Thách thức và cơ hội đối với kinh tế Hàn Quốc trong năm 2022

05:30' - 18/01/2022
BNEWS Bất chấp đại dịch COVID-19 bùng phát, kim ngạch xuất khẩu của “xứ Kim chi” vẫn đạt mức cao kỷ lục và được công nhận là nền kinh tế phát triển.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 10/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong chuyên mục Góc nhìn Quốc tế (Global Insight), kênh truyền hình Arirang (Hàn Quốc) ngày 4/1 đăng bài phỏng vấn Tiến sỹ Ji Yeol Jimmy Oh, Phó Giáo sư chuyên ngành tài chính của trường Đại học Hannyang (Hàn Quốc), về những thách thức và cơ hội đối với kinh tế Hàn Quốc trong năm 2022. 

Nhìn chung 2021 là một năm thành công đối với kinh tế Hàn Quốc. Bất chấp đại dịch COVID-19 bùng phát, kim ngạch xuất khẩu của “xứ Kim chi” vẫn đạt mức cao kỷ lục và được công nhận là nền kinh tế phát triển. 

Chính phủ Hàn Quốc dự báo tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 3,1% trong năm 2022, với kỳ vọng tăng trưởng tiêu dùng và xuất khẩu sẽ tiếp tục đà tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nợ hộ gia đình tăng cao là những rủi ro lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm nay. 

* Triển vọng kinh tế vĩ mô: Tích cực nhưng cần nắm bắt tốt các cơ hội

Nhận định về triển vọng kinh tế vĩ mô, Tiến sỹ Ji Yeol Jimmy Oh cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế 3,1% là mục tiêu khả thi song để làm được điều này, Hàn Quốc phải tận dụng tốt mọi cơ hội. 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Chính phủ Hàn Quốc đã cùng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 là 3,1%, giảm so với mức xấp xỉ 4% vào năm 2021. Năm ngoái, động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư tư nhân, song “bệ đỡ” này không thực sự chắc chắn do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế từ năm trước đó. 

Tuy nhiên, 3,1% vẫn là mức tăng trưởng cao và để đạt mục tiêu này, tăng trưởng trong lĩnh vực tiêu dùng tư nhân đóng vai trò quan trọng vì tiêu dùng toàn cầu có khả năng vẫn chậm và không đồng đều giữa các khu vực. Yếu tố này cũng phụ thuộc vào khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 của các nước. 

Xét trên khía cạnh như vậy, các biến số có thể tác động đến tăng trưởng tiêu dùng nội địa của Hàn Quốc bao gồm tốc độ lan truyền của biến thể Omicron và sự xuất hiện của các biến thể tiếp theo, cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử địa phương của Hàn Quốc, thực trạng cạnh tranh Mỹ-Trung và cuộc bầu cử Tổng thống giữa nhiệm kỳ của Mỹ. 

Trong khi đó, nhận định về vấn đề lạm phát, Tiến sỹ Ji Yeol Jimmy Oh cho rằng xét về khái niệm, lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục và cuối cùng giá sẽ ngừng tăng vì hai lý do, cung giảm hoặc cầu tăng. 

Hiện nay, cả hai yếu tố đó đang cùng tồn tại. Nguồn cung giảm và ngày càng trở nên khan hiếm, những “điểm nghẽn” trong chuỗi cung ứng đang làm tăng giá nguyên liệu thô và nhiều mặt hàng khác. Tại bang Illinois (Mỹ), có khá nhiều nông dân đã quyết định trồng đậu tương thay ngô vì không muốn mua phân bón với giá cao. 

Cho đến năm sau, thực tế này có thể vẫn tiếp diễn và tác động đến giá thức ăn chăn nuôi, giá vật nuôi. Tình trạng thiếu lao động và nguyên liệu thô là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạm phát hiện nay. 

Ngoài ra, Tiến sỹ Ji Yeol Jimmy Oh cho rằng để đối phó với đà suy thoái kinh tế, chính phủ các nước tung ra nhiều tiền mặt, ví dụ Mỹ thông qua gói đầu tư hạ tầng khổng lồ, trong khi Hàn Quốc cũng triển khai một số đợt hỗ trợ tài chính khẩn cấp bằng tiền mặt. Theo đó, cầu có nhưng cung chưa được cải thiện, dẫn đến tình trạng cung-cầu mất cân đối tạm thời. 

Chính phủ hiểu rằng việc tiếp tục áp dụng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội như trong hai năm vừa qua là không thể và chính phủ khuyến khích người dân chi tiêu. Tuy nhiên, tình trạng việc làm là yếu tố không thể được cải thiện chỉ trong thời gian ngắn. Tình trạng mất cân đối này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn, ít nhất là trong vài tháng tới.

Năm 2021, Hàn Quốc đã nhận thức được tầm quan trọng của việc thiết lập chuỗi cung ứng linh hoạt cho các nguồn nguyên liệu quan trọng, vốn đang chịu tác động từ sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Tuy nhiên, Tiến sỹ Ji Yeol Jimmy Oh cho rằng không phải tới năm ngoái nước này mới đối diện với những vấn đề như vậy. Quan hệ thương mại song phương với Nhật Bản là một ví dụ. Mới đây, công ty Samsung Electronics đã một lần nữa gặp khó khăn do các biện pháp phong tỏa của thành phố Tây An (Trung Quốc), điều này đã tác động không nhỏ đến nguồn cung chất bán dẫn. Đó là những bài học kinh nghiệm đối với mỗi doanh nghiệp. 

Vì vậy, không có chiến lược nào khác ngoài việc đa dạng hóa các nguồn cung ứng thiết yếu. Tuy nhiên, việc đạt mục tiêu này trong “một sớm một chiều” là không thể. Theo đó, Hàn Quốc cần xác định và giám sát chặt chẽ nguồn nguyên liệu thiết yếu có nguy cơ rủi ro. Tiếp đến, các công ty sản xuất hàng hóa từ nguồn nguyên liệu này cần đa dạng hóa nguồn cung.

Những gì chính phủ cần làm là đóng vai trò hỗ trợ, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng để lưu trữ các nguyên liệu quan trọng, chẳng hạn như khí tự nhiên hóa lỏng và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng ký kết các hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, trách nhiệm chính thuộc về các doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng. Tiến sỹ của trường Đại học Hannyang cho rằng cần phải giám sát chặt chẽ vấn đề này.

* Những lựa chọn khó khăn tại thời điểm hiện tại

Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc luôn khẳng định nền kinh tế này đang vận hành tốt nhất từ trước đến nay, vẫn có rất nhiều người quan ngại về sự lành mạnh của chính sách tài khóa, bao gồm nợ hộ gia đình và nợ quốc gia, với tỷ lệ nợ tăng cao tới mức chưa từng có. 

Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Ji Yeol Jimmy Oh cho rằng về cần phải phân biệt giữa nguy cơ rủi ro và tỷ lệ nợ. Tỷ lệ nợ công của Hàn Quốc là khoảng 50%, vẫn đang ở dưới mức trung bình của khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), song vấn đề ở đây là tốc độ gia tăng các khoản nợ trên GDP của Hàn Quốc đang gia tăng rất nhanh trong 4 năm vừa qua. 

Cả OECD và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều đưa ra dự báo rằng trong vòng 5-10 năm tới, Hàn Quốc sẽ là một trong những quốc gia có mức vay nợ tài khóa gia tăng mạnh nhất. Đây là một vấn đề lâu dài, trong khi Hàn Quốc sắp phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn là quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, kéo theo đó là gánh nặng nợ công gia tăng đáng kể, chi phí chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và trên hết là áp lực quỹ lương hưu sẽ là những vấn đề lớn trong 10-20 năm tới. 

Đó là những nguy cơ lâu dài, song không thể vì thế mà “khoanh tay đứng nhìn” đại dịch COVID-19 hoành hành. Vì vậy, cần phải xác định được đâu là giải pháp ngắn hạn và đâu là giải pháp lâu dài và không đợi đến khi “kết thúc đám cháy mới biết ngọn lửa đã hoành hành thế nào, cần dập lửa từ sớm”. 

Trong bối cảnh đó, cả chính trị gia và người dân nói chung đều phải cân nhắc khi đưa ra các quyết định vay nợ. Nợ công cần được kiểm soát trong khoảng 5-10 năm tới. Nghĩa là việc đưa ra các lựa chọn đã rất khó khăn ngay từ thời điểm hiện tại.

Việc không thể giải quyết nhanh chóng vấn đề nợ, về lâu dài, những gánh nặng tài chính sẽ đổ lên vai thế hệ trẻ ở Hàn Quốc. Bằng chứng là đã có những lo ngại về sự ổn định của nền kinh tế Hàn Quốc trong tương lai bởi mức lương của một bộ phận người dân không tăng, trong khi số khác và đặc biệt là vị trí lãnh đạo, điều hành của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc lại tăng vọt trong vài năm qua.

Điều này phản ánh sự bất bình đẳng trong mức lương và thu nhập ngày càng gia tăng. Trong khi đó, các khoản trợ cấp hoặc hỗ trợ tài chính của chính phủ không thể được xem là giải pháp cơ bản để ổn định mức lương và thu nhập.

Tiến sỹ Ji Yeol Jimmy Oh cũng cho rằng việc bơm tiền mặt vào nền kinh tế chỉ được xem là một biện pháp hỗ trợ mà không thể thay thế các giải pháp cơ bản cho vấn đề mang tính lâu dài là phục hồi tăng trưởng tự nhiên. Có thể thấy, nguồn lực tăng trưởng tự nhiên đang giảm dần và Hàn Quốc cần tìm những nguồn lực mới. 

Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng không nên quá bi quan bởi Hàn Quốc là một trong những quốc gia sở hữu nguồn nhân lực chất lượng đã qua đào tạo tốt nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, chính phủ cần đảm bảo khả năng điều tiết lực lượng lao động để đáp ứng các nhu cầu và thực sự tạo ra được nguồn lực tăng trưởng dài hạn. 

Bước tiếp theo là chính phủ sẽ triển khai như thế nào trong từng lĩnh vực của nền kinh tế, việc tung ra các gói hỗ trợ và các biện pháp phúc lợi xã hội không khó thực hiện, nhưng phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là giải quyết những thách thức mới ngày càng gia tăng. 

Theo đó, tập trung vào những vấn đề mang tính nền tảng, tối đa hóa nguồn dữ liệu khổng lồ hiện là đòi hỏi chung của mỗi quốc gia phát triển thông qua việc cá nhân hóa các dịch vụ cho mỗi hộ gia đình và mỗi công ty. Các chính sách về lao động và phúc lợi xã hội theo định hướng trên kết hợp với năng lực khai thác dữ liệu sẽ là chìa khóa để phát huy tiềm năng tăng trưởng dài hạn trong lĩnh vực kinh tế tư nhân.

* Những rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường bất động sản và xuất khẩu

Nhiều người Hàn Quốc hiện đang lựa chọn đầu tư vào bất động sản. Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã chứng kiến giá bất động sản tăng vọt ngoài tầm kiểm soát. Trong thời gian thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho rằng “bong bóng” bất động sản là nguy cơ rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế. Mới đây, cơ quan này cũng đưa ra cảnh báo rằng “bong bóng” có thể vỡ và kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng. 

Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Ji Yeol Jimmy Oh cho rằng bất động sản là một vấn đề lớn ở Hàn Quốc, nguyên nhân chính là do phần lớn tài sản hộ gia đình gắn liền với bất động sản. 62% tài sản ròng của hộ gia đình là bất động sản, số liệu này ở Mỹ và Nhật Bản nằm trong khoảng 30% đến tối đa là 40%. 

Vì vậy, bất động sản thực sự là một phần quan trọng của tài sản hộ gia đình tại Hàn Quốc. Thực tế này đặt ra cả những mặt tích cực và tiêu cực liên quan đến cuộc khủng hoảng tiềm ẩn này. Mặt tốt là khoản vay trên tỷ lệ giá trị bất động sản trong khoảng 20-40%, là rất thấp so với Mỹ trước thời điểm xảy ra khủng hoảng. 

Tuy nhiên, mặt trái là luật pháp Hàn Quốc lại cho phép chủ sở hữu nhà ở tạo ra “đòn bẩy” lớn trong khi chỉ nắm giữ số vốn nhỏ, điều này kéo theo nhiều hệ quả. Khi lãi suất tăng, “đòn bẩy” tăng, tiêu dùng hộ gia đình sẽ chậm lại vì phải chi trả nhiều hơn cho lãi suất. Đáng buồn thay, vấn đề chính ở đây là nguy cơ thị trường nhà ở bị phân đôi. 

Người sở hữu bất động sản ở những khu vực giàu có như quận Gangnam tiếp tục kiếm thêm lợi nhuận, không chịu lệnh cấm vay tiền mua nhà ở vì tài sản thế chấp của họ là rất lớn, trong khi ở những vùng nông thôn, khó khăn ngày càng gia tăng. 

Đây là nguy cơ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong sở hữu tài sản ở Hàn Quốc. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe của kinh tế mà còn làm giảm năng lực tiêu dùng của người dân trong dài hạn.

Đáng tiếc là giờ đây chưa thật sự có một giải pháp nào dễ dàng ngoài việc bằng cách nào đó phải ổn định giá nhà đất và giúp duy trì sinh kế của người dân trong bối cảnh lãi suất tăng cao như hiện nay. Do đó, Hàn Quốc sẽ phải quyết khá nhiều vấn đề trong nước. 

Ngoài ra, xuất khẩu cũng là một trong những vấn đề cần chú trọng khi Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. Nhận định về những rủi ro, Tiến sỹ Ji Yeol Jimmy Oh cho rằng có hai nguy cơ rủi ro tiềm ẩn. Thứ nhất rõ ràng là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, hiện đã trở thành cuộc Chiến tranh Lạnh về kinh tế, khó có thể kết thúc trong tương lai gần.

Hàn Quốc bị mắc kẹt trong cuộc chiến này nên việc ra quyết sách trở nên thật sự khó khăn, nhất là liên quan đến các vấn đề an ninh như có tham gia Bộ Tứ Mở rộng hay không và vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên. Điều này đòi hỏi sự tinh tế và khả năng duy trì thế cân bằng chiến lược. 

Rủi ro thứ hai thường bị phớt lờ là nguy cơ khủng hoảng của tập đoàn bất động sản Evergrande. Nhiều người Hàn Quốc không quan tâm đến tình trạng hiện nay của tập đoàn bất động sản và xây dựng của Trung Quốc nhưng Chính phủ Trung Quốc đã chỉ thị hủy một số dự án của tập đoàn Evergrand, điều này có thể sẽ lặp lại nhiều lần trong tương lai. 

Khả năng Evergrande sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu là không caco, nhưng rất nhiều nhà đầu tư và chủ sở hữu bất động sản của Evergrande sẽ buộc phải cắt giảm đầu tư cho tiêu dùng trong tương lai gần.

Điều này chắc chắn sẽ khiến một số lĩnh vực liên quan đến xây dựng của Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, nhiệm vụ thực sự quan trọng được đặt ra là Hàn Quốc cần giám sát và hỗ trợ các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến Evergrand.

Ngoài ra, để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhiều người chỉ ra rằng Hàn Quốc cần tham gia Thỏa thuận Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Hàn Quốc có được “bật đèn xanh” hay không khi quan hệ với Nhật Bản tiếp tục căng thẳng và Tokyo lại có tiếng nói về việc kết nạp thành viên mới. 

Tiến sỹ Ji Yeol Jimmy Oh cho rằng vấn đề đặt ra là Hàn Quốc sẽ xử lý mối quan hệ phức tạp hiện nay với Nhật Bản như thế nào. CPTPP chiếm hơn 15% thương mại toàn cầu, cơ chế này cho phép Hàn Quốc ký kết các hiệp định thương mại tự do với một số quốc gia mà Hàn Quốc chưa có, Mexico là một ví dụ. 

CPTPP đặt ra yêu cầu rất cao về mức độ hội nhập thương mại với việc loại bỏ 96% hàng rào thuế quan, quy định về sở hữu trí tuệ... Những điều này sẽ tạo ra thách thức đối với Hàn Quốc trong một số lĩnh vực công nghiệp nhất định. 

Trong nông nghiệp, Hàn Quốc sẽ cạnh tranh với các cường quốc nông nghiệp như Australia, New Zealand, Canada và các nước Mỹ Latinh. Trên cơ sở các cuộc thảo luận trước đó về tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng, điều thực sự quan trọng là Hàn Quốc phải xây dựng được một hệ thống các mạng lưới thương mại hội nhập, đáng tin cậy và CPTPP phải được xem xét dưới một góc nhìn như vậy./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục