Tết buồn tại làng cá bè Biên Hòa

06:16' - 28/01/2016
BNEWS Những năm trước, gần Tết Nguyên đán, làng cá bè TP. Biên Hòa trên sông Đồng Nai thường tập nập cảnh bán mua. Năm nay, hàng trăm tấn cá tại làng bè bị chết chỉ trong một đêm.
Cá bè nuôi chết nổi trắng mặt nước tại một bè nuôi trên sông Đồng Nai. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN
Những năm trước, gần Tết Nguyên đán, tại làng cá bè thành phố Biên Hòa trên sông Đồng Nai (đoạn qua xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) lại tập nập cảnh bán mua, rộn rã tiếng cười. Năm nay, chỉ trong một đêm, hàng trăm tấn cá tại làng bè bị chết, người nuôi rơi vào cảnh trắng tay. Tết Bính Thân 2016, không khí chộn rộn biến mất, làng bè rơi vào vắng lặng. 

Xuôi thuyền đi dọc làng cá bè Biên Hòa vào một chiều cuối năm, hình ảnh mà chúng tôi bắt gặp nhiều nhất là những người đàn ông, đàn bà im lặng, tần ngần nơi những bè cá. Ánh mắt của những người dân này hòa vào ánh chiều chạng vạng, mờ xám. Thấy thuyền lạ ghé thăm nhưng gương mặt họ vẫn thẫn thờ không để ý. 

Ông Nguyễn Văn Hải (một hộ dân làng bè) hoài niệm: “Năm ngoái, từ trước Tết Ất Mùi khoảng 15 ngày là thương lái trong, ngoài tỉnh đổ về làng bè mua cá. Ở đây, hộ ít bán vài ba tấn, hộ nhiều xuất hơn vài chục tấn, chỉ dịp Tết, dân đã thu lãi từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Có tiền, dân làng bè đi siêu thị mua sắm đồ đón Tết, nhiều người chi tiền mua cây cảnh để chơi những ngày Xuân”. 

Thế nhưng, Tết Bính Thân 2016 mọi thứ thay đổi, cá của dân bị chết sạch nên họ không còn gì để bán, dân làng bè vì thế sợ Tết. Ngoài ra, do không có sẵn nguồn vốn nên đa phần ngư dân làng bè kinh doanh theo hình thức ký nợ các khoản giống, thức ăn chăn nuôi, khi thu hoạch, họ dùng tiền bán cá chi trả, nay cá chết, dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. 

Những ngày qua, ông Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1962) phải chạy ngược, chạy xuôi để thương lượng, xin chủ đại lý thức ăn chăn nuôi, cơ sở cung cấp giống lùi thời gian trả nợ sang vụ cá tới. Ông Dương cho biết, vụ cá vừa rồi ông nợ tiền thức ăn, tiền giống lên đến 700 triệu đồng. Cá chết, ông không có ở nhà, mà có ở nhà cũng chẳng có tài sản gì giá trị để gán nợ. Từng đi xin khất nợ nhiều lần, ban đầu họ bắt phải trả trong tháng 2 hoặc chậm nhất là tháng 3/2016, ông phải thuyết phục, trần tình mãi họ mới miễn cưỡng cho giãn thời gian thu nợ đến mùa cá kế tiếp. 

Theo ông Dương, để tiếp tục nuôi cá, ông đã đi vay được 300 triệu đồng để mua giống, nâng cấp bè. Dù đã có thâm niên hơn 25 năm nuôi cá, nhưng vụ cá này làm ông lo lắng, hồi hộp và hy vọng nhất. Nếu may mắn, gia đình sẽ có tiền trả bớt nợ, trong trường hợp cá tiếp tục bị chết tình cảnh gia đình ông và hàng trăm hộ dân ở đây sẽ bi đát hơn nhiều so với hiện tại. 

Đến nay, anh Lê Đình Quyền đã có hơn 20 năm nuôi cá tại làng bè Biên Hòa. Anh tâm sự: “Ở làng bè Biên Hòa, tình trạng cá chết năm nào cũng diễn ra, nhưng lần cá chết vào đầu tháng 1/2016 là trầm trọng nhất, như gia đình tôi, chỉ trong một đêm có 10 tấn cá thành phẩm bị chết. Chúng tôi gắn bó với sông nước, bè cá chính là nhà, nuôi cá là nghề duy nhất để kiếm sống. Cá chết đồng nghĩa việc dân làng bè thiếu gạo, không có cái ăn, rơi vào túng quẫn, nợ nần”. 

Theo ngư dân nơi đây, ngày 3/1, nước sông khu vực làng bè chuyển màu đen và có mùi hôi nồng, đến tối cùng ngày, cá tại các khuông nuôi có biểu hiện đuối sức, nổi lên mặt nước đớp bọt khí. Các chủ bè dùng hệ thống sục ôxy, khuấy nước tạo bọt cứu cá nhưng bất thành. Chỉ từ rạng sáng 4 – 5/1, có khoảng 400 tấn cá của 218 hộ nuôi bị chết, nổi kín mặt nước, nhiều gia đình thiệt hại trên 20 tấn cá. 

Chủ bè Nguyễn Văn Vĩ (sinh năm 1984) chia sẻ, ngày 4/1, nhà anh có 15 tấn cá bị chết, khoảng 1 tỷ đồng theo đó trôi sông. Với khoản nợ 900 triệu đồng vay để đầu tư, gia đình đã bàn bạc nhiều, nếu không nuôi cá tiếp sẽ không có tiền để trả nợ. 

Từ giữa tháng 1, nước sông tại khu vực làng bè đã trong và ổn định, anh Vĩ đi vay mượn khắp nơi được hơn 700 triệu đồng, toàn bộ tiền này anh dùng để nâng cấp bè, tạo hệ thống sục khí ôxy và mua cá chép, cá trắm về thả. 

Những ngày qua, chính quyền, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai cũng thường xuyên quan tâm, kiểm tra nguồn nước khu vực làng bè, hướng dẫn dân cách nuôi, chăm sóc cá đúng quy chuẩn, điều này giúp người nuôi bớt lo, tin tưởng sẽ không tái diễn rủi ro. 

Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở làng bè Biên Hòa vào đầu tháng 1/2016 được xác định là do hàm lượng ôxy hòa tan trong nước (DO) suy giảm; chế độ thủy triều thay đổi đột ngột, không theo quy luật tự nhiên. Bên cạnh đó, khu vực làng bè Hiệp Hòa, mật độ bè và mật độ nuôi cá quá dày đặc đã giới hạn không gian sống của cá. Trong khi đó, người nuôi áp dụng chế độ dinh dưỡng cho cá không tuân thủ theo yêu cầu của cơ quan chức năng; cho cá ăn các loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh, an toàn, áp dụng chế độ ăn tăng cường. 

Ông Phùng Cẩm Hà, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho biết, qua xét nghiệm, nguồn nước tại khu vực làng bè nhánh sông Đồng Nai đảm bảo các tiêu chí về nuôi trồng. Từ 7/1 đến nay, cứ 2 ngày, Chi cục Thủy sản Đồng Nai lại cử người đến khu vực lấy mẫu nước để xét nghiệm, theo dõi biến động môi trường. Đồng thời khuyến cáo, hướng dẫn ngư dân chăn nuôi đúng kỹ thuật để đảm bảo sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, Chi cục cũng phối hợp với người dân theo dõi nguồn nước, giám sát các nguồn xả thải để có phương án xử lý phù hợp. 

Theo ông Lê Văn Trung, Chánh Văn phòng UBND thành phố Biên Hòa, sau khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt tại làng bè Biên Hòa, lãnh đạo thành phố Biên Hòa đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm nguyên nhân, thống kê cụ thể thiệt hại để có hướng hỗ trợ. 

Dịp Tết Bính Thân 2016, thành phố Biên Hòa chỉ đạo xã Hiệp Hòa ưu tiên tặng quà Tết cho người dân ở làng bè. Đối với vấn đề hỗ trợ vốn tái sản xuất, người dân cần có kiến nghị gửi thành phố Biên Hòa, thành phố sẽ đề xuất tỉnh Đồng Nai đưa ra chính sách cho dân làng bè vay vốn ưu đãi./. 

Công Phong/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục