Tài chính toàn diện giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

08:39' - 18/10/2020
BNEWS Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đã giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo, người có thu nhập thấp.
Với việc thúc đẩy dòng tiền và tái phân phối nguồn vốn trong xã hội, tài chính toàn diện đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển các quốc gia, giúp những người dân nghèo có khả năng tiếp cận nguồn tín dụng để thay đổi phương thức sinh kế, nâng cao năng lực sản xuất để gia tăng thu nhập và hạn chế tình trạng dễ bị tổn thương.

Tài chính toàn diện hay còn gọi là tài chính bao trùm, là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện và phù hợp với nhu cầu, thông qua đó góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Liên Hợp Quốc đã xác định tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt 7 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Nhóm G20 đã coi tài chính toàn diện là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển từ năm 2009. Các nước ASEAN cũng xác định tài chính toàn diện là một trong ba trụ cột cho Tầm nhìn ASEAN 2025 và đã thành lập Ủy ban Công tác về tài chính toàn diện (WC-FINC) từ năm 2016 với mục tiêu hợp tác thúc đẩy tài chính toàn diện ở các nước thành viên và trong khu vực.

Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 60 quốc gia xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; trong đó, đưa ra nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính như: giảm chi phí, nâng cao tính an toàn và thuận tiện của các dịch vụ tài chính, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là những người chưa từng được các ngân hàng phục vụ.

Theo các chuyên gia kinh tế, khái niệm tài chính toàn diện còn khá mới tại Việt Nam nhưng bản chất của vấn đề này đã được Chính phủ quan tâm từ nhiều năm trước.

Theo đó, Chính phủ đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách cụ thể hướng đến đối tượng của tài chính toàn diện như Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a/2008/NĐ-CP), Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg), Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP), Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 (theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 6/12/2011)...

Ngoài ra, nhiều chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên, hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở những vùng khó khăn, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… đã được áp dụng.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, việc triển khai thực hiện tài chính toàn diện đóng góp lớn vào xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, tài chính toàn diện mang lại những lợi ích rất lớn đối với người nghèo ở nông thôn như giúp gia tăng tiết kiệm và đầu tư, hỗ trợ công cuộc xóa đói giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen.

Tại Việt Nam, tài chính toàn diện giúp cho người nghèo tiếp cận tài chính dễ dàng hơn thông qua các Quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đã giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Mặc dù vốn của các tổ chức này là các khoản nhỏ nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi những khoản vay này đến được với người nghèo và cận nghèo đúng thời điểm cần thiết, giúp khởi tạo sản xuất kinh doanh, tạo dựng tài sản, ổn định chi tiêu và từng bước giúp bước ra khỏi tình trạng đói nghèo để phát triển sản xuất, làm giàu cho kinh tế gia đình.

Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và đại lý ngân hàng), ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội có ít nhất từ 25 - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng từ 20 - 25% hàng năm. Đặc biệt dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%.

Bà Quách Tường Vy, Phó Cục trưởng Cục III, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với Quỹ tín dụng nhân dân, tính đến 30/6/2020, toàn hệ thống gồm có 1.182 quỹ, hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố với gần 1,76 triệu thành viên tham gia, đạt bình quân 1.448 thành viên/quỹ.

Tổng nguồn vốn của các Quỹ tín dụng nhân dân trên 136.125 tỷ đồng, tăng 7,6% so với 31/12/2019 và tăng 51,1% so với 31/12/2016. Tổng dư nợ Quỹ tín dụng nhân dân đến 30/6/2020 đạt trên 98.590 tỷ đồng, giảm 1,8% so với 31/12/2019 và tăng 40,2% so với 31/12/2016, tập trung ở cấp tín dụng ngắn hạn.

Đối với các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng như báo cáo của các Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố, tính đến 30/6/2020, cả nước đã có 4 tổ chức tài chính vi mô đã được cấp phép với mạng lưới 61 chi nhánh hoạt động tại 23 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Số lượng thành viên lên tới 589.558 khách hàng và số lượng được vay vốn lên tới 462.996 khách hàng. Tổng tài sản đạt gần 7.740 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2019, tổng dư nợ cho vay gần 6.710 tỷ đồng.

Là ngân hàng đảm nhiệm vai trò chủ lực trong phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn, ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, các hoạt động của Agribank trong thực hiện tài chính toàn diện được thể hiện khá rõ nét, là “cầu nối” đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cả nước, có cơ hội được tiếp cận và hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước.

Theo đó, tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại Agribank duy trì mức xấp xỉ 70% tổng dư nợ cho vay, chiếm trên 50% thị phần này trong nước… Trong giai đoạn tới, Agribank phấn đấu duy trì tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn từ 65 - 70% dư nợ cho vay nền kinh tế. Tăng trưởng sản phẩm dịch vụ trên 15%; trong đó đẩy mạnh tăng trưởng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, duy trì và mở rộng cơ sở khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế vẫn còn nhiều rào cản trong thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam như cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính chưa cao, mức độ hiểu biết tài chính của người nghèo còn thấp. Đặc biệt tài chính toàn diện sẽ khó được thúc đẩy nếu người dân không được mở tài khoản trực tuyến, không có hệ thống tài khoản đa cấp độ, không có hệ thống đại lý ngân hàng - cánh tay nối dài của ngân hàng - để làm điểm nạp và rút tiền...

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho rằng để góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, cần mở rộng số lượng người tiếp cận tài chính toàn diện với chi phí hợp lý, dịch vụ đáng tin cậy. Vì vậy, mọi dịch vụ ngân hàng đều phải được làm trên chiếc điện thoại di động. Theo ông Phạm Tiến Dũng nếu chưa làm được điều này nghĩa là chưa phổ cập được tài chính toàn diện.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính, cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ tài chính tới các đối tượng có nhu cầu với chi phí, phương tiện, thủ tục hợp lý… cũng là những giải pháp để phát huy vai trò của tài chính toàn diện./.

>>Agribank hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia bằng những hành động cụ thể

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục