng các đơn đặt hàng đối với hàng hóa của Nga. Công ty cho biết các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đang làm tăng chi phí vận tải bằng việc làm phức tạp thêm quá trình di chuyển hàng hóa.

Trong bản cập nhật ngày 4/3, Maersk cho biết các cơ quan hải quan trong Liên minh châu Âu (EU) và Anh đang kiểm tra tất cả các đơn vị đi và đến từ Nga quá cảnh qua các ga và cảng của họ để xác định các lô hàng bị trừng phạt hay hạn chế, chủ yếu tập trung vào các bên và hàng hóa bị trừng phạt.

Hãng này cho biết: “Đây là hậu quả trực tiếp của các lệnh trừng phạt, nhưng cũng có tác động gián tiếp khi tất cả hàng hóa đều bị trì hoãn và các trung tâm trung chuyển của chúng tôi đang bị tắc nghẽn, làm ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng của các khách hàng của chúng tôi. Đây là ảnh hưởng toàn cầu, không chỉ giới hạn ở thương mại với Nga”.

Bà Verma cho rằng cuộc xung đột đang diễn ra đem lại rủi ro cho cả nhu cầu và chuỗi cung ứng vốn chỉ bắt đầu phục hồi từ cú sốc của biến thể Delta trong đại dịch COVID-19 vào năm ngoái. Bà cho biết tỷ lệ tồn kho hàng công nghiệp của Đông Bắc Á, một thước đo chính để đo lường những hạn chế về nguồn cung, đã tăng từ 0,99 hồi tháng 6/2021 lên 1,07 trong các thống kê mới đây, gần với thời điểm năm 2019 trước khi đại dịch bùng phát. Bà Verma lưu ý tỷ lệ này phản ánh lượng hàng tồn kho nhiều hơn. Bà cảnh báo cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra có thể đe dọa chuỗi cung ứng một lần nữa, với phí vận tải và logistics có thể sẽ tăng lên.

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng DBS Taimur Baig cho biết, các cú sốc về cung ứng có thể dẫn đến sự hủy hoại về nhu cầu. Theo ông, giá cả cao sẽ kéo dài trong nhiều tháng tới và sẽ làm tổn thương đáng kể đến tâm lý, bảng quyết toán và mức độ tín dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục