Tạo chuyển biến để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường trong Hiệp định EVFTA

14:23' - 25/11/2022
BNEWS Sau 2 năm thực thi, EVFTA đã thể hiện rõ hiệu quả tích cực tới tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước EU. Đặc biệt, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng.

Sau 2 năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU EVFTA đã thể hiện rõ những hiệu quả tích cực tới tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước EU. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng “cao tốc EVFTA” để gia tăng hợp tác và giá trị xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Theo đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong EU đều ghi nhận tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực. Đáng chú ý, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa hơn nữa.

Tuy gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu nhưng số lượng hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn mang thương hiệu nước ngoài.

Đây là nội dung chính được các chuyên gia bàn thảo tại Toạ đàm Xuất khẩu hàng hoá với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 25/11 tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, EU là thị trường xúc tiến xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam và sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nếu có thương hiệu tại thị trường EU không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn có điều kiện và cơ hội để lan tỏa thương hiệu cũng như sản phẩm tại các thị trường khác trên thế giới.

Chính vì vậy, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã ưu tiên nhiều hoạt động trọng tâm với thị trường EU nhằm giúp cho doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo bảo vệ thương hiệu tại thị trường này.

Đơn cử, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức hàng loạt các phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường EU để giúp cho các doanh nghiệp nhận biết được nhu cầu, xu hướng thị trường, các quy định, chính sách cập nhật của thị trường EU để có thể điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường EU và có những chiến lược, kế hoạch phát triển thương hiệu sản phẩm phù hợp với thị trường EU.

Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng rất ưu tiên thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ nâng tầm nhận thức cho doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại thị trường EU thông qua hàng loạt các chương trình, hội nghị, hội thảo, đào tạo và tập huấn.

Ngoài ra, phối hợp với hệ thống thương vụ Việt Nam tại khu vực EU để xây dựng và phát triển các showroom trưng bày hàng hóa cho doanh nghiệp tại trụ sở của các thương vụ để giới thiệu, quảng bá tới các đối tác tại EU.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19,  Cục Xúc tiến thương mại cũng thực hiện hàng loạt các cuộc giao thương trực tuyến với các thị trường ở trên thế giới và trong đó EU là một thị trường trọng tâm nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng những ưu đãi từ EVFTA. Điều này nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm và phát triển thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp.

Mặt khác, Cục Xúc tiến thương mại còn phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương trên cả nước thực hiện những kế hoạch, những chương trình, chiến lược giúp cho việc tuyên truyền quảng bá về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho địa phương, các doanh nghiệp ở thị trường EU.

Song song đó, Cục cũng thông qua việc ứng dụng nền tảng mạng xã hội hoặc sử dụng những kênh truyền thông tại thị trường EU để tạo đòn bẩy giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh lâu bền ở thị trường tiềm năng này.

Chia sẻ thêm về thị trường EU, theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP  (Hapro), EU là một trong những thị trường chiến lược của Hapro và chiếm tới trên 30% thị phần. Đặc biệt, cả trước và sau khi EVFTA có hiệu lực, sản phẩm của Hapro xuất khẩu đềuđược lợi thế ưu đãi hơn về thuế.

Cùng đó, tiếng vang của Hiệp định EVFTA làm cho khách hàng quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam hơn, nhất là những sản phẩm cùng cạnh tranh về giá và chất lượng.

Nếu như trước đây khách hàng thường ưu tiên sản phẩm Thái Lan, Malaysia, Indonesia thì nay hàng hoá Việt Nam đã có sức cạnh tranh nhiều hơn, nhất là sau khi Hapro cũng lọt vào Top các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản lớn và các mặt hàng gạo, hạt tiêu, hạt điều.

Và gần đây nhất, Hapro đã được Bộ Công Thương công nhận lần thứ 7 về Thương hiệu quốc gia; trong đó, có sản phẩm gạo. Đáng lưu ý, khách hàng cũng bày tỏ sự quan tâm đến uy tín của Hapro nhiều hơn về kết quả sau khi EVFTA có hiệu lực.

Tuy nhiên, ông Lê Anh Tuấn cũng chỉ ra rằng, khi xúc tiến sản phẩm sang thị trường EU, bên cạnh vai trò hỗ trợ của cơ quan thương mại Việt Nam tại nước ngoài, doanh nghiệp phải có sự đầu tư mới có thể xâm nhập được thị trường bởi không thể đi bằng phương tiện thô sơ trên đường cao tốc.

Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, xu hướng hiện tại đối với doanh nghiệp Đức muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất và chuỗi cung ứng để không bị phụ thuộc vào một quốc gia hay một đối tác nào cụ thể.

Thực tế này cho thấy lợi ích với doanh nghiệp trong nước từ những cơ hội đầu tư từ phía doanh nghiệp Đức trong việc tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh. Bởi Việt Nam là 1 trong 2 nước ở Đông Nam Á mà Đức coi trọng và luôn được ưu tiên trong việc lựa chọn đầu tư.

Thế nhưng, theo bà Đào Thu Trang, tới đây cần phải tăng cường tính hiệu quả của việc thực thi EVFTA bằng việc thêm những văn bản pháp luật để cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam trên đường cao tốc.

Hơn nữa, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tăng khả năng cạnh tranh để không chỉ đảm bảo về những yêu cầu về chất lượng sản phẩm, những chứng chỉ và kể cả về những nội dung liên quan đến bao bì, nhãn mác.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng nên tổ chức thêm các khoá đào tạo nguồn nhân lực, nghề nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp ở Việt Nam có thể sản xuất và đảm bảo quy trình sản xuất theo đúng những tiêu chuẩn của EU đặt ra.

Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho rằng, nên mở rộng diện hàng hóa có thương hiệu Việt Nam thay gia tăng bằng số lượng thương hiệu Việt. Việc này đồng nghĩa nâng cao chất lượng xuất khẩu của các sản phẩm mang thương hiệu Việt để tăng thêm sức nặng cho hàng Việt tại thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.

 

Đơn cử như việc Thương vụ đã đưa thương hiệu gạo Lộc Trời vào thị trường Pháp thì không thể trong thời gian ngắn trước mắt tôi lại đưa tiếp một thương hiệu gạo khác vào để quảng bá.  Điều này vô hình chung sẽ tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các thương hiệu Việt.

Nhấn mạnh về những giải pháphỗ trợ đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU nói chung cũng như là thị trường xuất khẩu nước ngoài nói riêng, bà Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định, xây dựng thương hiệu  tập trung vào những nhóm, mặt hàng tạo ra những cánh chim đầu đàn. Do đó, doanh nghiệp cần chung tay cùng nhau phát triển thương hiệu cho những nhóm sản phẩm Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, hiện tại nguồn lực dành cho xúc tiến thương mại còn rất eo hẹp nhưng Cục Xúc tiến thương mại cũng cố gắng tối đa để tận dụng những nguồn lực một cách hiệu quả nhất để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu nhằm đứng vững ở thị trường EU.

Thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào những nhóm, mặt hàng đủ năng lực để bứt phá ở thị trường châu Âu để ưu tiên đẩy mạnh trọng tâm hỗ trợ, qua đó xây dựng được những cánh chim đầu đàn trong việc phát triển thương hiệu; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho rằng, khi doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU cần phải nghiên cứu rất rõ đối thủ cạnh tranh trên thị trường này cũng như cách đối thủ xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phải chú trọng nghiên cứu, tìm kiếm chuyên gia tư vấn nhằm lan tỏa thương hiệu. Hơn nữa, cần tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp nhiều hơn để cùng nhau phát triển những thương hiệu cho những nhóm sản phẩm, thay vì cạnh tranh lẫn nhau như như hiện nay.

Thống kê từ Bộ Công Thương, sau 2 năm thực thi, EVFTA mang lại kết quả tích cực cho xuất khẩu Việt Nam tại thị trường EU. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU giai đoạn từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2022 đạt 83,4 tỷ USD (trung bình 41,7 tỷ USD/năm), cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019.Tuy nhiên, dư địa của thị trường EU còn rất lớn, hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần với giá trị nhập khẩu lên tới 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.

Dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, nhưng thực tế vẫn chưa có nhiều sản phẩm gắn thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam được phân phối ở thị trường EU. Nhiều sản phẩm Việt Nam đang được xuất khẩu vào thị trường quốc tế nhưng lại đứng dưới tên thương hiệu của quốc gia khác.

Nguyên nhân bởi doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của phát triển thương hiệu tại thị trường xuất khẩu. Hơn nữa, doanh nghiệp thường tập trung vào tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nên việc nhận thức về vai trò của phát triển thương hiệu chưa được quan tâm đúng đắn. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng và an toàn thực phẩm, năng lực chế biến cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế cũng là những điểm hạn chế mà doanh nghiệp cần cải thiện trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục