Thái Lan mong muốn thúc đẩy đàm phán FTA với EU

14:51' - 24/01/2023
BNEWS Ngày 25 và 26/1, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Jurin Laksanawisit sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại của nước này tới Bỉ đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU).

EU gồm 27 quốc gia thành viên hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Thái Lan sau Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

 

Theo lời Bộ trưởng Jurin, FTA Thái Lan-EU là một trong những thỏa thuận thương mại tự do quan trọng nhất mà khu vực tư nhân đã mong muốn từ lâu.

Một khi được thực thi, FTA Thái Lan - EU chắc chắn sẽ tăng khối lượng thương mại giữa hai bên, đồng thời mở rộng cơ hội thương mại và các sản phẩm xuất khẩu của Thái Lan.
Bộ trưởng Jurin cũng cho rằng hiện tại là thời điểm phù hợp để bắt đầu lại các cuộc đàm phán vốn đã bị đình trệ từ năm 2014.

Ông cũng cho biết trong chuyến công tác này sẽ gặp ông Valdis Dombrovskis, Cao uỷ châu Âu và Phó chủ tịch chấp hành Uỷ ban châu Âu về Kinh tế và Việc làm cho Người dân để bày tỏ ý định chính trị của Thái Lan liên quan đến các cuộc đàm phán FTA.
Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Thái Lan và EU đạt 41 tỷ USD, chiếm 6,95% tổng kim ngạch thương mại của Thái Lan.

Trong đó, xuất khẩu của Thái Lan sang EU đạt tổng cộng 17,7 tỷ USD, với các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm máy tính, thiết bị và linh kiện máy tính, đá quý và trang sức, máy điều hòa nhiệt độ và linh kiện, sản phẩm cao su và bản mạch điện tử.

 Kim ngạch nhập khẩu từ EU đạt 18,2 tỷ USD, với các mặt hàng quan trọng bao gồm máy móc và linh kiện, dược phẩm, hóa chất, máy móc điện, linh kiện và dụng cụ, thiết bị liên quan đến khoa học và y tế.
Thái Lan hiện có 14 FTA với 18 quốc gia, bao gồm Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), có hiệu lực vào đầu năm ngoái.
Ngày 15/12/2022, Thái Lan và EU đã ký Hiệp định đối tác và hợp tác Thái Lan-EU (PCA) để thúc đẩy hợp tác song phương.

PCA tập trung vào tăng cường đối thoại chính trị về các vấn đề toàn cầu quan tâm và mở rộng phạm vi hợp tác Thái Lan - EU trong nhiều lĩnh vực chính sách, bao gồm môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu, giao thông, khoa học và công nghệ, thương mại, việc làm và các vấn đề xã hội, quyền con người, giáo dục, nông nghiệp, không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức, di cư và văn hóa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục