Tác động của những xu hướng toàn cầu hậu COVID-19 đối với Singapore

05:30' - 03/02/2021
BNEWS Đại dịch COVID-19 và các biện pháp đối phó đã góp phần đẩy nhanh 5 xu hướng mang tính cơ cấu dài hạn đã tồn tại trước đó trong nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Singapore.

Theo bài viết trên tờ The Straits Times, một năm trôi qua, đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 và các biện pháp đối phó của chính phủ, doanh nghiệp và người dân đã góp phần làm đẩy nhanh 5 xu hướng mang tính cơ cấu dài hạn đã tồn tại trước đó trong nền kinh tế toàn cầu. Mỗi xu hướng đều có tác động nhất định đối với nền kinh tế Singapore trong tương lai.

* 5 xu hướng mang tính cơ cấu dài hạn 

Thứ nhất, những tiến bộ về công nghệ trong tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và số hóa trong dịch vụ và sản xuất sẽ giảm bớt cường độ lao động, gia tăng năng suất và tạo ra các cơ hội thị trường mới. Những sự tiến bộ này được hoan nghênh trong một thị trường lao động thịnh vượng nhưng thiếu hụt lao động kinh niên và đang già đi nhanh chóng của Singapore.

Thứ hai là quá trình phi toàn cầu hóa đang diễn ra, giảm tăng trưởng trong đi lại, vận tải và các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi tác động của các chính sách theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.

Thứ ba, những sức ép gia tăng đối với việc giảm nhẹ tình trạng biến đổi khí hậu đòi hỏi phải giảm bớt việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm các ngành sử dụng nhiều năng lượng và có hình thức xử lý nghiêm đối với những quốc gia chưa đủ nỗ lực chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.

Thứ tư, những căng thẳng địa chính trị gay gắt - chủ yếu là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc - đã làm gia tăng sức ép buộc các nước thứ ba phải "lựa chọn" giữa hai siêu cường này trong các cơ chế chính sách và đầu tư quốc tế.

Thứ năm, những thách thức về chính trị, xã hội và tri thức đối với trào lưu chính thống tân tự do, trào lưu chính thống thị trường và chủ nghĩa tư bản cổ đông đã gia tăng ở các nền kinh tế lớn.

Những thách thức này tập trung chủ yếu vào việc phải giảm bớt tình trạng bất bình đẳng trong nước mà đại dịch gây ra. Những điều này đang khiến các khoản đầu tư tư nhân phải tuân theo các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và DEI (đa dạng hóa, công bằng và bao trùm), thay vì các tiêu chuẩn tài chính đơn thuần.

Cùng nhau, những xu hướng đan xen này thách thức sâu sắc con đường tương lai của các lĩnh vực kinh tế chủ đạo của Singapore, trong đó có du lịch, Mice (hội nghị, triển lãm), dầu khí, hàng hải và hàng không, hóa chất nặng và điện tử, đồng thời thúc đẩy các lĩnh vực mới có nhiều cơ hội như giao dịch carbon và tài chính, y tế và giáo dục kỹ thuật số, giải trí trực tuyến và đổi mới sáng tạo chăm sóc người già. 

* Những thách thức 

Trong khi đó, những xu hướng này cũng thách thức mô hình được thiết lập từ lâu của Singapore về phát triển kinh tế do nhà nước chỉ đạo là theo hướng xuất khẩu, được dẫn dắt bởi đầu tư nước ngoài, tập trung vào sản xuất một cách không cân xứng và phụ thuộc vào kỹ năng, lao động nước ngoài.

Thứ nhất, đối với sự chỉ đạo của nhà nước, sự hỗ trợ của chính phủ như sử dụng miễn giảm thuế và các khoản trợ cấp để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy các ngành nghề mục tiêu, đều ít được quốc tế chấp nhận về mặt chính trị (như Mỹ và Liên minh châu Âu coi việc Trung Quốc sử dụng những chính sách thống kê và hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước là "cạnh tranh không công bằng") hoặc ngày càng được coi là "chính sách công nghiệp quốc gia chiến lược", đặc biệt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo về công nghệ (đã diễn ra ở Trung Quốc, ngày càng gia tăng ở Liên minh châu Âu và Anh, và sẽ sớm xuất hiện ở Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden). 

Trong khi đó, dù là sự phản đối hay cạnh tranh quốc tế thắng thế thì Singapore cũng sẽ rất khó thu hút được đầu tư thông qua việc sử dụng cái gọi là "những sáng kiến đầu tư". Nếu cạnh tranh toàn cầu trở thành cạnh tranh giữa các quốc gia để hỗ trợ cho công nghệ, ngành nghề và công ty cụ thể bên trong các đường biên giới quốc gia của mình, thì các nước có thị trường lớn hơn, có năng lực sản xuất và tài khóa tuyệt đối sẽ giành chiến thắng.

Để có một lựa chọn thay thế, Singapore cần đề ra những cách thức để khuyến khích và cho phép sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực tư nhân địa phương, trong đó có việc nhượng lại một số lĩnh vực hoạt động hiện đang bị chi phối bởi các công ty có liên quan đến chính phủ.

Thứ hai, định hướng xuất khẩu là cần thiết đối với Singapore do quy mô nhỏ của nền kinh tế. Nhưng những xu hướng toàn cầu cho thấy Singapore cần tham gia thị trường lớn hơn. Điều này đòi hỏi phải chuyển từ việc tập trung vào các thị trường điểm đến ở xa như Mỹ, châu Âu, và thậm chí là Nhật Bản và Trung Quốc, sang khu vực Đông Nam Á láng giềng, nơi Singapore có những lợi thế về địa lý, nguồn lực, công nghệ, chính trị và văn hóa mà có thể ít nhất phần nào chống lại những chính sách theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cũng đang nổi lên trong khu vực.

Thứ ba, đầu tư nước ngoài sẽ vẫn là yếu tố cần thiết, như đối với bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, yếu tố này sẽ bị thách thức bởi những nỗ lực của các nước đầu tư nhằm "đưa công ăn việc làm trở lại trong nước", giảm bớt sự độc quyền của các công ty lớn trước những thay đổi công nghệ "người thắng giành được tất cả", chống lại "cạnh tranh nước ngoài không công bằng", nhằm tránh "rò rỉ công nghệ" và tránh thu thuế cao hơn đối với các công ty và cá nhân giàu có để tài trợ cho việc mở rộng chính sách công nghiệp trong nước và mạng lưới an sinh xã hội.

Để tránh những điều này, đầu tư nước ngoài hướng nội sẽ cần được tập trung vào những đặc tính riêng của Singapore và Đông Nam Á với tư cách là các nước chủ nhà. 

Thứ tư, lĩnh vực sản xuất tiên tiến mà Singapore muốn có cũng được các nước chủ nhà của các nhà đầu tư đa quốc gia khao khát vì đây đã trở thành lĩnh vực chiến lược đáng được bảo vệ và trợ cấp. Trong bối cảnh đó, mức độ sử dụng nhiều năng lượng mà ngành sản xuất như vậy đòi hỏi trong sản xuất và vận chuyển đường dài cũng cản trở việc giảm bớt tình trạng biến đổi khí hậu.

Sản xuất chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều trong nền kinh tế Singapore so với của bất kỳ thành phố toàn cầu hay nền kinh tế tiên tiến nào khác (trừ Hàn Quốc). Hoạt động này nên được thu nhỏ hoặc chuyển đổi thông qua các công nghệ mới và các định hướng tiếp thị để tập trung vào khu vực thay vì toàn cầu và sử dụng ít năng lượng hơn.

Thứ năm, sự phụ thuộc vào kỹ năng và lao động nước ngoài sẽ được giảm bớt nhờ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật số, trong đó có các lĩnh vực như xây dựng, bán lẻ và một số ngành dịch vụ.

Ví dụ, kỹ thuật số hóa tạo điều kiện cho làm việc từ xa và một "lực lượng lao động phân tán", làm gia tăng nhu cầu đối với các dịch vụ, nhưng kỹ thuật số hóa cũng làm gia tăng cạnh tranh về mặt cung.

Điều này tạo điều kiện cho một người ở Singapore làm việc tại nhà cho một nhà tuyển dụng và sản xuất cho một thị trường được đặt ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, song cũng đặt chính người đó ở Singapore vào cuộc cạnh tranh với những kỹ năng tương tự ở những nơi khác.

Vì vậy, thay vì khách hàng tuyển dụng "nhân tài nước ngoài" người Ấn Độ hay người Trung Quốc ở Singapore, họ có thể tuyển dụng ngay tại quê nhà với chi phí thấp hơn và mức lương thấp hơn. 

Ở Mỹ, chúng ta đã chứng kiến các công ty công nghệ ngày càng sẵn sàng tuyển dụng nhân tài bên ngoài các trung tâm công nghệ lớn như Thung lũng Silicon, Seattle và New York, thường với mức lương thấp hơn. Điều này đã khiến cho giá bất động sản thương mại và nhà ở cũng như giá thuế ở những khu vực đắt đỏ này giảm xuống. Điều này tốt cho cả doanh nghiệp (chi phí thấp hơn) lẫn người lao động (nhà ở giá cả phải chăng hơn).

* Hệ sinh thái độc lập 

Những xu hướng toàn cầu hậu COVID-19 sẽ vừa thúc ép vừa tạo điều kiện để Singapore phát triển những năng lực bản địa duy nhất và vô hình mà ít phụ thuộc hơn vào lao động, nhân tài và nguồn vốn nước ngoài, vào các thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu, vào sản xuất và sự chỉ đạo, hỗ trợ và quyền độc quyền của nhà nước. 

Thay vào đó, Singapore cần phát triển một hệ sinh thái tạo ra các doanh nghiệp tư nhân độc lập thay vì các doanh nghiệp gắn với nhà nước hay phụ thuộc vào nhà nước, tập trung vào thị trường khu vực gần gũi thay vì thị trường toàn cầu ở xa, và bền vững về mặt môi trường và xã hội trong khu vực cũng như quốc tế. 

Bất kỳ vai trò "trung tâm" nào cũng có khả năng và an toàn hơn nếu dựa vào việc Singapore là "trung tâm gốc", là nơi xuất xứ của những sản phẩm và dịch vụ duy nhất cho thế giới, thay vì là một "trung tâm kết nối" giữa các bên tham gia khác – một vai trò mà nhiều nước khác có thể thực hiện, làm cho vai trò trung tâm này dễ dàng bị bỏ qua hoặc bị thay thế. 

Những ngành nghề và lĩnh vực nào sẽ xuất hiện từ quá trình tái cơ cấu như vậy sẽ là kết quả của việc các lực lượng thị trường thay đổi theo những hướng không thể dự đoán, những rủi ro và chiến lược mà các doanh nhân tư nhân thực hiện để lường trước và đối phó với những rủi ro đó, dựa trên những nền tảng xã hội, giáo dục và cơ sở hạ tầng được xây dựng bởi nhà nước và xã hội dân sự./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục