Thành công từ mô hình nuôi cá chiêm vây vàng lồng bè trên biển

15:32' - 06/10/2016
BNEWS Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã tiến hành nuôi thử nghiệm cá chiêm vây vàng thương phẩm ở hộ gia đình ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu và bước đầu đem lại hiệu quả cao.
Thành công từ mô hình nuôi cá chiêm vây vàng lồng bè trên biển. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa đối tượng thả nuôi, góp phần phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển nâng cao năng suất và chất lượng, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Phú Quốc đã nuôi thử nghiệm cá chiêm vây vàng thương phẩm tại hộ ông Trần Quốc Trung, ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu.

Đây là đối tượng nuôi mới, được thả nuôi một lồng vuông cải tiến trên diện tích 50m2, mật độ thả nuôi 500 con, tương ứng 10 con 1m3 nước.

Từ kinh nghiệm nuôi cá lồng bè trên biển trước đây, ông Trung cho rằng, quy trình nuôi cá chiêm vây vàng tương tự như các loại cá khác.

Ngoài chăm sóc đúng kỹ thuật, cách cho ăn, xử lý nguồn nước theo hướng dẫn của các kỹ sư thì cũng cần chú trọng vệ sinh định kỳ lồng để bảo đảm nuôi môi trường sạch, thông thoáng, có vậy cá mới phát triển, tỷ lệ sống cao, đạt năng suất.

Ngoài ra, mỗi tuần phải rửa rong sạch sẽ; một đến hai tháng phải sang cá qua lồng khác, đưa lồng lên phơi để chết các con vi khuẩn bám vào.

Theo ông Trần Quốc Trung, cá chiêm vây vàng là đối tượng dễ nuôi, sau khi xuất bán hết sẽ tiếp tục bắt thêm con giống để thả nuôi vì dễ bán và thương lái đến tận bè thu mua, sau khi trừ chi phí đạt khoảng 50% lợi nhuận.

Ông Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc, cho biết mô hình nuôi cá chiêm vây vàng thương phẩm được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ.

Mô hình này bước đầu nhận thấy mang hiệu quả cao với tốc độ tăng trưởng khá nhanh, điều kiện thích nghi khá tốt, tỷ lệ hao hụt thấp. Qua đó cho thấy, điều kiện thích nghi đối với vùng biển huyện Phú Quốc là tương đối cao.

Cá chiêm vây vàng là đối tượng có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, tốc độ sinh trưởng nhanh, ít bị nhiễm bệnh và có khả năng nuôi với mật độ cao trên biển hoặc trong khu vực nước mặn, lợ.

Qua gần một năm thả nuôi, tỷ lệ sống cá chiêm vây vàng đạt trên 90%, không có dịch bệnh xảy ra; cá đạt tỷ trọng từ 500-700 gram/con; sau 10 - 12 tháng đạt tổng sản lượng từ 2,8 - 3 tấn cá thành phẩm, với giá bán hiện nay từ 160.000 - 180.000 đồng/kg thì sẽ thu về khoảng 50 triệu đồng.

Ông Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc cho hay, cá chiêm vây vàng là loại cá biển dễ thích nghi với điều kiện môi trường, lớn nhanh, có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon được nhiều du khách ưa chuộng.

Đây chính là điều kiện cơ bản để phát triển, tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi. Trong tương lai, đối tượng này sẽ là tiềm năng thay thế cho những loại cá nuôi lồng bè kém hiệu quả trên địa bàn huyện Phú Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục