Thaco với chiến lược xuất khẩu ngược sang các nước trong khu vực

17:34' - 22/11/2017
BNEWS Trong thời gian tới, Thaco tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất, phát triển công nghiệp phụ trợ để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với dòng xe con với mức phấn đấu 40% để xuất khẩu ngược sang ASEAN.

Trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm về 0%, nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam chuyển sang phân phối thì Thaco tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa với định hướng xuất khẩu ngược sang khu vực.

Thể hiện vai trò hàng đầu

Ồng Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) khẳng định, với vai trò là doanh nghiệp ô tô lớn tại Việt Nam, Thaco tự nhận trách nhiệm tham gia ổn định thị trường.

Hơn thế, thực hiện chiến lược phát triển sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, Thaco cam kết với Chính phủ và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam về phát triển sản xuất ô tô có quy mô, từng bước cạnh tranh trong khu vực.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, từ năm 2011, Thaco đã ký hợp tác với Tập đoàn Mazda Nhật Bản đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động nhà máy Vina Mazda (hiện hữu) công suất ban đầu 10.000 xe/năm, sau đó nâng lên 30.000 xe/năm vào năm 2014.

Nhà máy Thaco Mazda được đầu tư xây dựng trên diện tích 35 ha tại khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thaco

Nhà máy Vina Mazda đã sản xuất lắp ráp hầu hết các mẫu xe của Mazda (Mazda2, Mazda3, Mazda6, Mazda CX-5) được thị trường ưa chuộng. Đồng thời, xây dựng được hệ thống phân phối đạt chuẩn 3S của Mazda toàn cầu gồm 44 showroom trực thuộc và đại lý trải rộng trên cả nước.

Đến nay, Thaco đã bán ra hơn 92.000 xe; riêng năm 2016 đạt hơn 32.000 xe, đưa Mazda trở thành thương hiệu ô tô Nhật Bản đứng thứ 2 về doanh số trên thị trường ô tô Việt Nam.

Đặc biệt, với vai trò tham gia ổn định thị trường, trong thời gian qua, Thaco đã tiên phong giảm giá theo lộ trình hội nhập khi thuế nhập khẩu về bằng 0% vào năm 2018 và tiếp tục giảm giá khi thuế tiêu thụ đặc biệt của dòng xe dung tích 2.0L trở xuống giảm 5% từ ngày 1/1/2018.

Ông Dương cũng cho hay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, mục tiêu đến năm 2035 số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa.

Mục tiêu là vậy và trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe con nguyên chiếc giảm về 0% vào năm 2018, nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam dần chuyển sang nhập xe nguyên chiếc từ các trung tâm sản xuất của hãng tại ASEAN về phân phối, nhưng Thaco không chỉ duy trì lắp ráp mà còn đẩy mạnh đầu tư sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Qua đó, Thaco khẳng định năng lực và quyết tâm trong việc tiên phong phát triển sản xuất lắp ráp trong nước. Đây cũng điều Thaco cam kết với Chính phủ và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nhằm phát triển sản xuất ô tô có quy mô và từng bước cạnh tranh được trong khu vực.

Cam kết này cũng đặt thách thức cho Thaco làm sao vừa phát triển ngành, vừa đáp ứng nhu cầu tất yếu của người dân mua được xe với giá rẻ, hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.

Đồng thời tạo việc làm, đào tạo nhân lực, giảm nhập siêu, đặc biệt là phát triển công nghiệp và có đóng góp tích cực vào việc phát triển nền kinh tế đất nước trong bối cảnh thời điểm hội nhập khu vực ASEAN vào năm 2018 đã cận kề.

Cùng với đó là phải cạnh tranh với các nền công nghiệp ô tô đã phát triển từ hơn 50 đến 70 năm, có quy mô về sản xuất và thị trường ô tô lớn rất nhiều lần so với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…

Đón đầu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4

Thách thức là vậy, nhưng ông Dương cũng khẳng định, từ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ, Thaco đã nỗ lực đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô tô. Đến nay Thaco đã đủ sức cạnh tranh lành mạnh với các liên doanh ô tô có thương hiệu trên thế giới đã đầu tư vào Việt Nam từ hàng chục năm để vươn lên thành doanh nghiệp ô tô hàng đầu ở Việt Nam.

Để đón đầu xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, mà cơ bản là sản xuất tự động hóa, trong 2 năm 2017 - 2018, Thaco thực hiện chiến lược với chu kỳ đầu tư phát triển mới là xây dựng hầu hết các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô mới và công nghiệp hỗ trợ.

Cụ thể là các nhà máy xe du lịch Kia, Mazda, xe du lịch cao cấp, nhà máy xe bus, nhà máy xe tải, cũng như các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40% đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Trong số các nhà máy trên, Thaco Mazda là nhà máy lớn nhất của Mazda tại Đông Nam Á đã được khởi công xây dựng ngày 26/3/2017 với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm).

Thaco Mazda cũng là nhà máy lớn nhất của Mazda tại Đông Nam Á có công nghệ hiện đại nhất, tự động hóa hoàn toàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lắp ráp các dòng xe Mazda thế hệ thứ 7.

Nhà máy được trang bị dây chuyền từ các nhà sản xuất thiết bị nổi tiếng của châu Âu, Nhật Bản và được ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trên cơ sở công nghệ lần thứ tư của thế giới.

Đây là các dây chuyền hàn tích hợp thân xe tự động hoàn toàn, với công nghệ hàn lazer mới nhất hiện nay trong công nghiệp ô tô; sơn bằng hệ thống băng chuyền hanger hoàn toàn tự động; dây chuyền kiểm định được trang bị các thiết bị ứng dụng công nghệ mới, hiện đại và được kết nối với hệ thống thông tin kỹ thuật của trung tâm kiểm định Mazda toàn cầu đặt tại Nhật Bản.

Cùng với đó là đường thử xe có chiều dài 5km với nhiều làn xe chạy thử có đầy đủ các địa hình mô phỏng theo mọi điều kiện đường sá của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhà máy cũng được thiết kế và xây dựng với hệ thống nhà xưởng vững chắc, đảm bảo thông thoáng trong điều kiện biến đổi khí hậu, với cảnh quan đẹp và đặc biệt là đảm bảo về môi trường tốt nhất.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (người chỉ tay) thuyết trình về nhà máy Thaco Mazda. Ảnh: Thaco

Theo ông Trần Bá Dương, qua kinh nghiệm thiết kế và xây dựng nhà máy Thaco Mazda, Thaco sẽ nâng cấp toàn bộ các nhà máy khác để khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Trong số các nhà máy trên, Thaco Mazda là nhà máy lớn nhất của Mazda nói riêng và ngành sản xuất lắp ráp ô tô tại Đông Nam Á nói chung có công nghệ hiện đại nhất, tự động hóa hoàn toàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lắp ráp các dòng xe Mazda thế hệ thứ 7.

Đây được xem là công trình có ý nghĩa khởi đầu và là dự án mẫu cho chu kỳ đầu tư mới của Thaco tại Chu Lai với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD.

Sau 8 tháng khởi công xây dựng, đến nay nhà máy Thaco Mazda đã hoàn thành hơn 70% khối lượng công việc theo đúng tiến độ đề ra dưới sự giám sát của các chuyên gia Nhật Bản.

Dự kiến, nhà máy sẽ sản xuất thử trong tháng 2/2018 và khánh vào ngày 24/3/2018 - chỉ sau đúng một năm khởi công xây dựng và đúng vào dịp chào mừng 43 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam.

Ông Trần Bá Dương quả quyết, với những kinh nghiệm và nền tảng cơ bản, thị trường ô tô phát triển ổn định, gia tăng trong thời gian tới, Thaco tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất, phát triển công nghiệp phụ trợ để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với dòng xe con với mức phấn đấu 40%. Qua đó, Thaco có thể từng bước xuất khẩu ngược sang các nước trong khu vực ASEAN./.

>>> Thaco tăng giá xe Mazda từ tháng 11/2017

>>>Thaco giảm giá Mazda6 quyết cạnh tranh trong phân khúc sedan hạng D

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục